| Hotline: 0983.970.780

Chưa trao quyền đề nghị trưng cầu ý dân cho Thủ tướng

Thứ Sáu 29/05/2015 , 06:15 (GMT+7)

Sáng 28/5, Quốc hội nghe Tờ trình dự án Luật Trưng cầu ý dân và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Vấn đề thu hút sự chú ý của nhiều ĐBQH trong dự án Luật Trưng cầu ý dân là có nên trao quyền trưng cầu ý dân cho Thủ tướng Chính phủ hay không?

Ở nội dung xác định chủ thể được phép trưng cầu ý dân, Dự thảo luật thiết kế hai phương án.

Một là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số ĐBQH có quyền trình đề nghị trưng cầu ý dân. Phương án hai, gồm các chủ thể ở phương án một và bổ sung thêm Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQVN.

Một số ĐBQH đồng tình với phương án hai. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều ĐBQH đề nghị phải giới hạn Thủ tướng và Đoàn Chủ tịch UB TƯMTTQVN không được đề nghị trưng cầu ý dân.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH đồng ý với phương án một.

“Trưng cầu ý dân là hình thức thực hiện quyền dân chủ trực tiếp cao nhất của người dân. Chủ thể đề nghị trưng cầu ý dân đã được QH thảo luận và cân nhắc kỹ tại kỳ họp thứ 8 khi xem xét, thông qua Luật Tổ chức Quốc hội. Do vậy, quy định như phương án một là để bảo đảm tầm quan trọng của việc đề nghị trưng cầu ý dân và để thống nhất với Luật Tổ chức Quốc hội”, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH nhấn mạnh.

Thảo luận về dự Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, ĐB Bùi Thị An (TP Hà Nội) đề nghị Chính phủ nghiên cứu cho thành lập Bộ Kinh tế biển để khai thác quản lý một cách có hiệu quả lĩnh vực kinh tế này.

ĐB An cho rằng: Hiện ngành kinh tế biển đóng góp khoảng 50% và theo dự báo sẽ tăng 55% của GDP cả nước. Tôi cho rằng chỉ tinh giản những bộ máy không cần thiết. Còn những bộ máy thật cần thiết thì vẫn phải thành lập để phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước.

Cho rằng vấn đề mình góp ý là hệ trọng, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) một lần nữa khẳng định rằng: Nếu chúng ta quy định luật như thế này thì dễ sơ hở và bỏ mất sự bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên một số cấu trúc, vật chất ở ngoài biển, trong lãnh hải, trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Lập luận của ĐB Nghĩa là có 3 loại cấu trúc theo Công ước Luật biển. Thứ nhất là đảo và các quần đảo. Hai là các bãi đá. Các bãi đá này thuộc chủ quyền của VN như các bãi đá ở quần đảo Trường Sa, hay Hoàng Sa thì hoàn toàn có lãnh hải. Như vậy, những bãi đá đó và vùng lãnh hải 12 hải lý chung quanh thuộc lãnh thổ của VN.

Về cấu trúc thứ ba, tại Điều 13, Công ước Luật biển gọi bãi cạn nửa chìm, nửa nổi và có thể gọi là bãi nổi khi nước ròng. Đặc trưng của nó, lúc nước lớn thì bị lấp, lúc nước ròng thì nổi lên. Trong lịch sử đã từng có tranh chấp đổ máu, có nhiều chiến sĩ đã ngã xuống để giành giật những bãi đá này.

Theo đó, ĐB Nghĩa đề nghị sửa Khoản 1, Điều 3 lại như sau: "bao gồm tài nguyên sinh vật và tài nguyên phi sinh vật thuộc khối nước đáy biển, lòng đất dưới đáy biển, vùng đất ven bờ, các đảo, quần đảo, bãi đá, bãi nổi khi nước ròng, thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của VN".

Về định nghĩa hải đảo nên viết lại là "Các đảo, quần đảo trên biển bao gồm cả các bãi đá, các bãi nổi khi nước ròng, nằm trong lãnh hải vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN. Sau đây gọi chung là hải đảo".

ĐB Nghĩa cũng bày tỏ lo lắng khi dự luật có Điều 40 được định nghĩa là đảo bao gồm hải đảo có người và hải đảo không có người. Sau những lập luận của mình, ĐB Nghĩa đề nghị Điều 40 thận trọng và tốt nhất không nên phân chia như vậy vì dễ bị hớ. Cứ nói chung chung là hải đảo thôi, không nói đến việc đảo không có người ở.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.