| Hotline: 0983.970.780

Chủ tịch nước thị sát điểm nóng thủy điện

Thứ Hai 16/12/2013 , 09:44 (GMT+7)

Sau khi thăm hỏi nhân dân vùng lũ ở một số địa phương tỉnh Quảng Ngãi, ngày 15/12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn công tác đã thăm, làm việc tại Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 và huyện Đại Lộc, Quảng Nam bị ảnh nặng nề do thủy điện gây ra trong đợt lũ vừa qua.

Sau khi thăm hỏi nhân dân vùng lũ ở một số địa phương tỉnh Quảng Ngãi, ngày 15/12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn công tác gồm lãnh đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam đã thăm, làm việc tại Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 và huyện Đại Lộc, Quảng Nam bị ảnh nặng nề do thủy điện gây ra trong đợt lũ vừa qua.

TÍNH TOÁN LẠI QUY TRÌNH XẢ LŨ

Trong sáng ngày 15/12, sau khi tham quan và trồng cây tại khu tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến huyện Bắc Trà My, nơi có Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 mà thời gian qua dư luận rất quan tâm như nước thấm thân đập, động đất và đời sống người dân tái định cư (TĐC) đang còn gặp nhiều khó khăn…


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng quà cho bà con TĐC thủy điện Sông Tranh 2

Làm việc với lãnh đạo Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2, Chủ tịch nước quan tâm đến vấn đề động đất liên tục từ khi nhà máy đi vào hoạt động. Đại diện nhà máy cho biết: Sau khi xảy ra động đất gây lo ngại cho người dân, công ty đã thuê tư vấn Nhật Bản quan trắc, các tư vấn tính toán và đưa ra mực nước tích trữ trong hồ ở mực 172,5m là an toàn về động đất, tuy nhiên Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt mực nước phải dưới 166m.

Báo cáo về việc thân đập rò rỉ, lãnh đạo thủy điện Sông Tranh 2 cho hay, sau quá trình xử lý hiện nay lượng nước thấm qua thân đập chỉ còn 8 lít/giây. Ngoài ra, EVN cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ để người dân TĐC ổn định cuộc sống.  

Một vấn đề được Chủ tịch nước lo lắng, hiện người dân sống hai bên sông, khi thủy điện xả lũ sẽ thế nào? Đại diện thủy điện Sông Tranh 2 nói: Khi thủy điện xả lũ sẽ thông báo để bà con sơ tán. “Thế là không được, cuộc đời người dân sống hàng trăm, nghìn năm ở đây, do đó thủy điện phải tính toán lâu dài chứ đâu phải chuyện như đi chơi du lịch, phải có phương án TĐC cho người dân”, Chủ tịch nước nói.


Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nói về quy trình vận hành xả lũ cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong thời gian tới

Một số lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho rằng, chuyện vùng hạ du thường ngập lụt là hồi chưa có thủy điện cũng ngập, nhưng khi thủy điện xây dựng và xả lũ thì nước ngập nhanh, người dân phải chấp nhận sống chung với lũ.

Chủ tịch nước chia sẻ: “Thế không được, sống chung với lũ thì phải nói đến đồng bằng sông Cửu Long, lũ về nhưng lợn gà, tài sản không bị nước lũ cuốn trôi, ướt... Còn sống chung với lũ như các huyện hạ du mùa mưa xảy ra thường xuyên, thiệt hại rất nặng nề, do đó phải có biện pháp nào để lũ về mà người dân không bị thiệt hại mới nói là sống chung với lũ”.

Chủ tịch nước tiếp tục thị sát vùng TĐC thủy điện Sông Tranh 2 là xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, ông Hồ Văn Chót, ở thôn 3 kiến nghị: Nhà nước sớm giải quyết đất sản xuất nông nghiệp cho bà con, hiện người dân thiếu đất nghiêm trọng. Ngoài ra thủy điện tiếp tục đầu tư xây dựng điện, đường, trường… cho một số thôn và hỗ trợ dân phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện.

“Các cơ quan ban ngành sớm xem xét chuyển đổi những khu rừng sản xuất để giao đất cho người dân, còn việc người dân không ở nhà TĐC mà làm nhà sàn thì cần sớm sửa chữa khắc phục cho phù hợp. Đặc biệt, phải đầu tư hỗ trợ người dân tư liệu sản xuất, như mô hình nuôi cá có thể kết hợp với các doanh nghiệp vào đầu tư”, Chủ tịch nước chỉ đạo.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước về thăm vùng rốn lũ xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Ông Phạm Xê, thôn Đại Mỹ, xã Đại Hưng kiến nghị với Chủ tịch nước: “Người dân chúng tôi hứng chịu thiệt hại quá nặng nề do lũ gây ra. Nước lũ về rất nhanh làm dân không kịp trở tay. Nguyên nhân là các thủy điện Đăk Mi4, A Vương, Sông Côn, Sông Bung 4A, Sông Tranh 2… đồng loạt xả lũ”.

