| Hotline: 0983.970.780

Đổi 100 ha đất sản xuất lấy công viên nghĩa trang nghìn tỷ:

Chưa có quy hoạch và phương án trồng rừng thay thế

Thứ Năm 12/10/2017 , 13:20 (GMT+7)

Trong suốt quá trình tìm hiểu về dự án Công viên nghĩa trang An Phúc Viên, khi làm việc với phóng viên, đại diện nhiều sở ban ngành ở tỉnh Bắc Giang đều thừa nhận dự án còn một số bất cập và sẽ khó triển khai trước sự phản đối quyết liệt của người dân các xã Cương Sơn và Nghĩa Phương (huyện Lục Nam).

Nhưng quan trọng hơn cả là những dấu hiệu không tuân thủ các quy định từ phía chủ đầu tư.
 

Chủ đầu tư “mất hút”?

Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang, đơn vị đầu mối của dự án, theo tài liệu cơ quan này cung cấp, Dự án Công viên nghĩa trang An Phúc Viên được manh nha từ tháng 9/2016 khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang ban hành Nghị quyết về công tác bảo vệ môi trường.

Sở Xây dựng cho rằng đó là một trong những căn cứ để triển khai thực hiện dự án. Mặc dù vậy, khi tiếp cận Nghị quyết này, chúng tôi chỉ nhận được có vài dòng ngắn ngủi: Quy hoạch hệ thống nghĩa trang, cơ sở hỏa táng trên địa bàn tỉnh để bố trí quỹ đất, thu hút đầu tư xây mới, cải tạo, mở rộng. Đồng thời có đề án, lộ trình đóng cửa, di chuyển nghĩa trang, phần mộ riêng lẻ trong tỉnh theo qui hoạch, ưu tiên trước mắt ở khu vực đô thị, khu vực phát triển công nghiệp, dịch vụ.

Điều này có nghĩa là chỉ trong một thời gian rất ngắn, từ khi có Nghị quyết, đến khi phê duyệt quy hoạch chỉ vỏn vẹn 3 tháng, và Công viên nghĩa trang An Phúc Viên “đáp” xuống xã Cương Sơn và Nghĩa Phương khi người dân không nắm được bất cứ thông tin gì.

Chính ông Vi Văn Quyền, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang đã thừa nhận: Tỉnh Bắc Giang chưa có quy hoạch cụ thể mà chỉ có Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

17-03-05_bg3
Ông Vi Văn Quyền, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang

Sau khi có Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, việc lựa chọn địa điểm xây dựng, quy hoạch dự án đều là do chủ đầu tư trình lên. Gần như tất cả các thủ tục cần thiết thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương đều được thực hiện rốt ráo, chẳng khác nào chủ đầu tư là Công ty Cổ phần đầu tư An Phúc Viên đã được nhắm sẵn cho dự án này.

Ngày 20/8/2016, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Công văn số 3310/UBND-ĐT cho phép Công ty Cổ phần Đầu tư An Phúc Viên thực hiện dự án đầu tư công viên nghĩa trang An Phúc Viên.

Đến ngày 18/12/2016, Công ty Cổ phần đầu tư An Phúc Viên có Tờ trình số 02/TTr-APV gửi UBND tỉnh Bắc Giang, Sở Xây dựng Bắc Giang đề nghị xem xét, phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng (1/500) công viên nghĩa trang An Phúc Viên. Ngày 29/12/2016, ông Phạm Giang, Giám đốc sở Xây dựng Bắc Giang có Báo cáo số 356/BC-SXD trình UBND tỉnh về kết quả thẩm định quy hoạch chi tiết xây dựng công viên nghĩa trang An Phúc Viên, đến ngày 3/1/2017, ông Lại Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ký Quyết định số 02/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng công viên nghĩa trang An Phúc Viên tỷ lệ 1/500.

Duy chỉ có điều, trái với tốc độ làm việc nhanh chóng của chính quyền và chủ đầu tư, sau khi công bố quy hoạch chi tiết, dự án gặp phải sự kháng cự quyết liệt của người dân, như chính ông Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang đã nói: Hiện tại đúng là dự án đang phải tạm dừng nhưng không có văn bản. Theo kế hoạch, sau khi công bố quy hoạch sẽ tổ chức giải phóng mặt bằng, nhưng đến thời điểm này “cơ bản chưa giải phóng được chỗ nào cả” vì khi cho cán bộ xuống xã đo vẽ, kiểm kê thì bị dân bắt nhốt nên không thực hiện được.

“Thời điểm trình xin ý kiến thì số người phản đối chưa nhiều. Sau khi công bố quy hoạch tình hình phức tạp thêm. Tất nhiên dự án nào thì công tác giải phóng mặt bằng cũng gặp sự phản đối của người dân cả thôi”, ông Quyền phân tích và nói thêm “chỉ một bộ phận thôi chứ không phải là tất cả”.

Không có được sự lạc quan về dự án giống như người cùng cấp ở Sở Xây dựng, ông Dương Xuân Bánh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang đã nói thẳng với phóng viên: Khả năng dự án này chưa chắc đã làm được vì ý dân là không muốn xây dựng. Hiện nay dân đang chống đối mạnh, chống đối ác lắm.

