| Hotline: 0983.970.780

Chống lãng phí, dẹp nạn 'cha chung không ai khóc'!

Thứ Tư 09/11/2016 , 08:27 (GMT+7)

Câu chuyện tiêu xài của công vốn chẳng mới mẻ gì, hàng chục năm qua khẩu hiệu “tiết kiệm chống lãng phí” chưa bao giờ bị hạ xuống, nhưng tình trạng “bốc hơi” tài sản công ngày một nghiêm trọng.

Thực tế thì bộ phận có đặc quyền sử dụng của công chỉ là cán bộ, công chức chứ không ai khác. Và hình như cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao thì tiềm năng sử dụng của công càng lớn.

Điều này đã được minh chứng bằng những vụ án tham nhũng được phanh phui thời gian qua, những con số thất thoát cứ tăng theo cấp số nhân, đơn vị tính không phải hàng chục mà là hàng trăm, hàng nghìn, hàng triệu, hàng tỷ… Phải chăng, vì những đồng tiền thuế chẳng thuộc quyền sở hữu của riêng ai nên tất cả đều tặc lưỡi "của công ấy mà"!?

Câu chuyện xe công thời gian qua làm tốn không ít giấy mực, nhưng kết quả đổi lại là những con số định lượng mà bất cứ ai nhìn vào cũng thấy sự bất cập hiển hiện, đó là 7.000 chiếc xe công dư thừa đang trùm mền chờ đến hạn thanh lý, đó là cả chục ngàn tỷ để vận hành, bảo dưỡng bảo trì số xe đó…và cho đến nay trách nhiệm thuộc về ai vẫn còn là câu hỏi khó! Rất may, Chính phủ đã nhận ra vấn đề nên bắt đầu thực hiện khoán xe công…

Rồi thì những công trình đồ sộ kém hiệu quả mọc lên vô tội vạ kèm theo những khoản tiền khổng lồ tan tành theo mây khói, có phải vì xây bằng tiền thuế của dân nên chẳng ai cảm thấy xót. Không ai dám chắc rằng phê duyệt những dự án như vậy không có những động cơ đen tối thúc đẩy kiểu “bút sa hoa hồng nở”.

Trong báo cáo dự toán ngân sách năm 2016 cho thấy chỉ có 13/50 tỉnh thành đủ ngân sách có thể điều tiết về Trung ương và hiện tại nền kinh tế đang cần hơn 10 triệu tỷ đồng (480 tỷ USD) để tái cơ cấu, nợ công đã tới ngưỡng không thể nới trần. Điều đó đòi hỏi chúng ta không được quyền phung phí thêm một đồng nào nữa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây công cán nước ngoài bằng máy bay thương mại, kiên quyết không mua xe mới cho riêng mình, và trước đây chính Thủ tướng cũng chỉ đạo khi ông đi tỉnh không nên có quá 3 xe tháp tùng để tránh phát sinh chi phí. Những động thái trên của người đứng đầu Chính phủ cho thấy ông đã nhận ra, lãng phí đang đe dọa nghiêm trọng ngân khố quốc gia.

Bên cạnh những vụ việc nổi cộm nhức nhối khiến dư luận quan tâm, Trung ương rốt ráo vào cuộc thì vẫn còn hình thức lãng phí vặt, đó là ăn cắp giờ hành chính, là chuyện sử dụng điện, nước, công cụ làm việc tại công sở với thái độ xả láng đã bào mòn ngân sách một cách khủng khiếp, thật nguy hiểm nếu chỉ quan tâm những vụ việc lớn mà không thấy đề cập đến lãng phí vặt.

Chưa biết tìm đâu ra khoản tiền khổng lồ 480 tỷ USD để bơm vào nền kinh tế, trong khi nguồn ODA ngày càng siết lại, nên nhớ rằng GDP của Việt Nam hiện nay chưa bằng một ½ khoản tiền trên. Nếu có thể tự lực cánh sinh chỉ có duy nhất một con đường là thắt lưng buộc bụng, siết chặt kỷ cương chi tiêu công, nghiêm trị tham nhũng, lãng phí.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm