| Hotline: 0983.970.780

Chủ động ứng phó thời tiết bất thường

Thứ Sáu 17/02/2017 , 09:21 (GMT+7)

Từ đầu năm đến nay, thời tiết ở các tỉnh phía Nam đã có những diễn biến rất bất thường như mưa nhiều, có nhiều cơn mưa lớn, trời âm u, nền nhiệt độ thấp…

Những điều bất thường đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng trọt.

Báo NNVN đã trao đổi với thạc sỹ Lê Thanh Tùng (ảnh), Phó trưởng phòng Cây Lương thực và Cây thực phẩm (Cục Trồng trọt) quanh vấn đề này.

17-04-35_phong-vn-cuoi-tun-ong-le-thnh-tung
 

Thưa ông, những diễn biến rất bất thường của thời tiết trong những tháng đầu năm nay ở các tỉnh, TP phía Nam đang và sẽ gây ảnh hưởng gì tới các loại cây trồng?

Năm nay, thời tiết có những diễn biến bất thường hơn những năm trước đây, mà rõ nhất là xuất hiện rất nhiều cơn mưa trái mùa, nền nhiệt độ thấp hơn…

Mưa nhiều trong mùa khô đã ảnh hưởng tới nhiều loại cây trồng chủ lực ở Nam Bộ. Các loại cây công nghiệp như điều, cà phê đang trong thời kỳ ra hoa, gặp mưa sẽ ảnh hưởng tới khả năng thụ phấn. Nhiều loại cây ăn trái bị mưa làm ảnh hưởng tới khả năng điều khiển ra hoa trái vụ.

Ngoài ra, những yếu tố thời tiết bất thường khác cũng ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình sinh trưởng của nhiều loại cây trồng. Chẳng hạn, biên độ nhiệt độ giữa ngày và đêm có sự chênh lệch lớn (ngày nóng, đêm lạnh) dễ làm phát sinh bệnh cháy lá trên lúa. Hay khí hậu ấm nóng, ẩm độ cao dễ phát sinh rầy nâu.

Với cây lúa vụ đông xuân, đang chuẩn bị vào thời điểm thu hoạch rộ. Nếu trời tiếp tục mưa nhiều như trong thời gian qua, thì khi thu hoạch lúa đông xuân sẽ giống như thu hoạch lúa hè thu. Tức là lúa khi thu hoạch sẽ bị mưa nên ảnh hưởng tới việc phơi khô, qua đó, có thể giảm về chất lượng. Còn nếu trời không mưa nhưng thường xuyên âm u thì ảnh hưởng tới khả năng quang hợp và tích lũy chất khô, khiến cho cây lúa bị giảm năng suất.

Vừa qua, chúng tôi đã đi kiểm tra tình hình sản xuất lúa ở những tỉnh có diện tích lúa đông xuân lớn tại ĐBSCL. Kết quả kiểm tra cho thấy trà lúa đang trổ chín có triển vọng tốt, nhưng vẫn phải chờ xem khi thu hoạch có gặp mưa hay không. Còn trà lúa đang làm đòng tương đối tốt. Nếu như trong thời gian còn lại của vụ đông xuân, thời tiết không còn những diến biến bất thường nữa thì năng suất lúa vụ đông Xxân 2016/2017 sẽ cao hơn vụ 2015/2016 và xấp xỉ vụ 2014/2015.

Hạn, mặn lịch sử trong năm 2016, mưa nhiều một cách bất thường trong mùa khô 2017. Có thể thấy BĐKH đã và đang diễn ra rất rõ rệt ở các tỉnh, TP phía Nam. Chúng ta cần làm gì để sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng trọt, giảm thiểu được thiệt hại, thích ứng với những thay đổi về thời tiết, khí hậu như trên?

Không phải đợi đến bây giờ mà trong những năm qua, Bộ NN-PTNT đã có nhiều hành động để thích ứng với BĐKH trong sản xuất nông nghiệp ở Nam Bộ. Như trong sản xuất lúa, đã bố trí lại mùa vụ, thời vụ. Ở vùng ven biển của các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh…, đã cắt bớt một vụ lúa, đồng thời sắp xếp lại thời vụ xuống giống ở từng tỉnh để phù hợp với khả năng cung ứng nước ngọt. Bên cạnh đó là những công việc khác như nghiên cứu, chọn tạo bố trí giống cây trồng thích hợp với từng vùng sinh thái…

Tuy nhiên, những công việc như trên, mới chủ yếu để ứng phó với biến động lớn về nguồn nước. Còn những diễn biến rất bất thường khác của thời tiết như mưa nhiều trong mùa khô, thay đổi nền nhiệt độ, giảm mạnh giờ chiếu sáng, ẩm độ không khí… thì chúng ta vẫn còn bị động. Điều này liên quan không nhỏ tới công tác dự báo khí tượng thủy văn.

Về khâu thủy văn, ngành khí tượng thủy văn và ngành thủy lợi đã làm khá tốt công tác dự báo. Chẳng hạn, ngành thủy lợi đã thường xuyên đo và thông tin về chất lượng nước ở các cửa sông chính, đưa ra dự báo về nước lũ, các nguồn xả lũ, tính toán lượng nước từ các hồ chứa có thể cung cấp cho sản xuất nông nghiệp…

Còn dự báo thời tiết của ngành khí tượng thủy văn vẫn chưa đáp ứng được cho sản xuất nông nghiệp ở Nam Bộ, nhất là với những hiện tượng thời tiết bất thường. Những dự báo thời tiết dài ngày (10 hay 15 ngày) chưa cụ thể, chi tiết được về từng hiện tượng thời tiết như thời điểm mưa, lượng mưa .. Những dự báo thời tiết từng mùa mới chỉ mang tính chất khái quát, chung chung.

Chính vì vậy, để giảm thiểu thiệt hại trong trồng trọt do thời tiết bất thường, cần phải luôn sẵn sàng ứng phó như mua sắm sẵn máy bơm để chống úng khi có mưa lớn trái mùa… Một điều rất quan trọng là nông dân cần chủ động hơn trong việc phòng chống dịch bệnh khi xảy ra những hiện tượng thời tiết bất thường.

Trong nhiều năm qua, hàng loạt khóa, lớp tập huấn mà ngành nông nghiệp tổ chức cho nông dân ở các địa phương, qua đó đã trang bị cho đa số nông dân có những kiến thức cơ bản về phòng chống dịch bệnh trên các loại cây trồng chủ lực. Nếu nông dân luôn chủ động trong việc phòng chống dịch bệnh, thì sẽ giảm thiểu được những ảnh hưởng xấu do thời tiết bất thường gây ra.

Xin cám ơn ông!

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.