| Hotline: 0983.970.780

Chủ động đối phó siêu bão Haiyan

Thứ Sáu 08/11/2013 , 14:54 (GMT+7)

Để chủ động đối phó, sáng 8/11, UBND tỉnh Bình Định đã khẩn cấp tổ chức họp trực tuyến để triển khai các giải pháp phòng chống siêu bão Haiyan.

Hồi 4 giờ ngày 8/11, vị trí tâm bão Haiyan ở 10,8 độ Vĩ Bắc; 125,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông miền Trung Philippin. Sức gió mạnh nhất ở gần tâm bão mạnh cấp 17, giật trên cấp 17.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30-35km. Đến 4 giờ ngày 10/11, bão cách bờ biển các tỉnh Thừa Thiên Huế-Bình Định khoảng 180 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15, giật trên 17.

Theo dự báo, siêu bão Haiyan sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Bình Định. Để chủ động đối phó, sáng 8/11, UBND tỉnh Bình Định đã khẩn cấp tổ chức họp trực tuyến để triển khai các giải pháp phòng chống siêu bão Haiyan.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Bình Định, trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh này có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to kèm dông. Lượng mưa từ 1 giờ ngày 6.11 đến 19 giờ ngày 7/11 tại An Hòa 143mm, Bồng Sơn 64mm, Vĩnh Sơn 238mm, Bình Nghi 123mm, Thạnh Hòa 86mm, Vân Canh 136mm, Quy Nhơn 83mm, Phù Mỹ 67mm, Phù Cát 132mm, Hoài Ân 147mm. Các sông đã xuất hiện lũ, mực nước lũ thượng nguồn các sông đã đạt đỉnh mức báo động cấp 1, cấp 2.

Trên sông An Lão tại An Hòa lúc 22 giờ ngày 6/11 đạt đỉnh 22,72; dưới báo động 2 là 0,28m; trên sông Kôn tại Vĩnh Sơn lúc 20 giờ ngày 6.11 đạt đỉnh 72,15, dưới báo động 2 là 0,35m; tại Thạnh Hòa lúc 1 giờ ngày 8/11 đạt đỉnh 7,43m, trên báo động 2 là 0,43m. Lũ trên sông Kôn đã gây ngập, chia cắt đường ĐT 640 và nhiều địa phương thuộc khu Đông huyện Tuy Phước.

Tổng số tàu thuyền của ngư dân Bình Định đang di chuyển, đánh bắt trên các ngư trường là 7.345 tàu/42.268 lao động. Trong đó neo đậu, hoạt động ven bờ trong tỉnh là 4.679 tàu/21.107 lao động; khu vực phía Bắc từ Quảng Ngãi đến Quảng Ninh 183 tàu/1.273 lao động; khu vực phía Nam từ Phú Yên đến Kiên Giang 1.986 tàu/14.376 lao động; khu vực quần đảo Hoàng Sa 35 tàu/262 lao động; khu vực giữa Hoàng Sa và Trường Sa 60 tàu/450 lao động; khu vực quần đảo Trường Sa 129 tàu/903 lao động; vùng biển phía Nam quần Trường Sa 273 tàu/3.897 lao động.

Đặc biệt, hiện đang có 224 tàu/1.615 lao động nằm trong khu vực nguy hiểm của siêu bão Haiyan. Trong đó, khu vực quần đảo Hoàng Sa có 35 tàu/262 lao động, hiện các tàu này vừa đánh bắt vừa di chuyển về bờ để tránh bão; khu vực quần đảo Trường Sa 129 tàu/903 lao động hiện đã neo đậu tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa; khu vực giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa 60 tàu/450 lao động đang di chuyển về bờ, chủ tàu đã nhận được thông tin về bão Haiyan, Bộ đội Biên Phòng và Chi cục KT-BVNLTS Bình Định đang tiếp tục theo dõi và giữ liên lạc với các tàu nói trên.

Nhóm 273 tàu/3.879 lao động đang ở phía Nam quần đảo Trường Sa đang ở khu vực an toàn; trong đó có 189 tàu/2.029 lao động đã có đơn của gia đình chủ tàu xin vào trú tại vùng biển Malaysia. Khu vực phía Nam từ Phú Yên đến Kiên Giang có 1.986 tàu/14.376 lao động làm nghề câu mực đã neo đậu tại khu vực an toàn. Khai thác ven bờ có 4.679/tàu 21.107 lao động đã về nơi neo đậu an toàn.

Đến thời điểm này, tại Bình Định còn 4.843 ha lúa chưa thu hoạch, trong đó Phù Mỹ 2.595 ha, Hoài Nhơn 1.257 ha, Phù Cát 596 ha, Vĩnh Thạnh 120 ha, Vân Canh 275 ha. Về nuôi trồng thủy sản hiện có 81 ha nuôi tôm chưa thu hoạch; 700 lồng nuôi cá biển, 701 lồng nuôi tôm hùm cần có biện pháp bảo vệ an toàn trong siêu bão Haiyan. Bình Định đang khẩn cấp kêu gọi 83 hộ nuôi hải sản lồng bè ở TP Quy Nhơn và 34 hộ nuôi cá lồng nước ngọt ở Vĩnh Thạnh rời lồng bè để bảo đảm an toàn trong bão.

