| Hotline: 0983.970.780

Chủ tịch huyện, Chủ tịch xã đứng lên thuê đất của dân, chính sách có một không hai

Thứ Ba 11/10/2016 , 14:30 (GMT+7)

Chủ tịch huyện, Chủ tịch xã đứng ra ký hợp đồng thuê đất của dân trong 20 năm, trả tiền một lần rồi cho doanh nghiệp thuê lại để tích tụ là chính sách mạnh bạo nhất của Hà Nam. Hàng ngàn bản hợp đồng như thế đã được ký ở huyện Lý Nhân khi huyện, xã đứng ra tích tụ, thuê lại quyền sử dụng đất của người dân...

Cánh đồng của những người già

Ở đầu này cánh đồng, những chiếc xe ủi, xe múc lùi lũi vào ra san san, gạt gạt, ở đầu kia đã là những khu nhà lưới khổng lồ, trắng muốt, chạy tít tắp tưởng chừng như bất tận.

15-23-54_doi-qun-b-gi-1
Đội quân bà già trên cánh đồng
 

Bà Trương Thị Hoa là một trong khoảng 70 - 80 người thuộc đội quân “bà già” gồm những phụ nữ 45 - 60 tuổi đang làm thuê các công việc vặt như nhổ cỏ, tưới rau, chăm sóc trên cánh đồng của Vineco (xã Xuân Khê, Lý Nhân, Hà Nam). Mỗi ngày bà làm việc 8 tiếng, lĩnh 130.000đ, “tiền tươi thóc thật” nên rất vui trong lòng.

Ngoài đội quân “bà già” đông đảo kia còn có một nhóm nhỏ thuộc đội quân “ông già” đang canh tác trên cánh đồng. Họ được trả lương theo tháng để làm những công việc cố định, có độ chuyên môn hóa cao. Ông Trương Kim Tuyến, 57 tuổi, người xóm 6, là một trường hợp như vậy.

Ông có 4,2 sào đất đã cho thuê hết để giờ đây ngày ngày miệt mài ôm vô lăng chiếc máy cày Kubota đỏ chói của Nhật, mỗi tháng đút túi 6 triệu đồng tiền công: Thu nhập hiện nay của tôi gấp 20 lần so với trước kia. Với 4 sào đó, ngày xưa trồng ngô 4 tháng tôi mới thu được 8 tạ, trừ chi phí phân bón, vật tư chỉ còn lãi 2 tạ. Đó là khi mưa gió thuận hòa, còn không là lỗ. 2 tạ ngô bán đi được 1 triệu đồng, tính ra mỗi tháng chỉ thu nhập khoảng 250.000đ trong khi bây giờ được tới 6 triệu.

Cảnh tươi vui hiện tại khác hẳn cảnh ảm đạm xưa kia khi nông dân thờ ơ, chán đất. Ba bốn năm trước Hà Nam manh nha có hiện tượng bỏ ruộng. Diện tích tuy nhỏ nhưng nó tựa như một đốm lửa báo hiệu trước cho một đám cháy lớn nếu không có những biện pháp chuyển hướng, chữa cháy kịp thời.

Chính vì thế, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ra hẳn một nghị quyết về ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, Ủy ban tỉnh ban hành hẳn một nghị quyết chuyên đề về công nghiệp hóa nông nghiệp cùng chính sách thu hút đầu tư ứng dụng công nghệ cao. Nông nghiệp công nghệ cao không thể thành công nếu thiếu một cơ chế tích tụ.

15-23-54_doi-qun-b-gi-3
Đội quân bà già trên cánh đồng
 

Làm sao để có mặt bằng sạch bàn giao cho doanh nghiệp trong khi quyền sử dụng đất thì nông dân vẫn giữ là một bài toán rất nan giải. Và Hà Nam đã giải bài toán khó ấy với cách thức sáng tạo có một không hai.

 

Chính sách có một không hai

Trong các bản hợp đồng giấy trắng, mực đen cùng soạn theo một thể thức nhất định, bên A tức bên cho thuê đất là người nông dân còn bên B tức bên thuê đất là Chủ tịch huyện và Chủ tịch xã sở tại.

Đây là một điều vô tiền khoáng hậu nhất từ trước đến nay khi nông dân được giao dịch hợp đồng với cả hai ông “quan” ở địa phương mình.

Hàng ngàn bản hợp đồng như thế đã được ký ở huyện Lý Nhân khi huyện, xã đứng ra tích tụ, thuê lại quyền sử dụng đất của người dân trong thời gian 20 năm với mức 150kg ngô/sào/năm theo thời giá rồi cho doanh nghiệp thuê lại.

Tại sao lại quy ra ngô? Bởi xuất phát điểm những chỗ tích tụ là đất bãi chuyên trồng ngô nên quy ra ngô cho tiện tính toán. Tỉnh căn cứ vào ngân sách mà ứng tiền ra trả trước tiền thuê đất cho nông dân theo phương thức trả trọn gói một lần cho 20 năm.

Khi dưới cơ sở tích tụ xong thì Sở Tài nguyên và Môi trường theo sự ủy quyền sẽ ký hợp đồng cho thuê lại quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp, bằng giá thuê của dân. Sau này tùy điều kiện “liệu cơm gắp mắm” mà doanh nghiệp sẽ phải trả tiền cho tỉnh thành một đợt hay hai đợt.

Ngoài ra, Hà Nam còn cam kết sẽ đầu tư hạ tầng gồm đường, điện, thông tin, thủy lợi đến tận chân hàng rào của dự án còn trong nội khu thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp.

