| Hotline: 0983.970.780

Chưa thể tự chủ tuyển sinh

Thứ Hai 20/12/2010 , 10:32 (GMT+7)

Thông tin 6 trường ĐH được giao quyền tự chủ trong tuyển sinh gây nhiều ý kiến trong dư luận. Lập tức Bộ GD-ĐT có văn bản "đính chính" lại.

Chưa thể tự chủ tuyển sinh

 Tố Như

Tuần qua, rộ lên thông tin 6 trường ĐH được giao quyền tự chủ trong tuyển sinh gây nhiều ý kiến trong dư luận. Lập tức Bộ GD-ĐT có văn bản "đính chính" lại.

Vẫn thi “3 chung”

Dư luận đang rất băn khoăn và không hiểu tại sao và lúc nào Bộ GD-ĐT có 6 công văn yêu cầu từ năm học 2011 này, 6 trường đại học gồm ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Y Hà Nội và ĐH Ngoại thương sẽ được thí điểm để “trao quyền tự chủ” trong việc tuyển sinh từ năm học 2011. Đây là những trường ĐH có đầy đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên đã được thẩm định tốt.

Tuy nhiên, ngày 17/12, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định lại: đây chỉ là công văn yêu cầu các trường nghiên cứu và xây dựng phương án tự chủ. Đồng thời cũng để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ là đổi mới mọi hoạt động, lấy đổi mới quản lý làm khâu đột phá nhằm nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện giáo dục đại học. Việc nghiên cứu đổi mới thi và tuyển sinh được triển khai đồng thời với việc nghiên cứu đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học tập trong nhà trường phổ thông và đại học, cao đẳng.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, các cơ quan chức năng của Bộ đang nghiên cứu phương án đổi mới tuyển sinh đại học, cao đẳng. Hai Đại học Quốc gia và một số trường đại học cũng được đề nghị cùng độc lập nghiên cứu về phương án tuyển sinh mới. Hiện nay, quá trình nghiên cứu đang ở giai đoạn đầu, còn phải qua nhiều bước, sau đó sẽ lấy ý kiến rộng rãi của xã hội và báo cáo các cấp có thẩm quyền trước khi áp dụng. Đại diện ngành giáo dục “gút” lại bằng lời khẳng định: Phương án tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2011 vẫn giữ ổn định như các năm trước. Tuy nhiên Bộ cũng yêu cầu 6 trường này xây dựng ngay phương án tự chủ tuyển sinh và gửi về Bộ trong thời gian sớm nhất.

Gấp quá, không kịp trở tay

Triển khai việc phân cấp mạnh mẽ cho các cơ sở giáo dục đại học, đồng thời phát huy cao độ tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự kiểm soát bên trong của các trường là chủ trương đúng, nằm trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012. Theo đó, mong muốn của Bộ GD-ĐT là phải sớm thí điểm tự chủ tuyển sinh.

Trao đổi với phóng viên NNVN, GS Phạm Trọng Quát, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, về chủ trương này, ĐH Quốc gia Hà Nội đã bàn rất nhiều và đang nghiên cứu xây dựng phương án. Ngoài ra, trường cũng tham khảo nhiều kinh nghiệm ở trong và ngoài nước để tránh các phương án rủi ro xảy ra, làm sao thi tuyển chọn được người tài lúc đó mới công khai. Việc Bộ yêu cầu bất ngờ như thế này khiến trường không kịp trở tay bởi sớm nhất là năm 2012 mới có thể triển khai được.

Cùng quan điểm với ĐH Quốc gia Hà Nội, đại diện trường ĐH Quốc gia TPHCM cũng khẳng định, ngay năm 2011 thì không có gì mới trong tuyển sinh được. Vì vậy, năm học này, trường vẫn thực hiện theo phương án tuyển sinh 3 chung như các năm vừa qua. Đây là vấn đề rất nhạy cảm, liên quan đến thí sinh nên không thể đưa ra chủ trương quá gần như vậy. Bộ nên công khai rộng rãi về chủ trương này để có ý kiến đóng góp từ các trường, từ các chuyên gia và xã hội, để các trường có quyền tự chủ trong việc có tham gia thí điểm hay không.

Còn lãnh đạo Trường ĐH Ngoại thương cũng khẳng định năm 2011 trường vẫn tuyển sinh theo phương thức “ba chung” vì phải có thời gian chuẩn bị, xây dựng đề án chi tiết rồi mới triển khai. Hay như đại diện trường ĐH Y Hà Nội cho biết, trường chưa triển khai thực hiện trong năm tới và nếu thực hiện thì mất một thời gian nữa vì việc chuẩn bị cho phương án tuyển sinh mới không đơn giản chút nào, ví dụ như ra đề thi.

 Cũng theo trường ĐH Y Hà Nội, thực hiện tự chủ tuyển sinh đối với trường không có gì khó khăn vì đây là vấn đề không mới nhưng đã bỏ quá lâu. Hiện đội ngũ giáo viên các môn cơ sở như Toán, Hóa, Sinh của trường còn quá ít, chủ yếu là giảng viên chuyên môn. Do vậy, để thực hiện theo chủ trương của Bộ, trường phải có thời gian bổ sung giảng viên về các môn cơ sở, tập huấn, sau đó mới triển khai.

Đối với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - một trường lớn có bề dày thành tích, hàng năm có hàng chục nghìn sinh viên, không đưa ra khẳng định là trường sẽ triển khai thực hiện chủ trương tự chủ tuyển sinh mới ngay trong năm 2011, ông Nguyễn Cảnh Lương, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường đã xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh và chờ Bộ phê duyệt rồi mới công bố”.

Box: Không nằm trong danh sách 6 trường “được” trao quyền tự chủ, nhưng Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, ông Hoàng Văn Điện cũng có kiến nghị: Bộ GD-ĐT nên trao quyền tự chủ cho các trường về tài chính để có điều kiện phát huy chất lượng đào tạo là điều rất tốt bởi kinh phí nhà nước cấp cho trường mỗi năm quá eo hẹp (chi 14 tỷ, nhưng dành 12 tỷ để cấp học bổng và miễn giảm học phí, 2 tỷ còn lại để phát triển toàn bộ nhà trường…). Tuy nhiên, tất cả phải có lộ trình cụ thể để các trường có thời gian và kế hoạch chuẩn bị.

 ảnh: Năm học tới, tất cả các trường ĐH vẫn thi "ba chung".

 

 

Xem thêm
Sản xuất tôm giống nước lợ đáp ứng đủ nhu cầu thả nuôi

NINH THUẬN Năm 2023, cả nước có 2.270 cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống, sản lượng đạt 153 tỷ con, đáp ứng đủ cho nhu cầu thả nuôi của người dân.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.