| Hotline: 0983.970.780

Chống tham nhũng: Chưa xứng thực tế

Thứ Tư 23/10/2013 , 10:10 (GMT+7)

Theo đánh giá của UBTVQH thì công tác phòng chống tham nhũng vẫn chưa tương xứng tình hình thực tế…

+ Biểu hiện nương nhẹ tội phạm tham nhũng!

+ Suy giảm lòng tin nhân dân

Ngày 22/10, Chính phủ báo cáo công tác phòng chống tham nhũng trước QH. Theo đó, năm 2013 ngành thanh tra đã phát hiện 80 vụ việc tham nhũng, cơ quan điều tra khởi tố 233 vụ án tham nhũng. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBTVQH thì công tác phòng chống tham nhũng vẫn chưa tương xứng tình hình thực tế…

Nỗ lực nhưng chưa hiệu quả

Báo cáo trước QH, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết, trong năm 2013 công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiểm toán đã có nhiều cố gắng. Toàn ngành đã triển khai 4.474 cuộc thanh tra hành chính và 131.749 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 287.325 tổ chức, cá nhân.

Qua thanh tra phát hiện vi phạm 12.639,6 tỷ đồng, 1.438 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 5.053,5 tỷ đồng và 1.374 ha đất (đã thu hồi 2.390 tỷ đồng, 18,2 ha đất); xử phạt vi phạm hành chính 324,7 tỷ đồng; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 6.379,8 tỷ đồng, 51 ha đất; đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 550 tập thể, 1.051 cá nhân; ban hành 153.457 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 50 vụ, 52 đối tượng.

Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính trong năm 2012 đối với niên độ ngân sách 2011 là 14.710,8 tỷ đồng, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm để xử lý đối với 27 cá nhân; chuyển 7 hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra.


Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Nguyễn Văn Hiện: "Vẫn còn tồn tại hiện tượng giảm nhẹ hình phạt dưới khung hay bỏ lọt tội phạm"

Trong hoạt động phòng chống tham nhũng, ngành thanh tra phát hiện 80 vụ, 90 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 117,5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 117,5 tỷ đồng; đã thu hồi 59 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 4 tập thể, 28 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra hình sự 11 vụ, 34 đối tượng.

Lực lượng cảnh sát điều tra đã thụ lý 371 vụ án, 847 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó: khởi tố mới 233 vụ, 568 bị can (so với cùng kỳ năm trước tăng 11 vụ và 97 bị can); thiệt hại khoảng 9.260 tỷ đồng; 51.000 lượng vàng SJC và 155.000m2 đất; đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 900 tỷ đồng. Đã kết luận điều tra 255 vụ, 581 bị can; đình chỉ điều tra 7 vụ, 6 bị can; tạm đình chỉ 9 vụ, 23 bị can; hiện đang điều tra 96 vụ, 230 bị can.

Số liệu trên cho thấy trong năm 2013 hoạt động điều tra, xử lý hành vi tham nhũng có tiến bộ, số vụ án tham nhũng được khởi tố, truy tố tăng lên, số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ thấp hơn so với các năm trước.

Nhưng bên cạnh đó, Tổng Thanh tra CP Trần Văn Truyền cũng thừa nhận công tác thanh kiểm tra vẫn còn nhiều hạn chế như: việc tự kiểm tra phát hiện tham nhũng ở các cơ quan tổ chức còn yếu, hoạt động của các cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng chưa hiệu quả; vẫn còn hiện tượng xử lý hành vi tham nhũng bằng kỉ luật hành chính và áp dụng các biện pháp giảm nhẹ.

Chấp pháp không nghiêm

Thẩm tra Báo cáo Chính phủ, Quốc hội cho rằng vẫn chưa có sự đánh giá, phân tích sâu sắc nguyên nhân của những việc chưa làm được, nhất là những hạn chế, yếu kém mà qua nhiều năm vẫn chưa được khắc phục.

Điều đáng lưu ý là Chính phủ vẫn chưa nêu được cụ thể những bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị đã làm tốt và chưa làm tốt công tác phòng chống tham nhũng hoặc những nơi, những lĩnh vực để xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng.

Phân tích hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng, Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Nguyễn Văn Hiện khẳng định vẫn còn tồn tại hiện tượng giảm nhẹ hình phạt dưới khung hay bỏ lọt tội phạm. Ông Hiện đưa ra dẫn chứng, năm 2013, VKSND Tối cao đã khởi tố 21 vụ với 20 bị can về nhóm tội tham nhũng chức vụ trong hoạt động tư pháp.

“Nhưng việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra”, ông Hiện nói. Hành vi vi phạm pháp luật và số tài sản sai phạm liên quan tới hành vi vi phạm pháp luật phát hiện được là rất lớn, nhưng việc xử lý hành vi tham nhũng và thu hồi tài sản còn rất ít.

+ Ông Nguyễn Hữu Vạn Tổng Kiểm toán Nhà nước:

"Để nâng cao năng lực của ngành Kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã trình QH xem xét phê duyệt phương án xây dựng chuyên ngành kiểm toán hoạt động.

Theo đó, Kiểm toán Nhà nước đề xuất được thành lập thêm một đơn vị gọi tắt là Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VIII, đồng thời giao bổ sung cho Kiểm toán Nhà nước 90 biên chế vào năm 2014, 30 biên chế vào năm 2015.

Hiện chúng ta chủ yếu chỉ thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán tuân thủ nên chưa đáp ứng đủ yêu cầu thực tiễn xã hội. Chuyên ngành kiểm toán hoạt động sẽ giúp phân tích, đánh giá hiệu quả các Chương trình, Dự án đảm bảo các mục tiêu KT-XH đặt ra".

+ Ông Lê Như Tiến - ĐBQH Quảng Trị:

"Những người tham nhũng thường là những người có chức quyền, có kinh tế nên họ có thể thao túng, lũng đoạn và họ rất tinh vi, vì vậy nguyên nhân quan trọng khiến không thể chặn đứng và đẩy lùi được tham nhũng là do trách nhiệm phát hiện và xử lý tham nhũng của người đứng đầu chưa thật sự có hiệu quả, thực thi pháp luật không nghiêm và làm không quyết liệt".

Qua giám sát, khảo sát của UB Tư pháp ở một số địa phương cho thấy, nhiều hành vi có liên quan tới tham nhũng chỉ bị xử lý kỷ luật hành chính. Việc đình chỉ điều tra, nhất là đối với một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng vẫn diễn ra.

Cụ thể, từ tháng 10/2010 đến tháng 4/2013, riêng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã đình chỉ 4 vụ với 27 bị can và đình chỉ 11 bị can trong các vụ án tham nhũng khác (toàn ngành kiểm sát đình chỉ 16 vụ với 91 bị can phạm tội tham nhũng, chiếm 2,11%); có tình trạng áp dụng hình phạt không đúng quy định của pháp luật như hình phạt nhẹ, phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, cho hưởng án treo hoặc phạt cải tạo không giam giữ.

Thậm chí số bị cáo cho hưởng án treo và phạt cải tạo không giam giữ chiếm 31,2% tổng số bị cáo phạm các tội về tham nhũng đã xét xử. Một số bị cáo phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng vẫn được hưởng án treo.

Một hạn chế nữa trong hoạt động chống tham nhũng của Chính phủ được QH nhấn mạnh đó là năng lực của các đoàn thanh tra, các đơn vị kiểm toán. Tại các địa phương, cơ quan thanh tra tiến hành rất nhiều cuộc thanh tra nhưng lại phát hiện được rất ít tham nhũng; có địa phương trong hơn 2 năm thực hiện 804 cuộc thanh tra nhưng chỉ phát hiện được 1 đến 2 vụ tham nhũng nhỏ và kiến nghị xử lý kỷ luật, hành chính.

Việc xử lý sai phạm, thực hiện kiến nghị sau kết luận của thanh tra, kiểm toán hạn chế. Số tiền, tài sản sai phạm có liên quan đến tham nhũng phát hiện được qua công tác thanh tra, kiểm toán thường được kiến nghị thu hồi khoảng trên 40% nhưng số thu hồi được còn thấp hơn nữa, chỉ đạt dưới 50% số tiền, tài sản kiến nghị thu hồi.

Thực trạng xử lý không đúng pháp luật một số vụ tham nhũng và tình hình tham nhũng ngay trong chính các cơ quan tư pháp đã làm giảm lòng tin của nhân dân vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Qua công tác giám sát UB Tư pháp QH nhận thấy, từ tháng 10/2010 đến hết tháng 4/2013, Thanh tra các tỉnh như Hải Dương, Ninh Bình, Quảng Bình… chỉ nhận được một vài đơn tố cáo liên quan đến tham nhũng.

Trong nhận thức và tư tưởng nhiều người dân cho rằng phát hiện tham nhũng là việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người dân tố cáo tham nhũng lo ngại có thể bị trả thù, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản. Đòi hỏi phải có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ người tố cáo tham nhũng.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.