15-23-54_lp-thiet-bi-tren-cnh-dong-1
Lắp thiết bị trên cánh đồng
 

Ông Tăng Xuân Hòa - Phó Trưởng ban Quản lý Khu Nông nghiệp Ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hà Nam cho biết đã quy hoạch xong 4 khu nông nghiệp công nghệ cao gồm: Khu Xuân Khê - Nhân Bình với diện tích 240ha, Khu Nhân Khang huyện Lý Nhân với diện tích 118ha, Khu Liêm Tiết TP Phủ Lý 23,7ha (hiện đã có nhà đầu tư là Phúc Thành) và Khu Đồng Du - An Mỹ huyện Bình Lục với diện tích 121ha.

Tất cả đều quy hoạch trên đất màu và đất hai lúa, cơ bản là đang canh tác tốt, với tổng diện tích trên 500ha. Trên tổng diện tích đã tích tụ là 110ha tỉnh đã giao 98,6ha cho 3 nhà đầu tư với điều kiện không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ cây ngắn ngày thành cây dài ngày như ăn quả, cây công nghiệp.

Khu Nhân Khang huyện Lý Nhân, tích tụ được 23,4ha, đã bàn giao cho Cty CP An Phú Hưng 21,6ha để sản xuất rau củ, quả an toàn theo chuỗi phục vụ nội tiêu và xuất khẩu từ đầu năm 2015. Sản lượng tiêu thụ của Cty này mỗi ngày 1 - 1,5 tấn rau, củ quả các loại, chủ yếu cấp cho các cửa hàng rau sạch trong tỉnh và các công ty rau quả, siêu thị ở Hà Nội.

Khu Xuân Khê - Nhân Bình huyện Lý Nhân đến nay đã tích tụ 65,77ha, trong đó xã Xuân Khê 54,47ha, xã Nhân Bình 11,3ha. Đã bàn giao cho Cty Vineco (thuộc tập đoàn Vingroup) 56,9ha. Đến nay đã có 12,8ha triển khai sản xuất rau các loại, sản phẩm đang được bán trong các siêu thị VinMart.

Khu Liêm Tiết tích tụ được 19,97/23,76ha, hiện Cty Phúc Thành đang chuẩn bị các điều kiện tu bổ cơ sở hạ tầng như giao thông thủy lợi nội đồng. Khu Đồng Du - An Mỹ hiện nay đang triển khai công tác tích tụ ruộng đất và kêu gọi đầu tư.

Dự kiến năm 2020 Hà Nam sẽ hoàn thành xong mục tiêu 500ha nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài 4 khu quy hoạch tập trung khi các doanh nghiệp có nhu cầu thuê đất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh sẽ có những hỗ trợ theo một cơ chế rất thông thoáng.

Bài bản, lớp lang. Tỉnh có chủ trương, huyện có nghị quyết chỉ đạo xã đến lượt xã cũng xây dựng nghị quyết chuyên đề, xây dựng kế hoạch thực hiện, tổ chức hội nghị quán triệt đến xóm để triển khai tích tụ. Song song với chính quyền, các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân.

Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh... cũng tổ chức sinh hoạt tuyên truyền, đến từng nhà các hội viên để thuyết phục. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều ý kiến khen ngợi thì cũng có ý kiến cho rằng cơ chế tích tụ đất kiểu huyện, xã đứng ra thuê của dân rồi cho doanh nghiệp thuê lại là trái luật bởi đúng ra doanh nghiệp phải tự đứng ra đàm phán với dân.

15-23-54_ong-tng-xun-ho-nh-cho-box

Sau 20 năm khi doanh nghiệp hoàn trả lại nguyên trạng đất cho dân thì liệu có bị bạc màu? Tôi hỏi. Ông Tăng Xuân Hòa (ảnh) - Phó Trưởng ban Quản lý Khu Nông nghiệp Ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hà Nam trả lời: Chỉ có tốt hơn mà thôi bởi trước đây dân chủ yếu trồng lúa nhưng sau khi cho doanh nghiệp thuê, họ trồng màu nên chăm bón rất nhiều. Lấy gì để đảm bảo cho điều đó? Tôi hỏi. Ông Hòa trả lời: Lấy chính năng suất của cây trồng ra để chứng minh.

4 đề xuất gửi Bộ NN-PTNT và trung ương

Để việc tích tụ được thuận lợi, BQL Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hà Nam đã đề xuất:

1. Đề nghị Bộ NN-PTNT nghiên cứu, xem xét trình Chính phủ phê duyệt bổ sung các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hà Nam vào Danh mục các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy hoạch đến năm 2020, định hướng nghiên cứu đến năm 2030.

2. Đề nghị Bộ NN-PTNT có cơ chế chính sách hỗ trợ tỉnh đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

3. Bộ NN-PTNT hỗ trợ triển khai các mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Đào tạo nhân lực công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; Quảng bá giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại; Thu hút nguồn đầu tư, nhân lực công nghệ cao trong nước và nước ngoài.

4. Đề nghị các bộ ngành Trung ương nghiên cứu, ban hành chủ trương, cơ chế chính sách thực hiện tích tụ ruộng đất.

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Phía sau mặt cỏ xanh của Sân vận động Thiên Trường

Thiên Trường, sân nhà CLB Bóng đá Thép Xanh Nam Định gần đây được đánh giá có chất lượng mặt cỏ top đầu V-League, vậy điều gì đã làm nên màu xanh tươi mới này?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm