| Hotline: 0983.970.780

Chuẩn bị vụ lúa trên nền đất nuôi tôm

Thứ Ba 17/09/2013 , 10:31 (GMT+7)

Ngành nông nghiệp Kiên Giang khuyến cáo nông dân cần xả bỏ nước mặn, tận dụng nguồn nước mưa để rửa mặn cho đất, chuẩn bị gieo sạ lại vụ lúa để SX bền vững.

Theo lịch thời vụ, thời gian thả nuôi tôm quảng canh mô hình tôm lúa đã kết thúc, ngành nông nghiệp Kiên Giang khuyến cáo nông dân cần xả bỏ nước mặn, tận dụng nguồn nước mưa để rửa mặn cho đất, chuẩn bị gieo sạ lại vụ lúa để SX bền vững.

Không chạy theo con tôm

Mô hình tôm - lúa (1 vụ tôm, 1 vụ lúa) được các nhà khoa học đánh giá là bền vững đối với vùng ven biển, đặc biệt là thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực tế qua hơn 10 năm chuyển đổi từ độc canh cay lúa sang mô hình tôm lúa, đời sống kinh tế người dân các huyện vùng U Minh Thượng (Kiên Giang) đã được nâng lên rõ rệt.

Ông Nguyễn Vân Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Kiên Giang cho biết, vụ tôm nước lợ 2013, toàn vùng U Minh Thượng thả nuôi được 78.615 ha, sản lượng thu hoạch đạt 15.750 tấn, địa phương có diện tích thả nuôi nhiều là huyện An Minh gần 41.000 ha, Vĩnh Thuận trên 20.000 ha…

Năm nay, người nuôi tôm gặp không ít khó khăn do thời tiết diễn biến phức tạp, những cơn mưa lớn trái mùa thường xảy ra, kết hợp với nắng nóng kéo dài làm cho môi trường nuôi biến động mạnh, gây thiệt hại nhiều diện tích nuôi tôm trong vùng. Tuy nhiên, khi môi trường ổn định trở lại, nông dân khắc phục thả nuôi tiếp, nhiều hộ vẫn đạt năng suất cao.

Ông Nguyễn Việt Triều ở xã Thuận Yên, U Minh Thượng so sánh: “Gia đình tui có 5 ha đất, trước đây làm lúa năm nào lãi cao nhất cũng chỉ hơn 20 triệu đồng/ha. Hơn 10 năm nay, tui chuyển qua làm mô hình tôm lúa, vụ tôm trung bình thu hoạch được 200 kg/ha, trừ chi phí còn lãi gần 20 triệu đồng. sau đó trồng lại vụ lúa, lại khoảng 15 triệu đồng/ha. Như vậy, mô hình tôm lúa lãi gần gấp đôi so với trước”.


Sau vụ tôm, nông dân cần xả bỏ nước mặn, tận dụng nước mưa để rửa mặn cho đất, cấy lại vụ lúa

Tương tự, hộ ông Huỳnh Văn Hòa ở ấp Thuồng Luồng, xã Thuận Hòa, An Minh, có 3 ha đất làm theo mô hình tôm lúa, mỗi năm thu nhập từ 170 - 180 triệu đồng. Ông Hòa cho biết: “Nuôi tôm cũng có năm bị dịch bệnh xảy ra nhưng chưa bao giờ bị mất trắng, vụ tôm nào tệ lắm thì cũng lời 5 - 10 triệu đồng/ha. So với những năm lúa mất giá, lãi không thua kém”.

Tuy nhiên, chính vì con tôm mang lại lợi nhuận cao nên nông dân thường thả nuôi nối tiếp nhiều vụ/năm, không tuân thủ lịch thời vụ. Việc làm này đã mang đến hệ lụy là đất bị nhiễm mặn, không thể trồng lúa được. Hiện nay, một số vùng ven biển thuộc xã Vân Khánh (An Minh) đã bị nhiễm mặn không thể trồng lúa được.

