| Hotline: 0983.970.780

Chuẩn bị thành lập Ban điều phối ngành chè

Thứ Hai 28/04/2014 , 08:39 (GMT+7)

Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đồng ý với đề xuất thành lập Ban điều phối ngành chè, và yêu cầu Cục Trồng trọt trong tháng 5 phải trình bộ.

Làm thế nào để cây chè Việt Nam có mặt ở nhiều nước trên thế giới, là nội dung xuyên suốt Hội nghị thúc đẩy phát triển chè bền vững tại Việt Nam, do Bộ NN- PTNT phối hợp cùng Tập đoàn Unilever và Tổ chức Thương mại sáng kiến bền vững Hà Lan (IDH) tổ chức sáng ngày 26/4, tại Hà Nội.

Báo cáo tình hình hoạt động dự án “Lồng ghép các nông hộ sản xuất nhỏ vào chuỗi cung ứng chè chất lượng và bền vững ở Việt Nam” triển khai từ tháng 1/2014, đại diện Tập đoàn Unilever cho biết, gần 4 tháng triển khai tại 6 tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Lâm Đồng, Yên Bái, Vĩnh Phúc và Nghệ An, đã có 30 nhà máy chè và khoảng 20.000 hộ dân được hưởng lợi từ nguồn ngân sách 440.000 euro.

Với mục tiêu tăng sản lượng chè, cải thiện tính bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội của các nông hộ trồng chè quy mô nhỏ và các chủ nhà máy chè ở Việt Nam, các chuyên gia đã xây dựng được các bộ công cụ giám sát và đánh giá, sổ tay lớp học hiện trường; tổ chức các khóa đào tạo huấn luyện cho một số đơn vị sản xuất, kinh doanh chè…

Theo ông Flavio Corsin, Giám đốc IDH, việc triển khai dự án trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, còn nhiều vấn đề tồn tại như: Cơ cấu ngành chè tại cấp Trung ương, cấp tỉnh còn hạn chế; chưa có sự thống nhất giữa khối công – tư trong việc cải thiện chất lượng và tính bền vững của ngành chè.

Bên cạnh đó, hiệu quả sản xuất nhiều nhà máy còn thấp. Ngoài ra, ban quản lý của một số nhà máy chưa thực sự quan tâm tới việc sản xuất chè có chứng nhận và một số công ty chè muốn áp dụng các tiêu chuẩn nhưng nguồn vốn còn hạn chế…

Các địa phương cần tiến hành phổ biến kỹ thuật trồng chè đảm bảo cho nông dân, hướng các dự án khuyến nông đến các vùng sản xuất chè, tiến hành kiểm soát nghiêm về thị trường thuốc BVTV, đồng thời kiểm tra giám sát các doanh nghiệp chế biến chè thực hiện đúng quy định pháp luật nhằm phát triển bền vững ngành chè
Việt Nam.

Vậy, phương án, giải pháp nào sẽ tháo gỡ những bất cập trên?, giúp cây chè thực sự có hiệu quả, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam Nguyễn Hữu Tài cho rằng, một trong những nguyên nhân làm chất lượng chè Việt Nam giảm sút là do phá vỡ khâu liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất chè, đặc biệt từ sau năm 2005.

Bên cạnh đó, sự lãng phí trong công đoạn sản xuất chè tại các nhà máy cũng là nguyên nhân làm giảm tính kinh tế của chè. Bởi vậy, trong thời gian tới việc cân đối về vùng nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất là điều cần thiết. Ngoài ra, cần có hợp đồng sản xuất mang tính pháp lý giữa các hộ nông dân và nhà máy thu mua.

Nhận định việc sử dụng thuốc BVTV trong nông nghiệp ảnh hưởng lớn đến chất lượng chè, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV cho rằng, Bộ NN- PTNT cần có các biện pháp mạnh hơn nữa trong việc tăng cường tuyên truyền, tập huấn về kỹ thuật sử dụng thuốc cho người nông dân. Trong đó, cần chú ý đến việc ban hành các văn bản tổng hợp quy định của pháp luật trong sử dụng thuốc BVTV cho nông dân, cán bộ địa phương.

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Duy Hùng, Cty CP Chè Mỹ Lâm cho rằng, nhằm nâng cao giá trị chè Việt Nam, điều cần thiết là cam kết được đầu ra cho nông dân nhằm giải quyết bài toán thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, cần chú trọng tới các mô hình bón phân cho chè theo chẩn đoán dinh dưỡng, cải tạo đất chè, tìm ra các chế tài xử phạt hợp lý trong từng quy trình sản xuất, chế biến.

Trước đề xuất của đại diện của Tập đoàn Unilever cần thành lập Ban điều phối ngành chè, Bộ trưởng Cao Đức Phát đồng ý và yêu cầu Cục Trồng trọt trong tháng 5 phải trình bộ. Bộ trưởng cũng khẳng định, trong thời gian tới sẽ tiến hành triển khai sớm công tác thành lập Ban Chỉ đạo phát triển chè, đồng thời rà soát lại các loại thuốc BVTV kém hiệu quả, bổ sung những loại thuốc mới an toàn, nhằm tạo điều kiện gắn kết sản xuất chè theo chuỗi giá trị.

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.