| Hotline: 0983.970.780

Chồng chất khó khăn

Thứ Tư 27/10/2010 , 10:40 (GMT+7)

Trên thực tế, việc xây dựng NTM ở địa bàn miền núi Bình Định dường như bắt đầu từ con số 0.

Trong những năm qua, địa bàn miền núi ở Bình Định được hưởng lợi từ nhiều Chương trình mục tiêu Quốc gia như 134, 135 và Nghị quyết 30a của Chính phủ nhưng trên thực tế chỉ mới làm giảm nghèo nhanh cho người dân chứ chưa xây dựng được NTM. Nên việc xây dựng NTM ở đây dường như bắt đầu từ con số 0.

Huyện An Lão có 9 xã và 1 thị trấn với 57 thôn với 6.247 hộ, 26.252 nhân khẩu. Trong đó có 40 thôn đồng bào dân tộc thiểu số gồm các dân tộc Hrê, Bana, Dao, Tày. Riêng xã An Hòa, xã đồng bằng duy nhất của huyện An Lão, là trung tâm huyện lỵ, nơi dân cư chiếm đến ½ dân số toàn huyện (2.654 hộ với 11.000 nhân khẩu) hoàn toàn là người Kinh và là địa phương phát triển nhất về kinh tế, xã hội nhưng bây giờ nhìn lại về cơ sở hạ tầng chỉ mới đạt khoảng 20% so với tiêu chí trong xây dựng NTM, 8 xã và 1 thị trấn còn lại ở An Lão gần như là trắng.

"Do đó, bước vào công cuộc xây dựng NTM, An Lão phải cân nhắc kỹ lưỡng từng bước một trước khi thực hiện để đạt hiệu quả thiết thực nhất", ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND huyện An Lão, bày tỏ. Chuyện "cân nhắc kỹ lưỡng" mà ông Tùng nói là việc triển khai xây dựng NTM ở An Lão phải được bắt đầu từ sự nhìn nhận vấn đề nào cần đầu tư trước, vấn đề nào thực hiện sau. Ông Văn Phụng Anh, Chủ tịch UBND xã An Hòa, cho biết: "Chúng tôi sẽ xây dựng đề án cụ thể, năm nay làm những gì, năm sau làm những gì. Đề án này được thông qua nhân dân, còn thiếu sót gì dân đề xuất. Sau khi dân thống nhất cao sẽ được thực hiện".

Là vùng đất nghèo, đến cuối năm 2009 mà tỷ lệ hộ nghèo ở đây vẫn còn hơn 40%, đa số người dân còn cơ cực nên khi thực hiện xây dựng NTM ở An Lão, lãnh đạo chính quyền các địa phương ở đây căn cứ trên thực tế đề ra giải pháp thực hiện. Cũng theo ông Văn Phụng Anh, NTM ở An Lão phải được xây dựng bắt đầu từ việc ổn định đời sống người dân thông qua ổn định sản xuất, bởi kinh tế An Lão trông cậy hoàn toàn vào sản xuất nông nghiệp. Mà muốn ổn định sản xuất phải kiên cố hóa cho được hệ thống kênh tưới cho hơn 2.384 ha diện tích lúa nước/năm.

 Trong những năm qua, hệ thống kênh mương ở đây có được đầu tư xây dựng kiên cố nhưng chưa được bao nhiêu, đặc biệt hệ thống mương tưới nội đồng còn bỏ ngỏ. Riêng ở xã An Hòa, địa phương được đầu tư khá nhất nhưng đến nay mới chỉ có 15-20% kênh nội đồng được kiên cố, ở những địa phương khác con số này rất thấp. Tuy nhiên, để thực hiện tốt vấn đề này An Lão cần phải dày công bởi đặc thù ở An Lão là ruộng bậc thang nên việc quy hoạch bờ vùng, bờ thửa để hưởng nước thủy lợi là rất khó.

Tiếp đến là đầu tư giao thông nông thôn. Đường về các buôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số có thuận lợi thì sản phẩm nông nghiệp của họ làm ra mới tiêu thụ được giá, không bị thương lái o ép như bấy lâu nay. Khi cái ăn đã ổn thì đầu tư đến hạ tầng y tế, giáo dục để chăm lo sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần cho người dân.

Thế nhưng để đời sống kinh tế của người dân An Lão được ổn định còn nhiều việc phải làm. Ví như phải thay đổi nhận thức trong SXNN để xóa đi những phi lý. Ví dụ, An Lão đất rộng người thưa, đất bãi bồi ven sông rộng bát ngát mà người dân ở đây phải ăn rau với giá đắt gấp đôi dân thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn). Chỉ vì nguyên nhân đơn giản là người dân ở đây không nghĩ đến trồng rau chuyên canh.

Mảng tối nhất trong “bức tranh kinh tế” ở An Lão là còn quá nghèo về công nghiệp. Hiện trên địa bàn huyện này có 2 cụm công nghiệp Cây Duối và Gò Bùi nhưng quy mô còn quá “hẻo” với các ngành chế biến gỗ, sấy cau khô và hạt điều, lưa thưa vài cơ sở sản xuất nhỏ quy mô hộ gia đình, thu hút vài chục lao động/cơ sở.

 Ông Văn Phụng Anh cho hay: “Riêng xã An Hòa đã có đến 2.000 lao động bỏ quê đi làm ăn xa vì ở đây thất nghiệp dài dài. Để xây dựng NTM cần phát triển mạnh công nghiệp để thu hút lao động, song song cần đầu tư mạnh về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có tay nghề cao để sau này không phải lúng túng”.

Hoặc như trong chăn nuôi bò, trong khi người chăn nuôi khắp nơi đã biết cách chăn nuôi bền vững bằng hình thức nhốt chuồng, dự trữ thức ăn cho chúng vào mùa mưa bão thì người chăn nuôi bò ở đây cứ thả rông vào rừng cả trong mùa mưa bão khiến hàng loạt con bò bị chết oan uổng do ngấm mưa lạnh. 

Để xây dựng NTM, An Lão còn phải đối mặt với  khó khăn nữa, đó là khoản 10% vốn huy động trong dân. Ông Anh tâm sự: “Ở những địa phương khác thì khoản đóng góp này là không thành vấn đề, thế nhưng ở An Lão dường như là bất khả thi bởi đời sống đa số người dân còn nghèo khổ, họ chỉ có thể góp công chứ chẳng thể đóng góp tiền".

Tuy khó khăn trước mắt, thế nhưng khi đã nhận định được những giải pháp thực hiện sẽ mang lại hiệu quả, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND huyện An Lão, tin tưởng bức tranh NTM ở An Lão sẽ sáng dần lên: “Từ nay đến năm 2020, huyện An Lão sẽ tập trung chính sách dân tộc và xây dựng NTM theo điều kiện cụ thể từng địa phương. An Lão sẽ tăng cường đầu tư phát triển kinh tế, xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kết hợp chặt chẽ đầu tư phát triển kinh tế với xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào, đặc biệt là hoàn thành công tác định canh, định cư bền vững".

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.