| Hotline: 0983.970.780

Chủ quyền biển đảo tiếp tục "nóng" trong ngày thi thứ 2

Thứ Tư 04/06/2014 , 08:54 (GMT+7)

Ngày thi thứ hai của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2013 – 2014, các thí sinh dự thi môn bắt buộc là Toán và các môn tự chọn, bao gồm Hóa học, Địa lý.

Với môn Toán, nhiều thí sinh tự tin cho rằng “đây là môn thi gỡ điểm” bởi tương đối vừa sức, có nhiều câu dễ có thể đạt điểm tuyệt đối. Ở môn thi Địa lý vào buổi chiều, chủ đề về chủ quyền biển đảo lại “phủ nóng” các điểm thi, có tới hai câu hỏi về vấn đề biển, đảo, trong đó yêu cầu thí sinh giải thích tại sao phải bảo vệ chủ quyền của một hòn đảo dù rất nhỏ của Tổ quốc.

Riêng môn thi Hóa học, có nhiều thí sinh làm xong sớm bài thi vì đề thi bao quanh trong sách giáo khoa mà các em đã được ôn kĩ.

Theo khảo sát của phóng viên NNVN tại Hội đồng thi trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội, khi thời gian thi môn toán còn chưa kết thúc đã có nhiều thí sinh hoàn thành bài thi của mình. Các giáo viên coi thi ở điểm thi này chia sẻ rằng: “Đề thi Toán năm nay vẫn là những kiến thức cơ bản nằm trong chương trình lớp 12 với 5 câu hỏi vừa khó vừa dễ. Một nét mới của năm nay là đề toán ngắn hơn. Các học sinh khá giỏi sẽ dễ dàng đạt điểm 9 – 10, học sinh trung bình có thể đạt 6-7 điểm.

Tuy nhiên, một số thí sinh đánh giá, đề toán có nhiều chỗ “đánh đố”, thí sinh dễ bị mắc lừa như câu hỏi về phương trình căn hoặc câu 4, nhưng với những học sinh khá đang ôn thi khối A hay khối B, thì đề thi Toán này tương đối dễ và sẽ dễ dàng đạt từ điểm 8 trở lên”.

Thí sinh Vũ Thu Thủy, dự thi tại trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội cho rằng: “Đề thi môn Toán năm nay khá dễ, tuy nhiên có một số chỗ gây hiểu lầm cho các bạn học sinh”. Thí sinh Tăng Văn Hà tại điểm thi THPT Trần Phú, Hà Nội khoe rằng: “Em làm bài còn chưa hết thời gian, chắc môn Toán sẽ gỡ điểm cho em đôi chút vì hôm qua, em làm bài thi môn Lịch sử chưa thực sự tốt”.

Buổi chiều 3/6, ở các môn thi tự chọn là Hóa học và Địa lý, các thí sinh cũng tỏ ra tự tin sau khi kết thúc giờ làm bài. Giáo viên Lê Văn Mai, dạy Hóa học tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên, quận Đống Đa, Hà Nội cũng nhận định: “Với đề thi Hóa, thì thí sinh chỉ cần làm bài cẩn thận sẽ đạt được điểm khá trở lên. Các thí sinh trung bình cũng dễ dàng đạt được điểm trung bình bởi có nhiều câu hỏi thiên về lý thuyết và khá dễ, phần bài tập cũng không cần phải tính toán nhiều”.

Tại điểm thi trường THPT Đống Đa, Hà Nội, nhiều thí sinh thậm chí còn không cần xem đáp án sau khi hết giờ vì tự tin với bài làm của mình. “Đề môn Hóa học khá dễ, mặc dù nhiều bạn đánh giá đề hơi dài nhưng với 40 câu hỏi trắc nghiệm, đa phần là lý thuyết trong vòng 60 phút chúng em có đủ thời gian để làm hết” – thí sinh Chu Hồng Duy, học sinh Trường THPT Đống Đa, Hà Nội cho biết.

Ngày 4/6 cũng là ngày thi cuối cùng, các thí sinh chỉ dự thi vào buổi sáng với 2 môn tự chọn: từ 08 đến 09h00, thí sinh dự thi môn Ngoại ngữ trong vòng 60 phút, thí sinh có thể thi 1 trong 6 ngoại ngữ theo chương trình dạy học của trường THPT: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức và Nhật.
Vào lúc 10 đến 11h00, thí sinh sẽ dự thi môn Sinh học, thời gian làm bài là 60 phút.

Về đề thi môn Địa lý, nhiều học sinh đăng ký dự thi môn này đều khẳng định chắc chắn với phóng viên trước giờ làm bài rằng: “Bọn em tin rằng, đề thi sẽ có một phần về chủ quyền biển đảo, trong suốt cả tháng qua, bọn em cũng đã ôn rất kĩ phần này”.

Không khác với dự đoán của học sinh, đề thi Địa lý có 2 câu hỏi về chủ quyền biển đảo. Cụ thể, đề thi yêu cầu thí sinh liệt kê vùng biển Việt Nam bao gồm những bộ phận nào; qua đó trình bày tài nguyên khoáng sản và hải sản của nước ta; ở câu tiếp theo – yêu cầu thí sinh nêu quan điểm về việc tại sao cần phải bảo vệ chủ quyền của một hòn đảo dù rất nhỏ của nước ta.

Sau khi kết thúc môn Địa lý, nhiều người đã tỏ ra rất thích thú với đề thi Địa lý và cho rằng: “Bộ Giáo dục - Đào tạo nên phát huy những dạng câu hỏi như vậy ở các kì thi, những đề thi như vậy sẽ tạo điều kiện cho học sinh nói lên tiếng nói của mình về vấn đề chủ quyền của đất nước”.

Giáo viên Nguyễn Thị Thanh Hà, dạy địa lý tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên, Đống Đa, Hà Nội cho rằng: “Đề thi Địa lý khá dễ đoán, bởi lẽ học sinh đã ôn phần biển đảo cả tháng nay, cụ thể nhất là câu hỏi yêu cầu liệt kê vùng biển Việt Nam, câu hỏi này khá dễ. Tuy nhiên, câu hỏi về tại sao phải bảo vệ chủ quyền của một hòn đảo dù là nhỏ thì rất hay, câu hỏi tương đối bất ngờ nhưng không khó với các thí sinh theo học khối C.

Tôi quan sát ở phòng thi, rất nhiều thí sinh say sưa làm câu hỏi này, chứng tỏ các em thực sự hiểu bài và hiểu tình hình thời sự hiện nay. Ngoài ý nghĩa về thi cử, câu hỏi còn chứng tỏ một điều, học sinh bây giờ rất quan tâm tới thời cuộc, thông tin trên báo đài, chứ không chỉ đơn thuần là những thứ trong sách giáo khoa”.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất