| Hotline: 0983.970.780

Chủ tịch huyện “tàng hình” trước báo giới

Thứ Năm 06/11/2014 , 08:15 (GMT+7)

Gõ “Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn” trên công cụ tìm kiếm Google, không một dòng tên, một hình ảnh nào xuất hiện qua báo mạng. Lục tìm trong các tư liệu báo giấy cũng bặt vô âm tín./ Chủ tịch huyện ở “chảo lửa”

Đã từng biết anh khi còn làm Trưởng phòng rồi Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Phú Thọ, bạn bè báo giới đều nhận xét con người ấy nhiệt huyết khi xử lý các vấn đề nhưng đặc biệt ngại lên báo. Thuyết phục “gãy lưỡi” trong hai ngày ở huyện, lấy đủ thứ tình thân, trách nhiệm ra mà “dọa” tôi mới chụp được một bức hình của anh, trông khá là gượng gạo.

Thoát khỏi “cực hình” của việc chụp ảnh, mạch chuyện giữa chúng tôi lại tuôn trào ra như suối. Vậy, chi bằng hãy xem vị chủ tịch huyện biết “tàng hình” trước báo giới này đang ấp ủ những kế hoạch gì cho địa phương mình sau mấy tháng làm lãnh đạo?

Anh say sưa kể về cái thế chân kiềng trong phát triển kinh tế của huyện là phát triển đại gia súc chất lượng cao, là kinh tế đồi rừng và kế hoạch chuối phấn vàng.

Chuyện bò, chuyện trâu

Thanh Sơn có đàn trâu bò đông thuộc vào hàng nhất tỉnh với 27.000 con nhưng bò thì gié, trâu thì còm. Với mục tiêu đến năm 2020 đàn bò trên 16.000 con, đàn trâu trên 16.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng mạnh điều đầu tiên huyện cần phải làm là cải tạo giống.

Bò thì phát triển theo hướng chuyên thịt, trâu tuyển thì chọn đực, cái ưu tú để nhân nuôi. Cải tạo cho bò hiện khá đơn giản vì tỷ lệ thụ tinh nhân tạo đạt cao nhưng trâu khó hơn nhiều nên vẫn phải theo cách truyền thống của muôn đời loài vật là phối trực tiếp.

Trước đây, ở Hà Giang, Tuyên Quang hay chính Phú Thọ từng phổ biến giống “trâu ngố” khổng lồ khi trưởng thành con đực cân nặng đến bảy, tám tạ. Thế rồi, theo thời gian, giống trâu ấy dần biệt tích. Đợt đầu tiên Thanh Sơn cải hóa đàn trâu là chuyến đi của 15 con giống ngược núi, vượt đèo về với hộ nghèo Tân Lập.

Trước đó, nghe tin cán bộ thông báo về dự án, bà con không ai tin đấy là sự thật. Mỗi con trâu trị giá đến 25-30 triệu đồng, có nằm mơ giữa ban ngày họ cũng không bao giờ dám nghĩ đến chuyện sở hữu, dù là phải góp vốn.

14-59-43_dsc_8619
Chăm sóc trâu được hỗ trợ

Bởi thế, cán bộ xã giục làm chuồng nhưng ai cũng lần lữa chưa trông thấy trâu chưa làm chuồng. Cán bộ xuống tận Vĩnh Phúc - nơi xuất trâu để xem khoang xem khoáy, sờ móng, sờ chân, ngày giờ bàn giao cũng đã định đoạt thế mà chuồng vẫn chưa làm được cái nào.

Sốt ruột quá, anh đi xuống từng nhà dân mà vận động. Thấy chủ tịch huyện đến trực tiếp người ta mới chịu tin. Buổi nhận trâu, làng bản vui như một ngày hội. Từng con ngoăn ngoắn đuôi, ngúc ngoắc sừng rồi đi theo chủ mới. Trâu cũng được cúng bái, nhập gia đàng hoàng.

Người ta dắt trâu như đón cô dâu về nhà. Tối đó, nhiều hộ vui không ngủ được.

Lần nào anh gọi điện cho Ngọc Văn Thành, Chủ tịch xã UBND Tân Lập câu đầu tiên không hỏi sức khỏe của người mà là sức khỏe của…trâu. Chúng có quen thổ ngơi hay không, ăn uống thế nào, chăm sóc tốt không... Giờ, sau hơn ba tháng về quê mới, con ít nhất trong đàn cũng tăng trọng thêm 60 cân, con nhiều nặng hơn được tới 80 cân.

Hôm tôi đến thăm, con trâu của gia đình anh Trương Văn Hưng ở xóm Mít 2 đã ra dáng một ả trâu tơ. Lông nó óng mượt như có dầu thoa, mông nở nang như hai cái rổ cỡ đại úp, vòng nào ra vòng đấy. Con vật khiến cho chủ nhân của nó chẳng nói được gì nhiều mà chỉ cười tít mắt. Chỉ tính riêng ba tháng chăm sóc, nó đã đem lại cho gia đình anh 10 triệu đồng.