Các nhà khoa học khuyến cáo, nông dân không nên chạy theo con tôm mà phải tuân thủ lịch thời vụ. Sau vụ tôm cần phải tập trung rửa mặn triệt để, cấy lại vụ lúa. Cây lúa sẽ hấp thụ các chất hữu cơ tồn dư từ vụ tôm, có tác dụng làm sạch môi trường. Ngược lại, sau vụ lúa, gốc rạ còn lại sẽ là nguồn dinh dưỡng cho các sinh vật phù du phát triển, tạo thức ăn cho tôm.

Thiết kế lại đồng ruộng

Để mô hình tôm lúa bền vững, các nhà khoa học khuyến cao nông dân nên dành ra 30% diện tích để làm đường mương nước quanh ruộng, ao lắng để xử lý nước trước khi thả nuôi tôm. Tuy nhiên phần lớn nông dân chưa thực hiện tốt điều này dẫn đến tôm nuôi dễ bị dịch bệnh. 


ThS. Nguyễn Thành Công, Phân viện phó Phân viện Nghiên cứu thủy sản Minh Hải (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II) cho biết: “Để đưa ra mô hình chuẩn cho nông dân thực hiện, Phân viện đang triển khai dự án “nghiên cứu nâng cao năng suất và hiệu quả mô hình luân canh tôm lúa vùng bán đảo Cà Mau” ở 3 tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Theo đó sẽ bắt đầu từ việc thiết kế lại đồng ruộng sao cho thật hợp lý”.

Bên cạnh 30% diện tích đường mương xung quanh, dự án còn tiến hành đào ao ở nơi cấp nước vào vuông. Ao này được thiết kế giống như ao nuôi tôm công nghiệp, có tác dụng lắng nước và là nơi vèo tôm giống trước khi ra ruộng nuôi. Tôm giống khi mua về sẽ được thả nuôi vào ao vèo khoảng 1 tháng, sau đó mới thả ra ruộng nuôi. Nhờ đó, giảm được tỷ lệ hao hụt.

Ngoài ra, người nuôi cũng có thể giữ lại một số tôm trong ao để nuôi theo hình thức bán công nghiệp nhằm tăng năng suất tôm. Vào mùa lúa, chiếc ao này có tác dụng giữ nước ngọt phòng trường hợp hạn mặn vào cuối vụ.

Ông Nguyễn Hữu Hoa, Trưởng phòng NN-PTNT An Biên cho biết, hiệu quả bước đầu từ những hộ tham gia dự án này cho thấy, năng suất tôm tăng lên đáng kể, có những hộ đạt 500 - 600 kg/ha. Tôm giống được vèo trước trong ao nên khi thả ra môi trường nuôi ít bị rủi ro.

Còn về vụ lúa, nếu có gặp nắng hạn vào cuối vụ thì cũng có nguồn nước dự phòng từ ao chứa để tưới lên, giảm nguy cơ bị chín háp do thiếu nước. Sau khi thành công, ngành nông nghiệp sẽ khuyến cáo nông dân nhân rộng mô hình này.

TS. Đỗ Minh Nhựt, PGĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, năng suất bình quân của mô hình tôm lúa hiện nay là 300 kg tôm và 4 -4,5 tấn lúa/ha/năm. Mục tiêu đặt ra là phải đạt 500 kg tôm và 5 tấn lúa/ha/năm. Để đạt được mục tiêu này, nông dân cần tuân thủ quy trình kỹ thuật cũng như lịch thời vụ theo khuyến cáo. Khi nuôi tôm cần chọn con giống có chất lượng, đã được kiểm dịch để thả nuôi.

Về lâu dài tỉnh sẽ cho xây dựng chợ tôm giống để quản lý tốt, tránh tình trạng tôm giống trôi nổi như hiện nay. Còn về giống lúa, sẽ tăng cường đầu tư nghiên cứu các giống có khả năng chịu mặn, năng suất cao để đưa vào SX, hướng tới xây dựng thương hiệu lúa gạo hữu cơ đặc sản cung cấp cho thị trường.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất