| Hotline: 0983.970.780

Chồng xì-tin

Thứ Năm 09/11/2017 , 14:04 (GMT+7)

Chồng sắp bước sang tuổi tứ tuần rồi mà cứ xì-tin như những chàng trai ở tuổi choai choai vậy. Sáng đi làm, lúc nào chồng cũng đứng soi gương gần 15 phút để chỉnh tề quần áo, cà vạt… cho gọn gàng. 

Đặc biệt là tóc tai, chồng không chải theo kiểu những người trung niên mà dùng gel phụ trợ cho tóc dựng đứng lên như những tài tử trẻ Hàn Quốc. Nếu vô tình chiếc áo, chiếc quần đang mặc nhăn nhúm, chồng quở trách em ngay vì cái tội ủi không kĩ lưỡng. Mặt chồng nhăn nhó khó coi, vứt cái áo đó lên ghế salon, vội đi thay ngay chiếc áo khác. Rồi chồng nhanh chân dắt xe ra phố, đầu nghênh nghênh, miệng huýt sáo véo von, chân thì nhịp bước trông rất teen và sành điệu. Đâu đó mùi nước hoa vẫn còn vương lại khắp nhà.

Những lúc ở nhà, chồng giải trí bằng việc xem phim tuổi teen, nghe nhạc hip-hop, remix… kèm theo những động tác nhún nhảy như phong cách của các ca sĩ teen. Chồng có thói quen đọc các tạp chí dành cho teen mỗi tuần để xem những kiểu trang phục mới lạ, đẹp mắt mà tìm mua.

Mỗi khi dạo phố hay đi chơi cùng em, chẳng khi nào chồng ăn mặc lịch lãm như những quí ông tuổi trung niên, mà cứ “luộm thuộm” như những cậu trai tơ trong trang phục thùng thình kiểu hip-hop.

Chồng biện luận cho việc ăn mặc xì-tin của mình là: “Thường ngày anh mặc đồng phục đi làm đến chán ngấy rồi, giờ em phải cho anh thoải mái chút chứ". Chồng nói cũng đúng, nhưng chồng đã đi hơi quá đà. Nhớ có lần đi họp lớp thời đại học, trong khi các ông chồng của bạn em mặc áo sơ mi, áo thun, quần tây, quần jeans đơn giản thì chồng lại “chơi” nguyên bộ đồ “tắc kè”. Chồng mặc chiếc áo thun đỏ vẽ rồng vẽ cọp rằn rện, còn cái quần jeans xanh đọt chuối thùng thình thì rách nhiều nơi (không phải quần tự rách mà chồng lấy dao lam rạch). Đây là bộ đồ chồng đi tìm mua trong một cửa hàng dành cho tuổi teen mà không dẫn em theo cùng. Trước khi ra khỏi nhà, em ngăn không cho chồng mặc nhưng chồng vẫn cố diện, còn bảo em không tôn trọng ý thích của chồng. Hôm đó bạn bè em bàn tán quá trời, chúng còn góp ý khéo với em là: “Chồng trông “trẻ trung” quá!”.

Trong cơ quan, chồng chỉ chơi thân với những đồng nghiệp dưới 30 tuổi, vì chồng cho rằng những người trên 30 tuổi đều có tâm hồn già cóc đế (trừ chồng ra). Chính vì vậy mà những bữa cơm trưa ở cơ quan hay những bữa nhậu nhẹt sau giờ tan ca, chồng thường đi với nhóm trẻ và khước từ lời mời của những người cùng trang lứa với mình ra mặt. Thậm chí ngay cả những bữa tiệc trang trọng của đồng nghiệp lớn tuổi trong cơ quan, chồng ít khi nào đi mà toàn gửi thiệp. Cho nên sinh nhật chồng, em thấy toàn là các cô, các cậu trẻ tuổi đến dự, còn ở tuổi trung niên chỉ lèo tèo dăm người.

Chồng ơi, em nói chồng nghe, trên đời này chẳng ai muốn mình già nua cả. Nhưng không vì vậy mà người ta quên đi cái tuổi tác thật của mình. Chồng trẻ trung và muốn làm mới ngoại hình của mình, em đồng ý quá đi chứ. Nhưng em muốn chồng chững chạc, lịch lãm và nhận ra rằng mình đã có tuổi. Như thế mới chính là con người thật của chồng. Cần phải dẹp bỏ những phong cách “cưa sừng làm nghé” để đẹp trong mắt em và mọi người, chồng nhé!

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm