| Hotline: 0983.970.780

Chưa mặn mà trồng rừng

Thứ Tư 25/06/2014 , 08:11 (GMT+7)

Tính đến hết tháng 5/2014, toàn tỉnh Cao Bằng mới trồng được khoảng 800/2.083 ha rừng, đạt hơn 35% kế hoạch.

Nguyên nhân do vào vụ trồng rừng nhưng một số vườn ươm chưa đủ thời gian xuất giống; một số giống cây chủ lực còn thiếu như sa mộc, xoan hôi, bạch đàn…

Ngoài ra, diện tích đất rừng trồng nhỏ lẻ, manh mún, vị trí dốc nên rất khó khăn cho việc đốt, dọn, cuốc hố, xử lý thực bì. Giao thông cách trở, việc vận chuyển cây giống từ đường dân sinh đến nơi xuống giống chủ yếu bằng sức người là chính, đã đội giá ngày công lên cao, gây tốn kém cho nhà đầu tư trồng rừng...

Một số huyện chưa có Ban quản lý rừng phòng hộ nên phải thành lập mới, công tác bàn giao diện tích giữa chủ đầu tư cũ sang chủ đầu tư mới còn chậm, khiến việc trồng rừng không nhanh như mong muốn.

Do nhiều khó khăn và đầu tư rủi ro cao nên nhiều người dân và DN mới chỉ tích cực nhận khoán đất trồng rừng, chưa thật sự mạnh bạo đầu tư trồng cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao và chưa thật sự tâm huyết với nghề rừng.

Qua trao đổi với một số người dân trồng rừng tại huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng được biết: Kinh phí cho DN và người dân trồng rừng chỉ đáp ứng được một phần phân bón, cây giống (khoảng 3 triệu đồng/ha) đối với các xã vùng đặc biệt khó khăn. Còn công trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng trong cả chu kỳ đều do người trồng rừng tự lo.

Chính khó khăn từ địa hình hiểm trở đến cơ chế hỗ trợ thấp nên việc trồng rừng chưa được quan tâm đúng mức.

Còn ông Hoàng Tiến Trung, đại diện một DN tham gia trồng rừng tại tỉnh Cao Bằng phân tích: "Cao Bằng đang hỗ trợ cho công tác trồng rừng SX ở mức từ 2 - 3 triệu đ/ha là thấp so với giá thuê công lao động nên chưa khuyến khích được nhà đầu tư tham gia.

Bởi vì, để trồng 1 ha rừng SX, ngoài hỗ trợ của nhà nước, ngay từ năm đầu tiên các DN đã phải bỏ ra từ 5 - 7 triệu đồng/ha để trả công xử lý thực bì, vận chuyển cây giống. Sau đó, các năm tiếp theo nhà đầu tư vẫn phải thuê nhân công chăm sóc, bảo vệ rừng thường xuyên.

Trong khi đó, địa hình vùng cao cộng với khí hậu khắc nghiệt nên cây rừng không phát triển nhanh như các tỉnh vùng trung du, miền núi khác. Do đó, để có thu nhập từ trồng rừng, nhà đầu tư phải mất thời gian ít nhất cũng từ 9 - 10 năm mới được thu hoạch tỉa thưa cây gỗ.

Với quỹ thời gian dài như thế, nếu người dân hay DN phải vay 100% tiền vốn để trồng rừng thì sẽ lời rất ít. Chưa kể các rủi ro ngoài tầm kiểm soát khác như giá gỗ nguyên liệu xuống thấp, cháy rừng, dịch bệnh, gia súc phá hoại... có thể dẫn đến nguy cơ thua lỗ".

Xem thêm
Nở rộ nuôi dúi ở Bắc Kạn

Các mô hình nuôi dúi đang phát triển khá nhanh ở Bắc Kạn, tuy nhiên việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương nên cần tính toán kỹ lưỡng trước khi đầu tư.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất