| Hotline: 0983.970.780

Chủ động để giảm thiệt hại do thiên tai gây ra

Thứ Sáu 13/10/2017 , 07:20 (GMT+7)

Thiệt hại do thiên tai gây ra không thể định lượng hết bằng những con số khô cứng mà nó còn để lại biết bao gánh nặng đau thương không thể nguôi ngoai cho người ở lại, cho cuộc sống hiện tại và mai sau của chúng ta.

Bão, lũ đi qua, tang thương để lại

Trong 2 năm gần đây diễn biến của thiên tai, hạn hán, bão lũ, sạt lở đất xảy ra với tần suất nhiều hơn, mạnh hơn gây thiệt hại nặng nề cho người dân Việt Nam.

15-52-37_ttg_nguyen_xun_phuc_v_bo_truong_nguyen_xun_cuong_thi_st_vung_lu_ninh_binh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ NN – PTNT Nguyễn Xuân Cường thị sát vùng lũ Gia Viễn, Ninh Bình

Đầu năm ngoái, cả vùng ĐBSCL bị hạn hán, xâm nhập mặn làm thay đổi các kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu thì những tháng qua chúng ta chứng kiến liên tục các trận cuồng phong của bão lũ, nhấn chìm biết bao làng mạc, nhà cửa của đồng bào các tỉnh Tây Bắc, Bắc Trung bộ; cuốn trôi nhiều người dân, bao phủ tang thương ở nhiều làng quê.

Những ngày này, chúng ta chứng kiến cảnh màn trời chiếu đất của hàng vạn hộ dân ở các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình đến các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Những trận mưa lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới đã khiến 37 người chết, 40 người mất tích và 21 người bị thương. Ngoài ra có hàng ngàn ngôi nhà bị sập, hư hỏng và hàng vạn con gia súc, gia cầm bị nước lũ cuốn trôi; hàng ngàn ha lúa, hoa màu bị nhấn chìm trong lũ dữ.

Ngay trong ngày hôm qua (12/10), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hủy nhiều cuộc họp quan trọng để trực tiếp vào thị sát đập tràn Lạc Khoái, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn, Ninh Bình chỉ đạo ứng phó với ngập lụt, bảo vệ an toàn đê điều. Tại đập tràn Lạc Khoái, Thủ tướng đã nghe lãnh đạo tỉnh Ninh Bình báo cáo về công tác chống lũ, phương án ứng phó với tình huống có thể xảy ra. Đánh giá cao việc tỉnh khẩn trương tiến hành di dân, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần bảo đảm an toàn tối đa cho người dân.

 Thủ tướng đã đi ca nô trên sông Hoàng Long để thị sát tinh hình lũ và sau đó đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh tại nhà vận hành đập tràn Lạc Khoái. Thủ tướng đánh giá cao tinh thần chủ động của tỉnh trong việc hạn chế thiệt hại, chỉ đạo di dân, chủ động phương án phân lũ, theo dõi sát tình hình, có căn cứ khoa học chưa phá đê xả lũ khi mực nước đã dâng trên 5,50 m. Đến nay, phương án này được xem là sáng suốt, giảm thiểu thiệt hại cho người dân.

Cho rằng nguy cơ mưa lớn vẫn còn khi áp thấp nhiệt đới có khả năng thành bão, cùng với gió mùa Đông Bắc tràn về, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục theo dõi sát tình hình thời tiết, trực ban 24/24, thành lập ban chỉ huy ngay tại đập tràn, tổng kiểm tra, gia cố hệ thống đê điều - hiện đã no nước, có nguy cơ thẩm thấu", Thủ tướng nói và nhấn mạnh tinh thần cương quyết di dân khỏi vùng nguy hiểm, tiến hành cưỡng chế di dời khi cần thiết. 
 

Mỗi năm thiên tai ngốn 1,5% GDP

Để chủ động phòng, chống thiên tai, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương, đã từng bước xây dựng hoàn thiện bộ máy quản lý, chỉ đạo điều hành công tác phòng, chống thiên tai trên phạm vi toàn quốc, bước đầu lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, phát triển KT - XH của các địa phương; từng bước ứng dụng KHKT tiên tiến trong phòng chống thiên tai, ứng dụng công nghệ tin học, thông tin, viễn thám, vệ tinh trong giám sát, thu thập, tổng hợp, phân tích diễn biến thiên tai...

15-52-37_ong_trn_qung_hoi
Ông Trần Quang Hoài phát biểu chỉ đạo công tác khắc phục sạt lở tại Đông Tháp hôm 11/5

Bởi Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động nhất do thiên tai và biến đổi khí hậu gây ra. Trong khoảng 20 năm gần đây, thiên tai làm chết, mất tích khoảng 10.800 người, thiệt hại về GDP bình quân hàng năm: 20.000 tỉ đồng (1-1,5%GDP).

Để đáp ứng yêu cầu cho việc ứng phó hiệu quả với thiên tai, Chính phủ ta đã có sự đầu tư kỹ lưỡng từ bước chuẩn bị cho việc ứng phó. Trước hết, đối với công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, luôn được quan tâm hàng đầu, được chú trọng đầu tư để có chất lượng đảm bảo, giúp người dân chủ động phòng, tránh và các cơ quan chức năng có thông tin chất lượng để ra các quyết định chỉ đạo ứng phó thiên tai hiệu quả, kịp thời.

Trang bị thiết bị vật tư cần thiết, xây dựng cơ sở dữ liệu thiên tai quốc gia trên bản đồ trực tuyến, các công cụ hỗ trợ ra quyết định như: vận hành hồ chứa theo thời gian thực hiện; theo dõi, giám sát thiên tai bằng hình ảnh; giám sát tàu thuyền hoạt động trên biển qua vệ tinh; quản lý lũ tổng hợp,… Trong đó đã sử dụng công nghệ bay chụp thu thập thông tin về thiên tai để thực hiện trong các trận lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập lụt…

Theo ông Nguyễn Đức Quang, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai (Bộ NN- PTNT) cho hay, hàng năm, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai/ Tổng cục Phòng, chống thiên tai tổ chức các hội nghị Quản lý đê, phòng chống, thiên tai, để nâng cao kiến thức, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, các biện pháp phòng, tránh, giám nhẹ thiên tai, lập kế hoạch ứng phó,…cho cán bộ các cấp và nhân dân…

Bên cạnh sự quan tâm và cố gắng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp chính quyền trong công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với thiên tai nói riêng hay sự nghiệp phòng, chống thiên tai nói chung, thì sự góp sức và ý thức quan tâm, phòng chống của toàn thể nhân dân mang ý nghĩa hết sức to lớn trong việc giảm thiểu đến mức thấp nhất trước những tác hại do thiên tai gây ra đối với cuộc sống của nhân dân ta và sự phát triển kinh tế của nước nhà.

Nhân ngày quốc tế phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai 13/10 năm nay, ông Trần Quang Hoài, Ủy viên thường trực BCĐ Trung ương về PCTT, Tổng Cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai xin được chia sẻ với những tổn thất, mất mát mà đồng bào các vùng bị bão lũ, thiên tai gánh chịu; gửi đến các gia đình có người thân bị nạn lời chia buồn, động viên và thăm hỏi.

Ông Hoài cũng bày tỏ cảm ơn đến Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là toàn thể nhân dân đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác ứng phó, phòng, chống thiên tai trong những năm qua, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do thiên tai gây ra.

Xem thêm
Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.