| Hotline: 0983.970.780

Chọn giống gắn với thị trường

Thứ Ba 25/02/2014 , 11:04 (GMT+7)

Ngày 23/2, tại Viện lúa ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì hội nghị SX giống lúa cho ĐBSCL giai đoạn 2014-2015...

Ngày 23/2, tại Viện lúa ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì hội nghị SX giống lúa cho ĐBSCL giai đoạn 2014-2015 do Cục Trồng trọt tổ chức. Gần 100 đại biểu gồm lãnh đạo Sở NN-PTNT, Trung tâm giống các tỉnh ĐBSCL, các nhà khoa học tham dự.

Đây là hội nghị chuyên ngành đặt mục tiêu trọng tâm cải tạo giống lúa hiện có và chọn giống mới có giá trị cao chuẩn bị cho những năm tới đáp ứng yêu cầu SX, xuất khẩu và nhu cầu tiêu thụ gạo nội địa.

Bước tiến năng động

Hơn 20 năm qua thành tựu SX lúa, gạo ở ĐBSCL liên tiếp trúng mùa, sản lượng không ngừng gia tăng. Trong đó có sự đóng góp rất lớn của các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu giống tại các viện nghiên cứu, trường đại học và nông dân trong việc chọn tạo, phát triển hệ thống nhân giống và phát triển SX những giống năng suất cao.

Ông Nguyễn Quốc Lý, Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng vùng Nam bộ nhận xét: Trong giai đoạn 2008-2012 ở các tỉnh phía Nam công tác chọn tạo giống lúa rất phong phú về mặt số lượng. Các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, chọn tạo giống lúa như Viện lúa ĐBSCL, Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam, Trường ĐH Cần Thơ, Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Đồng Tháp Mười, Cty Hoa Tiên, Cty BASF, Cty BVTV An Giang, Trung tâm Giống NLNN Kiên Giang… mỗi năm đưa vào khảo nghiệm từ 106 - 126 giống lúa trong 2 vụ ĐX và HT.

Theo Cục Trồng trọt, trong 5 năm qua tỷ lệ giống được công nhận SX thử/tổng lượt giống khảo nghiệm trung bình đạt xấp xỉ 10% và tỷ lệ giống được công nhận chính thức/tổng số giống SX thử đạt khoảng 60%. Phần lớn các giống được công nhận đều tồn tại và phát triển tốt trong SX, nhiều giống đã phát triển mạnh, trở thành giống chủ lực hoặc giữ vị trí quan trọng trong SX như OM4900, OM5472, OM4218, OM6162, OM7347, OM6976, OM5451, GKG1, Nàng Hoa 9…


Nông dân chọn giống lúa SX theo nhu cầu thị trường

Bên cạnh đó, sự phát triển hệ thống SX kinh doanh giống lúa tiến triển rất nhanh. Đến năm 2013 toàn vùng có 271 tổ chức cá nhân đăng ký SX kinh doanh lúa giống, tăng gấp 5,4 lần so với năm 2007 (có 50 đơn vị/cá nhân). Hệ thống SX giống nông hộ có tới 1.431 hộ tham gia SX ước đạt 140.000 tấn/năm đủ cung ứng cấp giống cho 1 - 1,2 triệu ha, tạo hiệu ứng tích cực trong việc SX cung ứng giống các cấp.

Điểm yếu

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, mặt hạn chế về cơ cấu giống lúa trong SX số lượng còn rất lớn. Với hàng trăm giống/vụ gây khó khăn cho công tác quản lý và khó xây dựng được thương hiệu gạo Việt. Cơ cấu giống chưa gắn với thị trường tiêu thụ, xuất khẩu. Còn nhiều giống chất lượng thấp SX và chưa có đánh giá để loại khỏi danh mục các giống giống lúa không còn phù hợp.

Trong 3 năm qua (2010-2012), số giống công nhận cho SX thử nhiều và nhiều giống không có sự khác biệt rõ ràng về đặc điểm nông học và chất lượng; tỷ lệ giống công nhận chính thức/số giống công nhận SX thử còn thấp và có xu hướng giảm; chọn tạo giống theo hướng chống chịu tốt với sâu bệnh hại rầy nâu, đạo ôn còn hạn chế; chọn tạo giống lúa cho vùng khó khăn như phèn, mặn, hạn, ngập chưa có kết quả nổi bật.

Việc chọn tạo giống lúa nếp, lúa thơm đặc sản có giá trị trương mại cao chưa được quan tâm suốt thời gian dài và hiện chỉ có nhóm cộng sự của KS Hồ Quang Cua và Cty Hoa Tiên tập trung theo hướng nghiên cứu này, bước đầu chọn tạo được một số ít giống phục vụ SX như ST5, ST13, ST20 và Nàng Hoa 9. Nhóm giống lúa cao sản, ngắn ngày, năng suất cao với chất lượng gạo rất tốt như OM3536, OM4900, OM7347 còn ít và diện tích SX chiếm tỷ lệ thấp.

Anh Trịnh Hoàng Việt, Phó GĐ Trung tâm KN Long An băn khoăn chất lượng giống: Trước đây Long An phát triển giống lúa Jasmine 85 và hiện nay giống lúa OM4900 trở thành giống chủ lực. Tuy vậy tình trạng 2 giống lúa trên nông dân mua bên ngoài than phiền bị lẫn, chất lượng không đảm bảo. Do đó, SX lúa giống cần quản lý tốt chất lượng giống đầu dòng, phải chấp nhận giá trị bản quyền giống để tiến tới SX đảm bảo chất lượng lúa gạo.

