| Hotline: 0983.970.780

Chui rào đất lúa

Thứ Ba 30/07/2013 , 10:33 (GMT+7)

Chuyển đổi đất sản xuất lúa kém hiệu quả thành khu trang trại tập trung đem lại lợi ích kinh tế gấp cả chục lần, nhưng cũng chỉ vì vướng vào Nghị định 42 mà người dân, chính quyền vẫn cứ lo ngay ngáy.

Giữ đất lúa thì nghèo, nhưng chuyển đổi sang những mô hình kinh tế có hiệu quả hơn lại vi phạm Nghị định 42 về việc giữ 3,8 triệu ha đất lúa. Có nơi đất lúa như "vòng kim cô", là rào cản khiến cả người dân lẫn chính quyền địa phương rơi cảnh “vừa xếp hàng vừa hành quân”. Muốn chuyển đổi nhưng sợ vi phạm.

Mô hình ẩn!

Chuyển đổi đất sản xuất lúa kém hiệu quả thành khu trang trại tập trung đem lại lợi ích kinh tế gấp cả chục lần, nhưng cũng chỉ vì vướng vào Nghị định 42 mà người dân, chính quyền vẫn cứ lo ngay ngáy.

Tốt vẫn cứ phải che

Độ dăm năm trước, vùng ruộng ở gần gò Đức Bà thuộc quỹ đất 5% của xã Văn Hải, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình là vùng trũng. Ruộng sâu, đất xấu, xa khu dân cư, năng suất lúa chỉ tầm 80kg/sào. Làm lúa vất vả, khổ cực thành cả một giai thoại. Sở dĩ người dân địa phương gọi tên gò Đức Bà vì nhiều lần họ muốn bỏ ruộng hoang không làm nữa nhưng Đức Bà nhiều lần hiện lên động viên nên lại tiếp tục làm.

Cũng một dạo, ngành nông nghiệp muốn xây dựng khu ruộng này thành mô hình Cánh đồng 50 triệu. Nhưng đất trũng, năng suất thấp, sản xuất kiểu gì cũng chịu. Vậy mà bây giờ, đó là khu trang trại tập trung của 11 hộ gia đình làm kinh tế nông nghiệp giàu nhất xã. Người nhiều đất thành tỷ phú, người hòm hòm cũng triệu phú, vừa phát triển vừa giải quyết công ăn việc làm cho dân địa phương.

Một cuộc cách mạng chẳng khác nào cổ tích. Chỉ có điều, thành tích của họ, sự giàu có của họ phải chịu cảnh “áo gấm đi đêm”. Thay đổi một vùng đất, nhưng 11 hộ dân làm trang trại vẫn mang tiếng là làm chui, làm trộm. Giàu có thật đấy, nhưng mà nơm nớp, âu lo vì cái “tội” làm biến dạng đất lúa của xã.

Cả Bí thư lẫn Chủ tịch xã Văn Hải, bà Phạm Thị Nguyệt và ông Trần Như Chương đều thẳng thắn thừa nhận rằng: Nếu chiếu trên bản đồ thì 11,4 ha này vẫn còn thuộc diện đất lúa, nhưng thực tế là người dân đã chuyển thành ao hồ, trang trại hết rồi. Đằng sằng ra là vi phạm Nghị định 42 về việc giữ đất lúa thật đấy, nhưng thực tế hiệu quả kinh tế quá rõ ràng. Trồng lúa mãi nghèo thì phải để người dân chuyển đổi thôi.



Trang trại ông Hoàng Văn Hợi mỗi năm lãi ròng 300 triệu đồng

Công cuộc chuyển đổi ở Văn Hải gây khá nhiều tranh cãi. Họp lên họp xuống, thậm chí, Bí thư Đảng ủy tiền nhiệm còn phải đứng ra cam kết sẽ chịu hết trách nhiệm thì tập thể lãnh đạo xã mới thống nhất để cho các hộ dân làm trang trại tập trung.

