| Hotline: 0983.970.780

"Choáng" với giá sắn

Thứ Tư 21/03/2012 , 10:39 (GMT+7)

Hiện giá sắn tụt giảm thê thảm khiến nông dân đã bỏ rừng, bỏ ngô trồng sắn choáng váng.

Việc ồ ạt trồng sắn tại các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên bị vỡ quy hoạch, hiện giá sắn tụt giảm thê thảm khiến nông dân bỏ rừng, bỏ ngô trồng sắn choáng váng.

>> Sắn đồng loạt phá vỡ quy hoạch ở Miền trung - Tây nguyên



Sắn nườm nượp chở về nhà...

Tây Nguyên đang trong cao điểm vụ thu hoạch sắn, đi đến đâu cũng bắt gặp người dân xắt lát sắn để phơi khô. Sắn phơi trắng trong sân nhà ra đến đường làng ngõ xóm, tràn ra cả quốc lộ. Đang cặm cụi xắt từng lát sắn ven quốc lộ 26 để phơi, chị Bùi Thị Liên, xã Ea Kênh, huyện Krông Păk, tỉnh Đăk Lăk thấy khách lạ cũng chẳng buồn chào. Khuôn mặt méo xẹo, chị Liên cho biết: Khổ nhà em những năm trước đây chỉ trồng ngô, năm qua thấy người ta trồng sắn lãi quá, nhà em đã bỏ ngô trồng sắn. Nào ngờ năm nay giá sắn rẻ quá, bán tươi với giá 1.000 đồng/kg mà cũng chẳng ai mua nên đành phải phơi khô. Không chỉ riêng gia đình chị Liên mà hầu hết người dân trồng sắn đều phải xắt lát phơi chờ thương lái. Theo chị Liên hiện nay cứ 3kg sắn tươi thì được 1kg sắn lát khô, do vậy nếu không bán được sắn tươi người nông dân thiệt đơn thiệt kép bởi mất rất nhiều công xắt, phơi và bảo quản. Theo chị Liên vụ vừa qua với 1ha sắn chị đã đầu tư hết 15 triệu đồng đó là chưa kể công thu hoạch, nếu thu hoạch hết cũng chỉ được khoảng 7 tấn sắn khô, với giá hiện nay giỏi lắm lãi vài ba triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đăk Lăk: Với diện tích sắn năm 2011 toàn tỉnh 30.000ha, năng suất bình quân khoảng 20 tấn/ha thì sản lượng sắn của Đăk Lăk đạt trên 600.000 tấn. Trong khi đó hiện nay tại Đăk Lăk có 4 nhà máy chế biến tinh bột, mỗi năm các nhà máy này tiêu thụ 300.000 tấn sắn nguyện liệu. Số lượng còn lại người dân đành phải xắt lát phơi khô chờ thương lái.

Huyện Ea Kar, địa phương có diện tích sắn lớn của tỉnh Đăk Lăk, khác hẳn với mọi năm người dân thu hoạch sắn đến đâu được các nhà máy thu mua ngay tới đó. Năm nay quá nhiều sắn, nhà máy trên địa bàn không thu mua hết, dân đành phải xắt lát phơi khô. Từ sau tết đến nay, anh Lê Văn Thắng, xã Ea Tý, huyện Ea Kar bận túi bụi bởi vừa phải lo thu hoạch, vừa phải thuê người xắt lát và phơi sắn, rất khổ cực. Anh Thắng cho biết: Nhà tôi trồng 2ha sắn, những năm trước cứ thu hoạch đến đâu là chở đến bán cho nhà máy tinh bột tới đó. Còn năm nay, đợi mãi mà không bán được cho nhà máy mà sắn trên đồng đã già nếu không thu hoạch thì hàm lượng bột giảm, năng suất bị mất và bị trễ thời vụ vụ tới. Anh than thở: Phải phơi khô nên chi phí thu hoạch tăng nhiều so với bán tươi, nhà tôi ít người nên phải thuê người thu hoạch, cạo vỏ, xắt lát, mặt khác tỷ lệ hao hụt cũng rất lớn, trong khi đó nếu không bán được ngay phải bảo quản lâu dài không cẩn thận sắn sẽ bị mốc, mối mọt coi như bỏ đi.

Anh Nguyễn Văn Hà, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ea Kar cho biết: Trong năm 2011 toàn huyện đã trồng được 6.400ha sắn, tăng 2.100ha so với năm trước, với năng suất bình quân đạt khoảng 25 tấn/ha thì sản lượng sắn trong năm nay của toàn huyện đạt 150.000 – 170.000 tấn. Hiện nay trên địa bàn huyện chỉ có 1 nhà máy chế biến tinh bột sắn công suất 100.000 tấn nguyên liệu/năm. Do lượng sắn lớn nhà máy không thể thu mua hết nên có trên 1/3 sản lượng sắn phải phơi khô, đến nay huyện Ea Kar cũng mới chỉ thu hoạch được khoảng 60% diện tích, quá trễ so với mọi năm.