17-03-05_bg4
Ông Dương Xuân Bánh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang

Một thông tin đáng lưu ý nữa, theo lời ông Bánh, do trong tổng số hơn 103 ha chủ yếu là đất rừng nên quy định của Nhà nước bắt buộc chủ đầu tư phải trình phương án trồng rừng thay thế, nhưng đã hai tháng nay “không thấy bóng dáng chủ đầu tư đâu”...

Cũng lời ông Bánh, bản thân các chủ đầu tư khi thực hiện nhiệm vụ trồng rừng hay thế trong các dự án thì đều muốn giảm diện tích xuống, tuy nhiên, quan điểm của Sở NN-PTNT Bắc Giang là phải thực hiện đúng theo quy định.

“An Phúc Viên là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Bắc Giang. Theo trình tự quy định phải thông qua ý kiến của Hội đồng nhân dân tỉnh, phải có quy hoạch sử dụng đất mới triển khai. Nếu được sự đồng thuận thì dự án sẽ triển khai rất nhanh vì đầu tư công viên nghĩa trang có lớn lắm đâu. Chỉ là xây dựng hệ thống đường với một số công trình rồi bán đất chứ có gì ghê gớm”, ông Bánh nói.
 

Nguy cơ mất dân chủ ở Lục Nam

Rà soát lại các văn bản của chính quyền Bắc Giang, từ báo cáo của Sở Xây dựng đến quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết của UBND tỉnh, không có bất cứ một dòng nào về việc tham vấn ý kiến của người dân. Dường như chính điều này nay đẩy nhân dân Cương Sơn và Nghĩa Phương lên cao trào bức xúc.

17-03-05_bg1
Người dân vùng dự án kiên quyết phản đối dự án Công viên nghĩa trang

Lẽ tất nhiên, những người có chức sắc ở Bắc Giang đã viện lý do là “chỉ một bộ phận nhân dân phản đối” hay “những người phản đối chủ yếu là các hộ dân không có đất trong dự án”, như lời của ông Quyền, Phó Sở Xây dựng Bắc Giang, nhưng thực tế ở địa phương lại không phải vậy.

Câu chuyện thời sự nhất ở những vùng bị thu hồi đất để phục vụ dự án Công viên nghĩa trang An Phúc Viên thời điểm này không phải là mức giá đền bù như một số lãnh đạo Bắc Giang đang tưởng. Với người dân bị thu hồi đất, họ thậm chí còn nhìn xa hơn.

Bà Trương Thị Yến, một nông dân có đất trong vùng dự án ở thôn Ký Sơn, xã Nghĩa Phương nói rằng, nếu An Phúc Viên lấy đất, mỗi năm gia đình bà sẽ mất 100 triệu đồng từ nguồn thu nhập trồng na, trồng vải ở trên núi Niêng: “Chúng tôi không đồng ý giao đất cho dự án. Nhà tôi có 2 vợ chồng, 2 đứa con, nếu dự án triển khai thì cả gia đình không còn đất để mà sản xuất nữa. Công ty An Phúc Viên bồi thường tiền bạc, tiêu hết thì biết làm gì mà sống”.

17-03-05_bg2
Người dân vùng dự án kiên quyết phản đối dự án Công viên nghĩa trang

Ngay cả một người đã hết tuổi lao động như bà Bùi Thị Ngọc (60 tuổi) cũng nhìn nhận rõ những nguy cơ khi dự án triển khai: Trên thì ô nhiễm không khí, dưới nguồn nước ăn. Chúng tôi biết dự án sẽ anh hưởng đến con cháu sau này. Bờ bãi chúng tôi, đất đai chúng tôi con cái làm đời này đến đời khác. Dự án tất nhiên sẽ đền bù, nhưng chỉ được một thời gian, mất đất rồi con cháu chúng tôi biết sống bằng gì?

Những lo lắng của người dân mất đất là hoàn toàn có cơ sở. Bởi chính Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang Dương Xuân Bánh đã thừa nhận với chúng tôi rằng, số diện tích dự kiến thu hồi để xây dựng công viên nghĩa trang từ trước đến giờ nhân dân tổ chức trồng rừng sản xuất rất hiệu quả. Với năng suất, giống mới, thâm canh, một chu kỳ 6 năm thì một ha đạt khoảng 100 khối, trừ đi chi phí đầu tư tầm hơn 30 triệu đồng thì bét lắm cũng thu về 120-140 triệu đồng. Trồng rừng bây giờ đã có thể giàu chứ không chỉ là khá nữa. Tất cả đất rừng khu vực này cũng đều đã được giao cho các hộ, không có đất trống nên việc thu hồi phục vụ dự án kể cũng hơi tiếc.

Phân tích về tiến độ dự án Công viên nghĩa trang An Phúc Viên, ông Đào Công Hùng, Trưởng phòng Quy hoạch Sở Xây dựng Bắc Giang cho biết: Công viên nghĩa trang không thuộc đối tượng DN tự thỏa thuận với người dân mà Nhà nước sẽ đứng ra thu hồi đất sau đó cho DN thuê lại. Có lẽ chính vì vậy mà ông Vi Văn Quyền khẳng định: Người dân phản đối ngày càng nhiều, nhưng chính quyền sẽ có cách. Không biết “cách” của ông Phó Sở Xây dựng Bắc Giang là gì, nhưng dường như không có lợi cho dân.

 

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.