Một hai năm đầu, mô hình càng thành công lãnh đạo xã càng lo ngay ngáy. Họp lên họp xuống để tìm cách hợp thức hóa diện tích đất lúa đã bị biến dạng thành đất trang trại, ao hồ nhưng không tìm được thời cơ thích hợp. Hồ sơ, báo cáo tổng kết các mô hình được lãnh đạo xã chuẩn bị kỹ lưỡng trình lên Phòng NN-PTNT phê chuẩn. Phòng duyệt, ủng hộ ghê gớm lắm, nhưng đến khi trình sang UBND huyện thì lại vướng, không được chuyển do không nằm trong quy hoạch.

Những lãnh đạo xã như bà Nguyệt, ông Chương lại tiếp tục lo. Một mặt phấn khởi vì mô hình thành công, một mặt phải đề ra cam kết, thậm chí là bắt những hộ dân làm trang trại phải đóng một khoản tiền 500 ngàn/sào, lập thành quỹ tín dụng. Tiền ấy, lỡ cấp trên có bắt trả lại đất lúa thì dùng vào việc san ủi, phá bỏ diện tích ao hồ, trang trại. Mỗi vụ, các hộ đóng từ 30-40kg thóc tiền đấu thầu.

8 năm trời âm thầm chuyển đổi, âm thầm phát triển, cánh đồng lúa nghèo nàn trước đây biến thành đất vàng. Chỉ mới vừa rồi thôi, một đoàn công tác từ tỉnh xuống Văn Hải, có vị lãnh đạo hỏi bà Nguyệt và ông Chương là Văn Hải có mô hình gì không?

Địa phương thành thật: Chúng em có mô hình trang trại tổng hợp, nhưng nói thật với đoàn công tác là cả chính quyền lẫn người dân đang phải làm chui, không dám tuyên dương. Rồi cả đoàn đi khảo sát mô hình, thấy tốt quá, hiệu quả quá, ai cũng mừng. Nhưng mừng rồi lại lo. Hiệu quả đấy, nhưng vẫn cứ vi phạm Nghị định của Chính phủ, vượt ngoài tầm xử lý của địa phương.

Khu ruộng chuyển đổi bây giờ là trang trại của 11 hộ dân. Xã Văn Hải lập hẳn một bảng thống kê đầu tư và lợi nhuận của các hộ làm mô hình. Ở cột ghi tổng số tiền lãi ròng sau khi trừ chi phí là 1.421 triệu đồng. Tức bình quân mỗi hộ lãi từ 120-140 triệu đồng/năm.

Hầu hết các hộ gia đình sau khi chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả đều thực hiện mô hình trang trại VAC. Ví dụ như gia đình ông Mai Văn Miên. Đàn lợn thường xuyên có mặt trong chuồng từ 40-50 con, mỗi năm bán khoảng 9 tấn, thu nhập 350 triệu đồng. Đàn vịt đẻ 1.300 con, một ngày đẻ 1.260 quả trứng. Nhập giá 2,5 ngàn đồng/quả, một năm thu 1.116 triệu đồng. Sản lượng cá các loại bán ra thị trường một năm chừng 6 tấn, bán 120 triệu đồng. Đơn giản như các loại rau, bầu bí, dưa chuột, cà chua cũng thu khoảng 20 triệu đồng.

Trừ tất tần tật chi phí, mỗi năm gia đình ông Miên lãi gần 200 triệu đồng. Trang trại ông Miên rộng 18.000m2. Thuở đấu ruộng của xã trồng lúa, mỗi sào thu về 80kg thóc, chưa trừ chi phí cũng chỉ có 400 ngàn đồng.

“Hiệu quả kinh tế quá rõ ràng. Nếu bắt người dân trồng lúa với năng suất có 80kg/sào thì chẳng ai chịu làm. Đây lại diện tích ruộng 5%, nếu trồng lúa thì người ta đấu thầu làm gì. Họ sẽ bảo là mấy ông cán bộ có giỏi ra đó mà cấy. Bây giờ, khi khu trang trại hoành tráng thế này rồi, mỗi lần có rục rịch kiểm tra thì những hộ dân chắp tay lạy như tế sao. Các bác làm sao cho chúng em làm chứ thu về làm lúa chỉ có nước chết”, Bí thư Đảng ủy xã Văn Hải, bà Phạm Thị Nguyệt nói.

