| Hotline: 0983.970.780

Chưa có thái độ nghiêm túc với các danh tướng

Thứ Ba 09/12/2014 , 08:50 (GMT+7)

Mặc dù trong trang 6 Lời nói đầu của cuốn sách có đặt ra 5 tiêu chí làm cơ sở lựa chọn 12 danh tướng thời hiện đại, nhưng xem nội dung cuốn sách, PV Báo NNVN thấy rằng đây là một sự tùy tiện./ Tôn vinh hay nhạo báng danh nhân?

Sau khi Báo NNVN đăng bài “Tôn vinh hay nhạo báng danh nhân?”, phản ánh việc NXB Văn hóa Thông tin, Nhà sách Tân Việt và Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ văn hóa và Khoa học công nghệ (CTCS) - Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam cho phát hành cuốn sách “Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc” đã có nhiều nội dung không phù hợp, phản cảm cả về hình minh họa lẫn các tiêu chí lựa chọn danh tướng. Chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến đồng thuận của bạn đọc.

Không khác gì truyện trào phúng

Nhà giáo Vũ Đức Thùy phản ánh: “Lâu nay chúng ta vẫn lên tiếng về việc học sinh không thích học lịch sử, nhất là lịch sử Việt Nam. Vậy phải chăng các nhà viết sách muốn đưa hình ảnh “sinh động, gần gũi” với thế hệ trẻ để các em yêu thích môn lịch sử?

Ngay những người được cho là có kiến thức, có hiểu biết còn viết về lịch sử dân tộc như vậy thì làm sao để thế hệ trẻ Việt Nam hiểu được lịch sử dân tộc và có trong mình truyền thống của cha ông?

Chúng ta vẫn dạy thế hệ trẻ về sự vẻ vang của lịch sử dân tộc, trong đó nhấn mạnh về tính bất khuất, truyền thống yêu nước mà hình ảnh biểu trưng nhất là “áo vải, cờ đào”. Chẳng có hình ảnh nào thuyết phục hơn người lính, tướng lĩnh quân đội chỉ “áo vải” chiến đấu với quân thù có áo giáp, có trang bị tốt hơn về mọi mặt mà lá cờ trận vẫn đỏ máu người lính, nhuộm bằng cả máu của kẻ thù...”.

Chia sẻ quan điểm của mình, thạc sĩ Nguyễn Đào Nguyên, Khoa Văn học trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội, cho biết: “Nếu viện lý do chúng ta không biết dung nhan của các danh tướng nói chung, nữ tướng thời Tây Sơn nói riêng, như thế nào, rồi sử dụng tranh minh họa như truyện tranh Nhật Bản thì không khác gì truyện trào phúng. Sẽ khó mà cảm thông được khi nhìn vào nữ danh nhân lịch sử mà cũng đầu xanh tóc đỏ ở thế kỷ 21”.

Trao đổi với PV, ông Lê Tiến Dũng, PGĐ phụ trách NXB Văn hóa Thông tin cho biết, sách mới nộp lưu chiểu và phát hành được vài ngày, NXB chưa kiểm tra nội dung. “Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại và sớm có thông tin đến báo chí”, ông Dũng nói.

Nhìn khái quát vấn đề, nhà văn Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, đánh giá, những bức tranh minh họa cho thấy những người thực hiện cuốn sách đã không có thái độ nghiêm túc đối với các danh nhân, danh tướng.

“Đây là cuốn sách viết về các danh tướng trong lịch sử, vì vậy cần tuân thủ các nguyên tắc của khoa học lịch sử. Đáng tiếc là việc này không được thực hiện”.

Tùy tiện trong lựa chọn tiêu chí

Mặc dù trong trang 6 Lời nói đầu của cuốn sách có đặt ra 5 tiêu chí làm cơ sở lựa chọn 12 danh tướng thời hiện đại, nhưng xem nội dung cuốn sách, PV Báo NNVN thấy rằng đây là một sự tùy tiện.

“Nhìn bức ảnh “Tây Sơn ngũ phụng thư” đúng là giống Thủy thủ Mặt trăng. Điều này đúng là xuyên tạc, bôi tro trát trấu vào lịch sử. Còn Lý Thường Kiệt có râu trắng như cước như mấy ông già trong phim kiếm hiệp. Nên thu hồi và hủy cuốn sách này đi.... “ (bạn đọc Trần Quốc Thái gửi ý kiến đến NNVN).

Trật tự 12 vị tướng thời hiện đại được sắp xếp là: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Lê Trọng Tấn, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại tướng Chu Huy Mân, Đại tướng Lê Đức Anh, Thượng tướng Nguyễn Hữu An, Thượng tướng Trần Văn Trà, Đại tướng Đoàn Khuê, Đại tướng Phạm Văn Trà và cuối cùng là Thượng tướng Hoàng Minh Thảo.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng đầu danh sách 12 tướng lĩnh thời hiện đại là điều hiển nhiên khỏi cần bàn cãi. Võ Nguyên Giáp là vị Đại tướng đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm trong đợt đầu tiên (1948). Xét theo các tiêu chí về tuổi đời, ông cũng đứng đầu. Còn về chiến công, về tầm ảnh hưởng, đây là vị danh tướng “lừng lẫy năm châu”.

Vậy 11 vị tướng còn lại, các tác giả sách căn cứ vào đâu để sắp xếp? Theo vần A, B, C? Không phải, vì nếu theo vần, Đại tướng Lê Đức Anh phải đứng đầu. Theo năm được phong quân hàm? Cũng không phải, vì vị Đại tướng thứ hai được phong quân hàm (năm 1959) là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Theo năm sinh? Cũng không phải nốt, vì nếu theo năm sinh, Đại tướng Chu Huy Mân sinh sớm hơn (1913), lại xếp sau Đại tướng Lê Trọng Tấn (1914), Đại tướng Hoàng Văn Thái (1915), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1915) và Đại tướng Văn Tiến Dũng (1917).

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin dẫn ý kiến của nhà giáo Vũ Đức Thùy: “Từ việc viết sách, tài liệu đến văn hóa hiện nay những người được giao nhiệm vụ về công tác chỉ đạo, giáo dục, văn hóa đang tỏ rõ sự thiếu trách nhiệm, thiếu kiến thức và cả thiếu văn hóa của mình. Vậy nên trước khi trách thế hệ trẻ, trách những người trực tiếp triển khai ở cơ sở cần chê trách những người có trách nhiệm ở vị trí cao hơn đã...”.

Xem thêm
Nhịp sống giới trẻ phản ánh trong bộ phim ‘Bóng của thị thành’

Nhịp sống giới trẻ thời công nghệ số có những màu sắc bất ngờ, thể hiện qua bộ phim ‘Bóng của thị thành’ phát sóng trên HTV7, Đài truyền hình TP.HCM.

Rượt đuổi mãn nhãn, Man United đả bại Liverpool tại Cúp FA

Trận Tứ kết Cúp FA giữa Man United vs Liverpool đã diễn ra với kịch bản không ngờ khi hai đội rượt đuổi nghẹt thở trong suốt 120 phút của trận đấu. 

120 vận động viên tham gia giải dù lượn trên cao nguyên đại ngàn

Giải dù lượn tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) sẽ quy tụ 120 vận động viên, trong đó có 41 vận động viên người nước ngoài tham gia tranh tài.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.