TS Nguyễn Trung Tiền, Giám đốc Trung tâm Giống NLNN Kiên Giang cho hay, trung tâm đã cho khoảng 10 giống SX/năm nhưng bán được chỉ 5 giống. Vấn đề đặt ra một số giống vì sao khi thị trường cần chúng ta không có.

Do vậy Kiên Giang đang hướng tới chọn giống SX theo xu hướng nhu cầu thị trường đang cần. Giống phải có chất lượng, hiệu quả kinh tế và đặc tính nông học ổn định. Quan trọng nhất là hệ thống nhân giống của nông dân để đảm bảo chất lượng giống thuần. Kiên Giang áp dụng biện pháp khuyến khích bằng cách trợ giá 30%.

Định hướng

Theo PGS.TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Giống Định Thành - Cty CP BVTV An Giang (AGPPS), trước đây AGPPS kinh doanh giống không có lãi, nhưng từ năm 2005 đến nay SX khoảng 30.000 tấn lúa giống nguyên chủng (NC) và giống xác nhận (XN) bán ra đều có lãi.


Chọn giống lúa, gạo xuất khẩu triển vọng

Hiện nay An Giang có hệ thống SX giống do nông dân hợp tác rất mạnh. Nếu có đơn vị đặt hàng trước như một số DN miền Bắc đã làm thành công tất sẽ có DN SX nhân giống cung ứng. Hoạt động SX cung ứng giống gắn với thị trường sẽ lập lại trật tự và kiểm soát đảm bảo theo quy chuẩn.

Cục Trồng Trọt đề xuất kế hoạch SX giống lúa cho ĐBSCL trong 2 năm 2014-2015, mục tiêu cải tạo giống hiện có và chọn tạo giống mới thuộc 2 nhóm sản phẩm chủ lực trong SX tối thiểu 10 năm: Nhóm giống gạo trắng hạt dài, chất lượng cao, TGST 90 - 105 ngày trong vụ ĐX, chất lượng gạo tốt hạt dài trên 7 mm, gạo trong không bạc bụng, hàm lượng amylose dưới 22%, cơm mềm, ngon, năng suất tối thiểu 7,5 - 8 tấn/ha, chống chịu rầy nâu, đạo ôn, chống đổ và khả năng thích ứng rộng và đạt giá trị trên 600 USD/tấn;

Nhóm giống lúa thơm có TGST 90 - 105 ngày trong vụ ĐX, chất lượng gạo tốt, cơm gạo thơm cấp 2, cấp 3 trở lên, hạt dài trên 7 mm, amylose từ 18 -22%, gạo không bạc bụng, cơm mềm ngon (tối thiểu như chất lượng gạo Jasmine 85), năng suất tối thiểu 7 tấn/ha, chống chịu được các loại sâu bệnh hại chính, chố đổ ngã, và có giá trị trên 800 USD/tấn.

Vụ lúa ĐX đầu năm 2014 ở ĐBSCL đang bước vào thu hoạch, trúng mùa. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhận định: Chính nhờ điều kiện SX thuận lợi nên ĐBSCL có những sản phẩm giàu tiềm tăng phát triển như lúa-gạo, tôm, cá… Trong đó, lúa - gạo là sản phẩm chủ lực của quốc gia. Năm 2014 Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu nâng cao chất lượng, giá trị trong đề án tái cấu trúc SX ngành nông nghiệp và SX lúa sẽ là bước đi đầu tiên.

"ĐBSCL đang SX quá nhiều giống lúa và hiện tượng gạo đấu trộn còn tồn tại. Phải làm thế nào xác định phân vùng SX, mỗi địa phương có một giống chủ lực; đồng thời cải thiện, nâng cao chất lượng hạt giống, củng cố phát triển nhân giống tốt từ hệ thống nông hộ nhằm nâng tỷ lệ nông dân sử dụng giống XN lên 60 - 80%.

Bộ NN-PTNT đang triển khai chương trình đầu tư phát triển khoa học công nghệ; dự án khuyến nông SX giống lúa… Viện lúa ĐBSCL sẽ phối hợp với các đơn vị thực hiện các đề tài chọn tạo giống lúa cho vùng ĐBSCL. Bộ thống nhất thành lập ban chỉ đạo điều hành SX lúa gạo, đẩy mạnh thực hiện cánh đồng lớn, xây dựng vùng nguyên liệu tiêu thụ lúa gạo. Năm 2014 mục tiêu cánh đồng lớn đạt 300.000 ha và năm 2015 là 500.000 ha", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Hiện ở ĐBSCL mỗi vụ ĐX, HT và TĐ có 20 giống trong bộ giống lúa chủ lực, đạt diện tích SX 3 triệu ha, chiếm trên 70% tổng diện tích SX. Giống IR50404 đạt diện tích siêu trội so với các giống khác trong cả 3 vụ, chiếm tới 20 - 25% diện tích. Bên cạnh đó có 5 giống lúa chiếm diện tích dẫn đầu là OM6976, OM5451, OM4218, OM2717 và Jasmine 85.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 3] Thời cơ cho vùng nắng gió

UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành chiến lược phát triển chăn nuôi nói chung, yến nói riêng đến 2030 tầm nhìn 2045, mở ra cơ hội phát triển nghề yến vùng nắng gió này.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.