| Hotline: 0983.970.780

Chưa tăng giá điện theo thị trường từ ngày 1/6

Thứ Hai 25/04/2011 , 10:15 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, giá điện sẽ được điều chỉnh trên cơ sở quyết định của Bộ Công thương và tham khảo Bộ Tài chính...

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, giá điện sẽ được điều chỉnh trên cơ sở quyết định của Bộ Công thương và tham khảo Bộ Tài chính chứ không tham khảo các tổ chức đại diện cho người dùng điện.

Tăng giá điện không cần tham khảo ý kiến khách hàng

Trong cuộc họp báo cuối tuần qua về thực hiện Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ xung quanh việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường, bắt đầu từ 1/6 tới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho hay, việc điều chỉnh giá điện tăng hay giảm là tất yếu phải làm. Tuy nhiên, mốc thời gian điều chỉnh là 1/6 thì chưa thể thực hiện được.

Ông Vượng lý giải: “Hiện tại chúng ta chưa đủ cơ sở tính toán tăng hay giảm giá điện từ 1/6, bởi lẽ để thực hiện được điều này, phải phụ thuộc vào hai yếu tố cơ bản. Một là dựa vào ba thông số đầu vào tính giá điện (tỷ giá, nguyên liệu và cơ cấu phát điện); hai là Bộ Công thương chịu trách nhiệm thẩm định và xem xét giá bán điện có ảnh hưởng lớn đến xã hội, đến ổn định kinh tế vĩ mô hay không”.

Ngoài ra, hiện Bộ Công thương mới đang phối hợp với Bộ Tài chính để soạn thảo các thông tư hướng dẫn tính toán giá bán điện theo ba thông số đầu vào nêu trên, hướng dẫn chi tiết các nhóm đối tượng bán điện. Hai văn bản này sẽ được ban hành trong tháng 5 tới. “Như vậy, để thông tư đi vào cuộc sống, cần có thời gian”, ông Vượng nói.

Đồng quan điểm trên, ông Đinh Quang Tri, Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho rằng, hiện tập đoàn đang chờ thông tư hướng dẫn của Bộ và sẽ cân nhắc thời điểm để dân chịu được mức độ điều chỉnh tăng giá.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc Bộ Công thương có lấy ý kiến các bên liên quan như Hội Bảo vệ người tiêu dùng hay các DN sản xuất, kinh doanh khi xem xét tăng giá điện hay không, ông Vượng cho hay, theo Quyết định 24, EVN có quyền tự điều chỉnh giá bán điện bình quân trong trường hợp giá đầu vào biến đổi lớn. Giá điện sẽ được điều chỉnh trên cơ sở quyết định của Bộ Công thương và tham khảo Bộ Tài chính chứ không tham khảo các tổ chức xã hội khác.

Liên quan đến quỹ bình ổn giá điện, bà Nguyễn Thanh Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết, quỹ này được xây dựng trên cơ sở quỹ bình ổn giá xăng dầu, nhưng “sẽ tỷ mỷ và cẩn trọng hơn”. “Tuy nhiên, trong khi ngành điện đang treo tất cả chi phí khác, quỹ này trong thời gian trước mắt sẽ chưa thể đưa vào giá bán điện. Khi nào xử lý hết các khoản treo của EVN thì mới tính quỹ bình ổn vào chi phí của giá bán điện”, bà Hương cho hay.

Đến 2022 mới có thị trường điện cạnh tranh

Theo tính toán của EVN thì khoản lỗ thực tế năm 2010 mà đơn vị này đang phải gánh lên đến hơn 8 nghìn tỷ đồng và trong phương án giá điện năm 2011 cũng chưa được tính khoản chi phí này vào giá thành. Trong những năm qua do việc điều chỉnh chưa tương ứng với biến động của các yếu tố đầu vào hình thành giá, nên giá điện hiện nay đang ở mức thấp hơn giá thành sản xuất kinh doanh điện.

Về đề án thí điểm vận hành thị trường phát điện cạnh tranh từ ngày 1/7 năm nay, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), cho biết đến thời điểm này, các thủ tục và quy định về phát điện cạnh tranh đang gấp rút hoàn tất. Nhất định từ ngày 1/7, Việt Nam sẽ vận hành thí điểm thị trường phát điện này.

Việc thị trường hóa phát điện cạnh tranh sẽ được tiến hành qua ba giai đoạn: 2011-2014 tiến hành thị trường phát điện cạnh tranh; 2015-2020, thị trường bán buôn cạnh tranh và giai đoạn sau năm 2020 sẽ là bán lẻ điện cạnh tranh. “Nếu thực hiện đến công đoạn bán lẻ cạnh tranh thì từ năm 2022, những người mua điện có thể chọn người bán điện cho mình”, ông Cường nói.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi, cạnh tranh là phải trăm người bán, vạn người mua. Không ai gọi thị trường cạnh tranh là một người bán và hàng triệu người mua. “Do đó, muốn thị trường điện minh bạch và có tính cạnh tranh cao thì phải loại bỏ việc độc quyền, tách bạch các khâu từ cung ứng đến cấp phát. Không nên chỉ có một công ty mua bán điện như hiện nay mà phải có nhiều nơi mua và nhiều nơi bán, Nhà nước chỉ quản lý khâu truyền tải và khâu điều độ điện quốc gia”, ông Ngãi nêu ý kiến.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.