Báo cáo với Chủ tịch nước, lãnh đạo xã, huyện Đại Lộc cho rằng, bắt đầu từ năm 2009 khi các thủy điện được xây dựng trên thượng nguồn sông Vu Gia thì người dân lãnh đủ hậu quả chứ trước đây không có chuyện lũ lên nhanh và dâng cao như vậy.


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn công tác Trung ương làm việc với lãnh đạo thủy điện Sông Tranh 2

“Vào mùa mưa nước trên sông đã lớn mà các thủy điện lại đồng loạt xả lũ 7.000 m3 - 8.000 m3/giây như vừa rồi thì không ai chịu nổi. Cả huyện Đại Lộc đều hứng chịu hậu quả do thủy điện gây ra nhưng xã Đại Hưng là thiệt hại nặng nề nhất”, ông Nguyễn Văn Trúc, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc bức xúc nói.

Ngay sau khi nghe người dân phản ánh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đề nghị Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, lãnh đạo Bộ Công thương và các đơn vị liên quan nhanh chóng tìm cách giảm thiệt hại cho người dân do lũ gây ra khi thủy điện xả lũ. Đặc biệt là phải lưu ý, tính toán lại quy trình xả lũ.

“Lũ vừa qua là có nguyên nhân khách quan do lượng mưa lớn. Ngoài ra còn do các thủy điện ở thượng nguồn đi vào hoạt động, các Bộ, ngành cần phải tính toán để làm sao không ảnh hưởng đến người dân và giảm thiệt hại tối đa do lũ gây ra cho bà con. Quảng Nam phải làm báo cáo theo cách nghĩ của lãnh đạo địa phương về vấn đề thủy điện này rồi gửi gấp cho tôi”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Sau khi làm việc vùng rốn lũ huyện Đại Lộc, Chủ tịch nước cùng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã quyết định tặng tỉnh Quảng Nam 170 con bò, trong đó xã Đại Hưng được tặng 10 con và 100 suất quà.

LO GIỮ RỪNG ĐỂ GIẢM LŨ

Trước đó, ngày 14/12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác Trung ương về thăm, tặng quà nhiều địa phương tỉnh Quảng Ngãi. Chủ tịch nước đã đến hiện trường nơi xảy ra lũ nặng, ân cần hỏi thăm, động viên từng gia cảnh, trao quà tới các hộ có người thân thiệt mạng, mất nhà cửa, tài sản trong đợt lũ vừa qua tại các xã Sơn Nham (huyện Sơn Hà), Nghĩa Kỳ (huyện Tư Nghĩa), Hành Tín (huyện Nghĩa Hành).

Chủ tịch nước đã trực tiếp tặng 11 suất quà cho các hộ gia đình có nhà sập, người bị thiệt mạng; 120 suất quà cho các hộ dân bị thiệt hại nặng do lũ, tặng hơn 300 con bò từ ngân hàng bò của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho tỉnh Quảng Ngãi để người dân nhanh chóng tái đàn, tái sản xuất chăn nuôi sau lũ.

Nói về việc xuất hiện lũ dữ, Chủ tịch nước nhận định: Lũ lụt ngày càng tàn khốc do rừng đầu nguồn cạn kiệt, bị tàn phá. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tính toán hỗ trợ các địa phương tập trung trồng cây không chỉ ở khu vực đầu nguồn mà cần tăng cường trồng ở xung quanh các khu dân cư vùng đồng bằng, ven biển nhằm tránh áp lực lớn do bão, lũ gây ra.

Làm việc với tỉnh Quảng Nam, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh đến chuyện ở thượng nguồn hiện còn nhiều rừng nữa không? Diện tích trồng mới ra sao? Chủ tịch nước chỉ đạo: “Để giảm cắt lũ, chống xói mòn Quảng Nam cần phải tăng cường bảo vệ, trồng rừng, đặc biệt các nhà máy thủy điện phải hỗ trợ, đầu tư trồng thêm rừng”.

“Hiện BCĐ Phòng chống lụt bão Trung ương đã chỉ đạo tất cả các nhà máy phải làm một quy trình vận hành và công bố cho nhân dân biết. Trong trường hợp thủy điện xả mực nước như thế nào, ngập đến đâu và thiết lập một hệ thống thông tin.

Trước khi xả lũ thủy điện phải thông báo đến tận người dân mức xả bao nhiêu, qua đó người dân biết được lượng nước thì lập tức biết nhà mình có ngập hay không để sơ tán.

Ngoài ra, Quảng Nam có nhiều thủy điện nên phải làm một quy trình liên hồ chứa, đề phòng trường hợp cùng một lúc nhiều thủy điện xả lũ, lúc đó vùng hạ du sẽ được cảnh báo”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết.

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.