Những đồi chuối trẻ mãi không già

Thanh Sơn có giống đặc sản tên gọi chuối phấn vàng, vỏ mỏng tang mà thịt quả ngọt lừ, mùi thơm rất đặc trưng.

14-59-43_dsc_8595
Cây chuối phấn vàng

Cái độc đáo của giống chuối này ở chỗ nếu trồng ở đồi đất chỉ hai đến ba năm là vàng lụi từ ngọn rồi chết rụi xuống thân. Cây chuối khi ấy cứng như gỗ, lá vàng, quả rắn đanh dân gian gọi là chuối đùi gà.

Thế nhưng cũng giống chuối ấy trồng ở vùng đồi có đá lại khác. Chẳng cần bón phân chúng cứ xanh ngằn ngặt, thân này chặt đi thân khác lại mọc ra, vài chục năm bụi chuối vẫn trẻ mãi không già.

Cũng bởi đặc tính khác biệt ấy mà chuối phấn vàng chỉ tập trung ở hai xã là Tân Lập và Tân Minh với diện tích khoảng 600 ha. Tính riêng ở Tân Lập với 300 ha chuối đã đem về nguồn thu 15 tỉ đồng mỗi năm cho địa phương.

Anh Đào Sinh Thái ở xóm Trầm 1 xã Tân Lập dẫn tôi leo tuốt lên đồi xem vườn chuối rộng tới 2 ha của nhà cho thu mỗi năm trên 100 triệu đồng lãi.

Không có loại cây gì có thể tận dụng được đủ thứ như giống cây này. Thân thái cho trâu bò ăn, lá bán cho hàng giò, hàng bánh, hoa xắt ra làm rau còn quả thì dĩ nhiên được thị trường cưng chiều vào hạng nhất.

Khi rẻ rúng nhất, một buồng chuối chuối phấn vàng cũng bán được 70.000 - 80.000 đồng, còn lúc cao một buồng lên đến 160.000 đồng. Mỗi gốc chuối mỗi năm đẻ được bốn cây từ đó sẽ sinh ra được bốn buồng.

Học chuyên ngành trồng trọt nhưng chăn nuôi, thú y cái gì không biết ông chủ tịch huyện lại biến mình thành học trò của các đồng nghiệp dưới quyền.
Dịch tai xanh xảy ra ở Thạch Khoán -  một địa bàn giáp ranh với nhiều địa phương khiến bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Ngay lập tức “lá chắn thép” được thiết lập chốt, khử trùng tiêu độc đến tiêu hủy, cách ly. Nhờ đó Phú Thọ đã trở thành nơi dập dịch nhanh vào diện nhất nhì trong toàn quốc.

Giờ người trồng chuối ở Tân Lập nhàn tênh vì cánh thương lái tự đến chặt, tự chở đi. Nhiều chủ vườn còn không biết chính xác số lượng buồng chuối đến kỳ thu hoạch của mình trên đồi là bao nhiêu nhưng thương lái lại nắm rất chắc. Chính vì để cho rừng tự chăm nên năng suất chuối phấn vàng vẫn còn đạt thấp.

Mục tiêu đặt ra cho Thanh Sơn là phải đạt 12 tấn/ha/năm. Về bài toán thị trường, chuối vẫn giao dịch theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương” giá bán còn lúc trồi, lúc sụt. Tới đây huyện sẽ xây dựng thương hiệu cho chuối phấn vàng để nâng tầm giá trị cho nó.

Bài toán cho rừng xanh

Huyện miền núi, không nói đến chuyện rừng thì quả là thiếu sót. Thanh Sơn lắm núi, nhiều đồi, đất sản xuất lâm nghiệp mênh mông rộng tới 45.377 ha, độ che phủ của rừng lên tới 62%.

Tuy nhiên dưới những tán rừng xanh bạt ngàn ấy là những phận người trồng rừng còn lắm gian lao. Năng suất rừng trồng hiện chỉ đạt 36m3/ha/chu kỳ, tính ra một ha đem lại cho rừng trồng chẳng được bao lăm.

Bởi thế huyện xác định thâm canh rừng là hướng đi chính để năm 2020 đạt mục tiêu nâng năng suất rừng trồng lên 80m3/ha/chu kỳ, nâng sản lượng gỗ khai thác từ rừng đạt 150.000m3/năm.

Các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình 135… đều lồng ghép vào để kéo bật rừng lên. Các cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến lâm sản với công nghệ hiện đại, quy mô lớn cũng đã được cân nhắc.

14-59-43_dsc_8603
Thế mạnh đồi rừng

Các mô hình khuyến nông chuyên về rừng nhằm thay đổi tập quán sản xuất quảng canh cũng đã bước đầu thuyết phục được người dân về một hướng đi mới…

Trên con đường biến thế chân kiềng lý thuyết thành hiện thực còn lắm ghềnh, nhiều thác nhưng tôi biết anh có thừa khát khao và nhất là quỹ thời gian của người sinh năm 1975. (Hết)

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quy tụ 66.000 chậu sen để tổ chức lễ hội sen Đồng Tháp 2024

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 thu hút 66.000 chậu sen, với 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị.

Bình luận mới nhất