| Hotline: 0983.970.780

Chu Vĩnh Khang - Vụ án thế kỷ: Từ hổ biến thành "dê tế thần"?

Thứ Năm 11/12/2014 , 08:36 (GMT+7)

Chu Vĩnh Khang là nhân vật ít được yêu thích, hay nói cách khác là có nhiều kẻ thù trong và ngoài đảng và đây là “công cụ” để củng cố quyền lực của Chủ tịch Tập./ Từ hổ thật thành hổ giấy

Xung quanh vụ án Chu Vĩnh Khang, một số chuyên gia quốc tế độc lập đã đưa ra những nhận định.

Pin Ho, tác giả cuốn sách về Bạc Hy Lai có tựa đề "Một cái chết trong khách sạn Kỳ nghỉ may mắn", cho rằng cú rớt đài của Chu Vĩnh Khang là “chương hai” của vở kịch “Bạc Hy Lai”, vốn mở màn từ Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Theo ông, việc chuyển giao quyền lực diễn ra trong bí mật và gây tranh cãi trong nội bộ đảng. “Tất cả các cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đều cố gắng chọn cho mình những người kế nhiệm. Chu Vĩnh Khang chọn Bạc Hy Lai làm Bí thư Ủy ban Chính pháp.

Đã có những nỗ lực ngầm đằng sau sự sắp xếp này và đây là thách thức đối với quyền lực của ông Tập Cận Bình. Số phận Bạc Hy Lai đã được định đoạt và đến lượt Chu Vĩnh Khang”, Pin Ho nói trên chinafile.com, trang web thuộc Trung tâm Quan hệ Mỹ - Trung (phi chính phủ).

Chu Vĩnh Khang - con dê tế thần?

Theo ông, họ Chu chính là vật hy sinh trong chiến dịch chống tham nhũng đợt này. Nếu ông Tập không phá bỏ được luật bất thành văn là Ủy viên Thường vụ bất khả xâm phạm, cuộc chiến chống tham nhũng mà ông phát động sẽ mất đi sức mạnh.

Chu Vĩnh Khang là nhân vật ít được yêu thích, hay nói cách khác là có nhiều kẻ thù trong và ngoài đảng và đây là “công cụ” để củng cố quyền lực của Chủ tịch Tập.

Nhà báo Richard McGregor, Trưởng văn phòng Washington của báo Financial Times cho rằng sự quyết tâm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong vụ Chu Vĩnh Khang chứng tỏ nhận định của nhiều chuyên gia về Trung Quốc là đúng: Họ cho rằng ông Tập muốn trở thành lãnh đạo tối cao thực sự, có thể nói là người lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc kể từ thời Đặng Tiểu Bình.

“Chu Vĩnh Khang không phải là con cá nhỏ. Cuộc điều tra về ông ta đã dẫn cả thế giới ghé thăm từng căn cứ quyền lực của họ Chu, từ tỉnh Tứ Xuyên, đến tập đoàn dầu khí quốc gia với quan hệ chặt chẽ cùng quân đội, và hệ thống an ninh quốc gia mà họ Chu nắm giữ dưới thời Chủ tịch Hồ Cẩm Đào”, McGregor nhận xét trên chinafile.com.

Ông nghi ngờ khả năng quyết định điều tra Chu Vĩnh Khang được đưa ra cùng lúc với việc xử lý Bạc Hy Lai. “Tội lỗi không thể tha thứ của họ Bạc là phá vỡ trật tự, công khai cạnh tranh cho một vị trí trong Thường vụ Bộ Chính trị.

Chuyện Chu ủng hộ Bạc có nghĩa là Chu đã “vào sổ”. Tuy nhiên, các điều tra viên rõ ràng đã vào cuộc, thu thập các chứng cứ chống lại Chu, thể hiện qua việc bắt giữ một loạt quan chức ngành dầu khí và con trai Chu Vĩnh Khang”, McGregor nói.

Theo nhà báo này, dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn “đả hổ diệt ruồi”, nhưng “con hổ” Chu Vĩnh Khang bị bắt liên quan nhiều đến “quyền lực chính trị”. Bởi vẫn còn đó những “con hổ” khác, những lời đồn đại về của cải bao la còn đó, nhưng vẫn chưa bị sờ đến.

Dĩ pháp trị quốc?

Viết trên tờ Asia Times, nhà nghiên cứu Francesco Sisci, đến từ Trung tâm nghiên cứu châu Âu tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh cho rằng, tin tức về việc khai trừ đảng Chu Vĩnh Khang đưa chúng ta trở lại thời kỳ cuối của Cách mạng Văn hóa. Đó là cái kết thúc của một thời kỳ và nay ông Tập rõ ràng cũng đang truyền đi thông điệp về một cái kết tương tự. Nhưng có sự khác biệt quan trọng giữa thời kỳ đó và hiện tại.

Hồi đó, nhóm Tứ nhân bang (Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên và Vương Hồng Văn), hoặc là Thường vụ, hoặc là Ủy viên Bộ Chính trị, tất cả bị bắt cùng thời điểm. Các vụ bắt giữ diễn ra chỉ cách nhau vài phút, do người cận vệ cũ của Mao Chủ tịch là Uông Đông Hưng chỉ huy.

Nay các vụ bắt giữ được thực hiện từng bước, trong một chiến dịch kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Điều đó cho thấy năm 1976, quyền lực của Tứ nhân bang (hay còn gọi theo kiểu Việt Nam là Bè lũ bốn tên - PV) vẫn còn rất mạnh. Một cuộc đối đầu công khai với họ trong đảng sẽ rất khó khăn mà kết quả thì chưa chắc chắn.

Để loại bỏ Tứ nhân bang, các đồng minh của Uông Đông Hưng cho rằng cần thiết phải ra tay chớp nhoáng. Cũng những người này cuối cùng đã đưa ông Đặng Tiểu Bình trở lại vị trí quyền lực.

“Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình, người không nắm an ninh, vốn trong tay Chu Vĩnh Khang, hay quân đội Trung Quốc, trong tay tướng Từ Tài Hậu và tướng Quách Bá Hùng (cả hai đều là cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, đều đã bị bắt với cáo buộc tham nhũng trong chiến dịch mà Chủ tịch Tập Cận Bình phát động - PV). Do vậy ông Tập phải dùng đến kênh đảng, tiến hành từng bước, có hệ thống, loại bỏ không chỉ một vài nhân vật mà là toàn bộ những người không theo luật chơi mới”, Francesco Sisci viết.

Theo Sisci, ông Tập nay đưa ra cách điều hành đất nước nhấn mạnh tầm quan trọng của các quy định pháp luật, trong tiếng Hán gọi là “dĩ pháp trị quốc”, theo đó ngay cả những nhân vật cao cấp nhất trong đảng cũng phải chịu sự điều chỉnh của hệ thống luật pháp.

Ông Pin Ho cho rằng, dù chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập thực chất nhằm mục đích gì thì việc bắt giữ Chu Vĩnh Khang là lựa chọn đúng.

“Bất kể ông Tập Cận Bình có trở thành nhà lãnh đạo kiểu gì, chuyện bắt giữ họ Chu sẽ khiến nhiều người lên tinh thần”, Pin Ho viết.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Một xã ở Bắc Giang có hơn 4.000 cây trám, thu 5-6 tỷ đồng/năm

Xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang hiện có hơn 4.000 cây trám đen đang ở độ tuổi cho thu hoạch, riêng ở thôn Vân Xuyên có gần 3.000 cây.