Làm thế nào để giải oan?

Hiệu quả của công cuộc chuyển đổi 11,34 ha đã rõ ràng, nhưng đến thời điểm này, từ lãnh đạo xã Văn Hải và các hộ dân vẫn còn đang loay hoay, mâu thuẫn từ trong suy nghĩ cho đến hành động.

Bí thư Nguyệt, Chủ tịch Chương lo lắng, sợ rằng khi điển hình kinh tế của xã bị phát hiện, cấp trên sẽ xử lý thế nào? Vai trò của lãnh đạo xã, lãnh đạo huyện ở đâu mà lại để các hộ dân làm biến dạng đất lúa? Liệu có phải thực hiện phương án thứ hai là quay về đất lúa hay không?

Bản thân những hộ trực tiếp làm trang trại cũng chỉ dám đầu tư nửa vời. Vừa sản xuất vừa sợ mai này ao cá, vườn cây, khu chăn nuôi sẽ vị san phẳng, trả lại mặt bằng cho đất lúa.

Khu trang trại của gia đình ông Hoàng Văn Hợi nhìn khá bề thế, nuôi trồng đủ loại. Ao cá, chuồng lợn, dê, bò… 3 ha đất lúa vốn chỉ đủ gạo ăn, bây giờ mỗi năm gia đình ông lãi ròng 300 triệu. Con số này được lãnh đạo xã, lãnh đạo huyện xác nhận.

Vậy mà ông Hợi khẳng định rằng đó chưa phải là giá trị thực của mảnh đất gia đình ông đang sản xuất: “Chúng tôi chưa được yên tâm để đầu tư, chuồng trại, nhà cửa trông coi còn tạm bợ. Nếu được đầu tư lâu dài, tập trung vào sản xuất, cảnh quan, chống ô nhiễm, phong dịch bệnh thì ít nhất sẽ lãi gấp đôi. Tức mỗi ha sẽ lãi từ 250-300 triệu đồng”.

Trước năm 2005, thời điểm chưa chuyển đổi, gia đình ông Hợi cũng chịu khó chăm bẵm ruộng đồng, mạnh dạn đầu tư cây lúa, nhưng không hiệu quả. Mất mùa liên tục, ban đầu gia đình ông chỉ xin vượt lên để nuôi cá. Biến ruộng thành ao nhưng cũng chỉ dám làm ao nổi. Be bờ, bơm nước vào chứ chẳng dám đào. Trên trồng cỏ, các loại cây ngắn ngày, chăn nuôi. Dưới thả cả, nuôi vịt.

Những nông dân như ông Hợi không muốn so sánh hiệu quả kinh tế sau khi chuyển đổi với trồng lúa ngày xưa. Đơn giản là vì một sào ruộng, bét nhất là trồng mía hồng quân cũng thu 2.500 cây, nhân với giá 6 ngàn/cây cũng lãi hơn 20 triệu đồng rồi. Điều mà họ hi vọng chính quyền, nhà nước có cơ chế linh động trong việc giữ và chuyển đổi đất lúa.

Họ tính, nếu được hợp thức hóa, được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi thì mỗi ha đất lúa sau chuyển đổi sẽ lãi vài trăm triệu. Thực tiễn cũng chứng minh, 8 năm trời chuyển đổi, 11 hộ dân làm trang trại chỉ tính lãi ít, lãi nhiều chứ chưa bao giờ thất bại. Chủ tịch xã Văn Hải Trần Như Chương cũng rất khí thế: “Nguyện vọng chuyển đổi của dân thì nhiều lắm. Bài toán kinh tế đã rõ ràng quá rồi. Bây giờ chỉ cần có chủ trương thôi thì dân nộp đơn tăm tắp”.

Công lao, nguyện vọng của những hộ dân làm trang trại chui ở Văn Hải có thể sẽ được nhìn nhận khi tỉnh Ninh Bình có chủ trương quy hoạch 24 ha trang trại tập trung điểm ở xã này. Theo kế hoạch, từ đây đến 2020, tỉnh Ninh Bình được phép chuyển đổi 4.000 ha đất lúa.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.