| Hotline: 0983.970.780

Chủ động trồng mới rừng phòng hộ

Thứ Sáu 21/12/2012 , 10:34 (GMT+7)

Tỉnh Cà Mau đã tận dụng mọi nguồn lực để khôi phục, trồng mới lại từng ha rừng phòng hộ ven biển.

Xác định lâm nghiệp có vị trí quan trong trong việc phát triển kinh tế và chống lại biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra mạnh mẽ, tỉnh Cà Mau đã tận dụng mọi nguồn lực để khôi phục, trồng mới lại từng ha rừng phòng hộ ven biển.

Cà Mau là tỉnh duy nhất có 3 mặt giáp biển, với chiều dài bờ biển 254 km. Do đó, địa phương này ít nhiều phải chịu sự tác động của BĐKH. Theo tính toán của các chuyên gia, do tác động của BĐKH nếu mực nước dâng cao thêm 1 m thì hơn 1/3 dân số và khoảng 16% diện tích đất sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.

Dựa vào các hệ sinh thái ven biển

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Cà Mau, rừng ở Cà Mau có hai hệ sinh thái là rừng ngập mặn và rừng nước lợ. Tổng diện tích ổn định khoảng 105.000 ha, bao gồm 3 loại rừng gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng SX.

Ngành nông nghiệp địa phương này cũng nhìn nhận, muốn chống lại tình trạng nước biển dâng và sự xâm lấn của nước mặn ngày càng tăng và muốn cải tạo lại đất đai để SX thì nhất thiết phải dựa vào các hệ sinh thái ven biển.

Trong đó, việc sử dụng chính những loài cây đủ sức chịu đựng, đủ sức chống chọi lại với những điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên là quan trọng nhất. Do đó việc khôi phục và phát triển lại những cánh rừng phòng hộ ven biển chính là giải pháp cụ thể và hữu hiệu nhất nhằm ngăn chặn và từng bước chống lại BĐKH.


Khẩn trương khôi phục lại rừng phòng hộ là việc làm cấp bách

Thực tế cho thấy, cây rừng mang lại hiệu quả rất lớn trong việc đối phó với sự BĐKH. Bên cạnh việc tạo ra các giá trị đa dạng về mặt sinh học, rừng còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, hạn chế tối đa bão lũ, triều cường. Rừng phòng hộ ven biển Cà Mau thuộc loại rừng chắn sóng, lấn biển.

Đây là loại rừng có chức năng hết sức quan trọng như ngăn ngừa, làm giảm xói lở và bảo vệ đất; giảm tác động của BĐKH, góp phần làm giảm ô nhiễm nguồn nước. Bên cạnh đó, rừng còn cung cấp rất nhiều lợi ích cho con người, động vật và những hệ sinh thái xung quanh.

Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, đai rừng phòng hộ với các loài cây rừng ngập mặn như đước, sú, vẹt, mắm, bần… có hệ thống rễ chằng chịt là những yếu tố cần và đủ làm chậm tốc độ dòng chảy, tăng nhanh sự bồi lắng của phù sa, nâng dần mặt đất ven biển và làm giảm áp lực của sóng biển khi tiến vào bờ.

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của thiên tai, nhiệt độ trái đất đang dần ấm lên, mực nước biển dâng ngày càng cao. Do đó, vấn đề được đặt ra hiện nay là làm sao để bảo vệ được rừng ngập mặn, rừng phòng hộ, khôi phục và trồng lại những khu vực rừng đã bị tàn phá do thiên nhiên hay bàn tay con người.

Tận dụng mọi giải pháp

Trước đây rừng phòng hộ ven biển ở địa phương này có nhiều khu vực bồi lắng phù sa tự nhiên như khu vực bãi bồi mũi Cà Mau (Ngọc Hiển), Mỹ Bình (Phú Tân), Khánh Hội (U Minh)… Nhưng do ảnh hưởng của BĐKH nên nhiều dải rừng phòng hộ ven biển đã không còn. Theo kết quả theo dõi diễn biến tài nguyên rừng đến ngày 31/12/2011, diện tích rừng phòng hộ trong tỉnh Cà Mau là 27.205 ha, trong đó diện tích có rừng là 27.005 ha và chưa có rừng là 200 ha.

Thời gian qua, Cà Mau đã thực hiện nhiều giải pháp khôi phục và phát triển lại rừng phòng hộ nhằm ứng phó với BĐKH. Ông Nguyễn Như Độ, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Cà Mau cho biết, để trồng lại rừng, ngành chức năng đã đánh giá một cách hết sức chi tiết về mức độ thiệt hại ở những nơi không có rừng do gió, sóng biển gây ra.

Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết, trong năm 2012, Cà Mau tiến hành trồng mới 700 ha rừng phòng hộ ven biển. Hiện tại địa phương đã quy hoạch phát triển 26.133 ha rừng phòng hộ ven biển, chiếm 24,2% diện tích đất lâm nghiệp, trong đó cấp phòng hộ rất xung yếu là 10.475 ha, chiếm 40% diện tích rừng phòng hộ của tỉnh.

Từ đó đề ra kế hoạch trồng, quản lý và bảo vệ rừng phòng hộ. Đồng thời, tập chung nghiên cứu sâu các yếu tố về môi trường, đất đai, thủy triều, hướng gió, hiện tượng bồi lở bờ biển, tốc độ bồi lắng để đề ra chính sách phù hợp và những giải pháp cụ thể có hiệu quả nhất trong việc phát triển lại rừng phòng hộ.

Tập trung đầu tư và kêu gọi đầu tư từ các tổ chức quốc tế quan tâm đến rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển và BĐKH toàn cầu. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã xây dựng các chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người dân sống dưới tán rừng nhằm tiến tới xóa bỏ triệt đệ nạn chặt phá rừng, đánh bắt thủy sản ven bờ làm ảnh hưởng bất lợi đến việc phát triển rừng, tác động xấu đến đai rừng phòng hộ ven biển.

Theo tìm hiểu của NNVN, hiện tượng sạt lở ở Cà Mau đang diễn ra rất mạnh và có khuynh hướng tăng dân theo từng năm. Có những khu vực hàng năm sạt lở sâu vào đất liền từ 30 - 40 m. Đặc biệt là khu vực biển Tây. Diện tích rừng phòng hộ ven biển bị mất do sạt lở từ năm 2006 - 2011 khoảng 1.848 ha.

Để khôi phục lại rừng phòng hộ, tỉnh Cà Mau đã chủ động vận dụng mọi nguồn kinh phí để trồng mới hàng trăm ha rừng phòng hộ ven biển. Chỉ tính trong vòng 3 năm từ năm 2009 - 2011 có gần 1.500 ha rừng phòng hộ ven biển được phục hồi.

Xem thêm
Ngành ong mật chuyển dịch từ 'sổ hóa' sang 'số hóa'

Việc áp dụng các công nghệ IoT, AI, Blockchain trong đảm bảo chất lượng sản phẩm, minh bạch quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm là giải pháp bền vững ngành ong.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.