...sơ chế


...phơi khô

Không như huyện Ea Kar có nhà máy chế biến thu mua và giao thông thuận tiện, hiện nay người dân huyện vùng sâu Ea Súp đang khóc dở mếu dở vì sắn. Theo số liệu của phòng NN-PTNT huyện, trong năm 2010, diện tích sắn toàn huyện mới chỉ đạt 1.500 ha thì đến năm 2011 diện tích sắn ở đây đã vọt lên trên 4.000ha. Ông Nguyễn Đình Toản, Phó chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho biết: Đến nay chúng tôi cũng chỉ mới thu hoạch được khoảng 80% diện tích do khâu thu hoạch bị trì trệ kéo dài. Đây là hậu quả của việc phát triển cây sắn ồ ạt, tràn lan mà không tính tới sự thất thường và rủi ro của thị trường tiêu thụ. Do không có nhà máy chế biến trên địa bàn trong khi đó các vùng khác sắn cũng đầy đồng nên người dân huyện Ea Súp phải xắt lát phơi khô. Tuy nhiên việc tiêu thụ đang gặp vô vàn khó khăn, các thương lái ép người nông dân phải bán với giá rẻ với đủ lý do tạp chất nhiều, độ ẩm cao do vậy năm nay nguời trồng sắn ở đây hộ nào may mắn thì lãi 5 – 7 triệu đồng/ha còn không thì chỉ hoà thậm chí bị lỗ.

Xuôi về các tỉnh miền Trung tình hình cây sắn cũng không mấy khả quan. Tỉnh Quảng Ngãi có 2 nhà máy chế biến sắn ở huyện Sơn Hà và Sơn Tịnh đang thu mua sắn loại 30 độ bột là 1.650đ/kg tươi. Sắn càng thấp độ giá càng tuột theo tương ứng. Nông dân Huỳnh Minh ở thị trấn Châu Ổ, Bình Sơn cho biết: Tui vừa bán 3 tấn sắn trong tháng 3 này, khi nhà máy đo chỉ có 29,6 độ bột, giá thu mua bị giảm chỉ còn 1.626 đồng/kg sắn tươi. Qua mùa mưa nước ngập kéo dài, cây sắn khó lòng đạt chuẩn 30 độ bột do các nhà máy đặt ra. Giá đã hạ, sắn lại thấp độ, người trồng sắn tụi tui thiệt đơn thiệt kép.


rồi đóng bao chờ....

Đó là đối với những người có đất trồng sắn gần đường giao thông, việc chuyên chở về nhà máy bán thuận lợi, ở những vùng sâu vùng xa, giá bán sắn còn thấp tệ hại hơn do bị tư thương ép giá. Hiện giá mua tại ruộng của tư thương chỉ có 1.100 đồng/kg sắn tươi. Nếu trước đây sắn đứng ở giá 2.400đ/kg, mỗi ha đất trồng sắn nông dân thu lãi được trên 20 triệu đồng thì với giá thu mua hiện nay tại các vùng gần rừng (1.100đ/kg), với năng suất từ 15-20 tấn/ha, người trồng kiếm được khoảng 15-20 triệu đồng/ha, trừ chi phí công chăm sóc, đầu tư phân thuốc, công thu hoạch kể như hòa vốn. Trong khi đó, trước đây, vào thời điểm giá sắn cao ngất, nhiều người bất chấp pháp luật, đã bỏ ra rất nhiều vốn để thuê công phá rừng lấy đất trồng sắn. Thế nên trong năm 2011, diện tích sắn của Quảng Ngãi tăng đột biến lên 16.000 ha, tăng 30% so năm 2010. Cứ ngỡ cây sắn sẽ đứng vững, chuyện làm ăn suôn sẻ lâu dài, nào ngờ giá tuột mạnh khiến những người vì hám lợi đổ vốn “đầu tư” vào việc phá rừng để lấy đất trồng sắn quá đau điếng.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng sắn ế tại các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên ngoài lý do cung vượt cầu, theo nhiều tư thương còn có nguyên nhân khác. Chị Nguyễn Thị Thu, thương lái thu mua sắn lát tại Quảng Ngãi cho biết: Những năm trước đây, ngày nào tư thương tụi tui cũng thu mua sắn tươi về xắt lát phơi khô, sau đó bán vào Bình Định để đưa xuống cảng Quy Nhơn đi Trung Quốc nườm nượp. Nay thì sức mua sắn của các doanh nghiệp ở Bình Định để xuất đi Trung Quốc rất yếu. Bên cạnh đó, trước đây, các nhà máy chế biến sắn chủ yếu thu mua để xuất khẩu tinh bột sắn đi Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Song hiện nay xuất khẩu sắn qua đường này đang gặp khó, nhiều doanh nghiệp không tiêu thụ được, hoặc nếu được thì chỉ bán được giá thấp nên phải hạ giá mua vào.

Xem thêm
Giá cá lóc tăng 5.000 đồng/kg, nông dân vẫn không có lãi

Tại Trà Vinh, cá lóc bán tại ao tăng thêm 5.000 đồng/kg so với đầu năm, nhưng người nuôi chỉ hòa vốn đến thua lỗ nếu xuất bán.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Teccombank hướng dẫn đối phó ứng dụng giả mạo, lừa đảo qua mạng

Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới, những kẻ lừa đảo không ngừng nghĩ ra những cách thức mới để lừa tiền của nạn nhân.