| Hotline: 0983.970.780

Chọn giống lúa ở Hà Tĩnh: Trên bảo dưới không nghe!

Thứ Ba 13/12/2011 , 11:08 (GMT+7)

Dù đã quá cũ, lạc hậu, năng suất chất lượng thấp lại dài ngày, hàng năm không được phục tráng, nhưng lạ thay IR1820 vẫn đang là giống được trồng nhiều ở Hà Tĩnh. Tại sao?

Chủ trương tiếp nhận giống mới ở Hà Tĩnh còn dài dài…!

Hơn 30 năm trước, Hà Tĩnh đã chọn giống lúa IR1820 của Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế để thay thế các giống lúa truyền thống. Phải thừa nhận, nhờ IR1820 đời sống nông dân Hà Tĩnh lúc đó được no đủ. 

Nhưng đến nay thì giống đã quá cũ, lạc hậu, năng suất chất lượng thấp lại dài ngày, hàng năm không được phục tráng, lạ thay IR1820 vẫn đang là giống được trồng nhiều ở Hà Tĩnh. Tại sao?

Giống của một thời

Những năm 1960 Hà Tĩnh là một trong những tỉnh đói nghèo của cả nước, nông nghiệp tụt hậu, nông dân chỉ biết SX mỗi năm một vụ với các giống lúa cũ truyền thống như lúa chiêm, lúa ré… Đến năm 1979, du nhập giống mới IR1820, nông dân Hà Tĩnh như trổ cờ đứng dậy. Sau một vài năm thử nghiệm, đến 1981-1982 giống lúa này được đưa vào sản xuất đại trà trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo tài liệu để lại, các giống lúa truyền thống cũ năng suất chỉ đạt 25 kg/sào (500m2), còn IR1820 cho năng suất gấp 8-10 lần (từ 2-2,5 tạ/sào). Đúng là một cuộc cách mạng trong nông nghiệp Hà Tĩnh thật sự. Nhiều người cho rằng IR1820 sẽ đồng hành vạn kiếp với đồng ruộng Hà Tĩnh. Điều đó như ăn sâu vào tiềm thức nông dân Hà Tĩnh, nên đến nay đã hơn 30 năm IR1820 vẫn tồn tại với tư thế... giống chủ lực. 

Nhiều người vẫn một lòng “chung thủy” với 1 giống mà bây giờ phải nói là quá lạc hậu, hình như họ chẳng quan tâm, để ý gì đến nay có bao nhiêu giống mới ra đời, tiến bộ vượt bậc, năng suất, chất lượng gạo thơm, dẻo. Đặc biệt, thời gian sinh trưởng các giống mới hiện rút ngắn gần một nửa, tránh được khí hậu khắc nghiệt ở dải đất miền Trung này.

Trên bảo dưới không nghe

Mấy năm gần đây, chủ trương của tỉnh Hà Tĩnh là, hạn chế dần, để đi đến bỏ hẳn giống lúa cũ IR1820 đồng thời giao cho các địa phương phải tiếp cận và đưa các bộ giống lúa mới thay thế. Kỹ sư Đào Nghĩa Nhuận, Hội KHKT nông nghiệp Hà Tĩnh, người từng đứng ra tiếp nhận giống IR1820 trước đây, nói: Tôi là người tiếp cận giống lúa IR1820 đầu tiên về trên đất Hà Tĩnh. Phải thừa nhận rằng, thời khó khăn đói khát bấy giờ nếu không có 1820 thì nguy cơ thiếu đói trầm trọng. Thế nhưng, thời ấy đã lùi quá xa rồi, các tỉnh lân cận cũng đã loại trừ giống này, nông dân Hà Tĩnh không thể đèo bòng mãi với cái duyên cũ kỹ này nữa.

Theo ông Nhuận, giống IR1820 không thể phù hợp với yêu cầu hiện nay bởi biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, mưa lũ triền miên mà thời gian sinh trưởng của giống lúa này lại quá dài, từ 165-180 ngày. Mùa về, nhìn xung quanh các cánh đồng giống mới đã được gặt xong phơi khô quạt sạch, nhưng những thửa ruộng gieo cấy giống 1820 thì vẫn còn trơ trơ ra đó, hiếm có năm nào thoát nạn lũ lụt nên cho dù lúa tốt bao nhiêu đi chăng nữa cũng coi như mất trắng vì lũ. Còn nói về chất lượng thì giống này tụt hậu xa so với các giống lúa mới hiện nay. 

Đầu năm 2011, Sở NN-PTNT Hà Tĩnh tham mưu cho UBND tỉnh phát động các huyện kiên quyết không đưa giống IR1820 vào cơ cấu. Đặc biệt, tại cuộc họp triển khai đề án SX vụ đông xuân 2011-2012, tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh kiên quyết thay đổi bộ giống cũ sang giống mới, giao cho các huyện phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, nếu đơn vị nào không thực hiện để dân gieo cấy giống IR1820 không đúng với yêu cầu sẽ phải chịu trách nhiệm trước tỉnh.

Nếu với kiểu làm trên bảo dưới không nghe như 2 đơn vị cung ứng giống là Cty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh và Trung tâm Giống cây trồng Hà Tĩnh (Sở NN- PTNT) thì e rằng chuyện tiếp cận giống mới chất lượng cao đối với nông dân Hà Tĩnh còn dài!

Mới đây nhất, trong chuyến đi kiểm tra thực tế tại 2 huyện Đức Thọ và Can Lộc, ông Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương huyện Đức Thọ đã quyết liệt vào cuộc và hầu hết nông dân đã thay đổi sang gieo cấy toàn bộ bằng giống mới. Phó Chủ tịch tỉnh cũng từng chỉ trích gay gắt một số trung tâm giống đã đưa giống IR1820 bán cho các địa phương tiếp tục gieo cấy. Thậm chí, ông yêu cầu những địa phương này khẩn trương hỗ trợ tiền mua giống để nông dân gieo cấy lại số diện tích đã gieo IR1820 để chuyển sang các giống chủ lực khác.

Chủ trương của tỉnh là thế, nhưng vụ sản xuất này, Cty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh vẫn âm thầm bán IR1820 ra các địa phương. Cty còn “mị dân” bằng mọi hình thức như rải tờ rơi, đưa IR1820 vào danh mục các bộ giống lúa, bán giống rẻ cho nông dân... Tương tự, Trung tâm Giống cây trồng Hà Tĩnh cũng lén lút bán IR1820 ở huyện Can Lộc, dù biết chủ trương của UBND huyện là không cơ cấu giống cũ theo chủ trương chung.

Một cán bộ huyện Can Lộc bức xúc: “Mặc dù huyện, xã đã quán triệt bằng mọi biện pháp không sử dụng giống IR1820 trong vụ SX đông xuân này, nhưng Trung tâm Giống cây trồng Hà Tĩnh vẫn dùng mọi kiểu mánh khóe để nông dân mua giống cũ của họ SX ra, làm cho phong trào chuyển đổi giống mới của huyện bị xáo trộn”.

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Nghề mới lên đời

BÌNH ĐỊNH Chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, phong trào nuôi thú cưng ở phố thị theo đó cũng nở rộ, kéo theo nghề điều trị, làm đẹp cho thú cưng phát triển.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.