Ông Phạm Trương, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết: Với đặc thù là huyện có nhiều địa phương ven biển, do đó, để đối phó với siêu bão Haiyan, huyện này sẽ thành lập Trung tâm chỉ huy phòng chống bão tại thị trấn Tam Quan để trực tiếp theo dõi 6 xã ven biển, nhằm kịp thời di dời người dân trong vùng nguy hiểm khi có bão xảy ra.

Huyện này đề nghị tỉnh có giải pháp tiếp ứng lực lượng nếu công tác di dời được thực hiện, vì với số dân cần di dời là có đến 8.900 người; ngoài ra tỉnh cần hỗ trợ ngay 50.000 bao cát để chằn chống tránh sạt lở đê sông và đê biển. Đặc biệt, Hoài Nhơn đang bố trí lực lượng trực 24/24 tại 5 hồ chứa đã xuống cấp nặng có khả năng mất an toàn.

Huyện Phù Cát cũng đang đặt nặng công tác di dời dân vì huyện này cũng có rất nhiều xã ven biển như: Cát Chánh, Cát Tiến, Cát Hải, Cát Minh…Từ chiều ngày 8/11, UBND huyện này sẽ phân công cán bộ xuống từng xã để bám sát tình hình để kịp thời chỉ đạo công tác phòng chống siêu bão Haiyan, đến hết bão mới về.

Đồng thời, tổ chức trực 100% tại các xã Cát Hải, Cát Tiến, Cát Chánh để sẵn sàng công tác di dời, cứu hộ trên các sông. Công tác di dời dân khỏi vùng nguy hiểm cũng đang là mối lo lớn của huyện miền núi An Lão với 1.000 hộ dân. Huyện này đang tập trung mọi nguồn lực, chuẩn bị các phương tiện tại chỗ để phục vụ công tác di dời, nhất là tại các xã vùng cao nằm ở đầu nguồn.

Theo bà Trần Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, công tác di dời dân khỏi vùng nguy hiểm phải hoàn thành trước chiều ngày 9.11. Đồng thời, những hộ dân hiện đang ở trong những ngôi nhà lợp tôn cũng phải được sơ tán đến những ngôi nhà an toàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Hồ Quốc Dũng lưu ý, trong khi sơ tán dân,  các địa phương phải đặc biệt lưu ý đến sức khỏe của người dân và các ngành chức năng cùng các địa phương phải sẵn sàng đầy đủ cơ số thuốc men, lương thực, thực phẩm để giúp dân sơ tán vượt qua cơn bão.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Văn Thiện đề nghị các sở, ban, ngành liên quan và chính quyền các địa phương khẩn trương triển khai công tác phòng, tránh siêu bão Haiyan. Trong đó, phải đặc biệt quan tâm đến công tác di dời, tuyệt đối không để người dân nào thiệt mạng do siêu bão Haiyan gây ra.

Tất cả các cơ quan phải làm việc cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật để cùng các địa phương bám sát diễn biến bão, từng cơ quan phải phân công công tác cụ thể ho từng cán bộ trực bão. Các lực lượng quân đội, công an phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng để kịp thời ứng phó khi có yêu cầu. Ngoài ra, công tác khắc phục thiệt hại do bão gây ra cũng phải được chuẩn bị ngay từ bây giờ.

“Trong những ngày qua, ngư dân Bình Định đã gặp nhiều tai nạn trên biển. Tàu cá BĐ 95566 TS do ông Nguyễn Bình ở xã Hoài Hương (Hoài Nhơn) làm thuyền trưởng bị hỏng máy, thả trôi vào ngày 5/11, trên tàu có 3 lao động.

Đến 1 giờ ngày 7/11, tàu bị nạn đã được tàu BĐ 96231 TS của ông Huỳnh Chánh Mỹ tiếp cận và đưa 3 lao động sang tàu của mình. Sáng ngày 8.11, tàu cứu nạn BĐ 96231 TS sẽ lai dắt tàu bị nạn vào đảo Trường Sa để tránh bão.

Tàu BĐ 91377 TS của chủ tàu Trương Hoài Khánh ở phường Đống Đa (TP Quy Nhơn) làm nghề vây rút chì, trên đường từ Cam Ranh (Khánh Hòa) về Quy Nhơn bị mắc san hô vào ngày 5/11 đã được 1 tàu ở Phú Yên lai dắt.

Trong lúc lai dắt, thuyền viên Trương Văn Tài bị dây thừng quấn vào cổ chết. Vào ngày 6/11, tàu của ông Võ Thạch ở xã Hoài Hương (Hoài Nhơn) trên tàu có 1 lao động làm nghề lưới ghẹ bị sóng đánh chìm được tàu BĐ 05153 TS (trên tàu có 2 thuyền viên) của ông Võ Thạnh ở cùng địa phương ứng cứu. Trong quá trình kéo cứu tàu, do sóng to nên bị chìm, 3 thuyền viên được cứu thoát”.

 

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.