| Hotline: 0983.970.780

Chùm ngây trên đất Thái Nguyên

Thứ Năm 11/06/2015 , 06:12 (GMT+7)

Chùm ngây rất dễ trồng, không kén đất, có thể trồng từ hạt, hom cành, hom củ và trồng được quanh năm. 

KS Vũ Trung Thành, Trung tâm Thực hành thực nghiệm (ĐH Nông lâm Thái Nguyên), đơn vị triển khai dự án cho hay, cuối năm 2014 đã tiến hành trồng thử nghiệm 2 ha chùm ngây phường Lương Châu (thị xã Sông Công); các xã Hóa Trung, Hóa Thượng (huyện Đồng Hỷ).

Các hộ tham gia dự án “Ứng dụng KHCN xây dựng mô hình trồng cây chùm ngây có giá trị kinh tế cao tại tỉnh Thái Nguyên”  được hỗ trợ 60% giá giống, 40% giá trị phân bón, được tập huấn quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản…

Chúng tôi cùng cán bộ kỹ thuật Trung tâm Thực hành thực nghiệm đến thăm mô hình trồng chùm ngây của gia đình anh Hà Duy Văn, tổ 6, phường Lương Châu. Giữa cái nắng hè như đổ lửa, lạc vào vườn chùm ngây 6 tháng tuổi xanh non mướt mắt không khí bắt đầu dịu xuống.

Nhờ trồng chùm ngây gia đình anh Văn đã có thêm nguồn thu nhập đáng kể và điều quan trọng hơn cả là nguồn thức ăn “tự cung tự cấp” giàu dưỡng chất mà an toàn.

Anh Văn chia sẻ, được sự hỗ trợ của trung tâm gia đình anh trồng 1 ha chùm ngây. Đây là loại cây chịu hạn tốt và rất dễ trồng, không phải bón phân hay chăm sóc nhiều. Tỷ lệ cây sống rất cao, trên 90%.

Đôi ba ngày thì tưới nước và khoảng 2 tuần làm cỏ 1 lần. Loại cây này trồng 2 tháng là có thể thu hoạch lá. 1 cây có độ tuổi từ 6 tháng đến 1 năm cho thu hoạch 0,5 - 1 kg lá. Sau 1,5 - 2 tháng từ khi trồng, cây bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên được 50 kg rau.

Cây sinh trưởng và phát triển tốt, chưa phát hiện bất kỳ một loại sâu bệnh nào. Sản lượng lá tươi trung bình 1 năm từ 800 - 1.000 kg/sào (360 m2), giá bán hiện tại tại các siêu thị là từ 80 - 100 nghìn đ/kg, trừ chi phí cho thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng. Như vậy, nếu tính trên diện tích 1 ha, chùm ngây sẽ cho sản lượng trung bình từ 22 - 27 tấn/năm, giá trị ước đạt từ 1,5 - 1,9 tỷ đồng.

Trên thế giới cây chùm ngây được trồng và sử dụng phổ biến ở gần 90 nước. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) đều đề cao cây chùm ngây.
Một số nguồn nghiên cứu cho biết, chùm ngây chứa hơn 90 chất dinh dưỡng tổng hợp, bao gồm 7 loại vitamin, 6 loại khoáng chất, 18 loại acid amin, 46 chất chống oxy hóa, liều lượng lớn các chất chống viêm nhiễm, các chất kháng sinh, kháng độc tố, các chất giúp ngăn ngừa và điều trị ung thư, u xơ tiền liệt tuyến, giúp ổn định huyết áp, hạ cholesterol, bảo vệ gan...

Hiện tại, thông qua Trung tâm Thực hành thực nghiệm, rau chùm ngây của anh Văn đã có trong thực đơn của nhà hàng Cây Xanh, nhà hàng Cá hồi Chợ Đồn và nhà hàng Dũng Minh ở TP Thái Nguyên. Nhu cầu rau chùm ngây tại thị trường Hà Nội là tương đối lớn.

"Mặt hàng này chủ yếu bán tại các siêu thị. Khoảng 3 tháng nữa, sản lượng thu hoạch của gia đình là khá lớn, tôi đang liên hệ với các siêu thị trên địa bàn TP Thái Nguyên và Hà Nội để đưa vào”, anh Văn nói.

TS Vũ Văn Thông, GĐ Trung tâm Thực hành thực nghiệm cho biết thêm, chùm ngây rất dễ trồng, không kén đất, có thể trồng từ hạt, hom cành, hom củ và trồng được quanh năm. Cây chuộng đất ráo nước, nhiều cát, chịu được hạn hán, ưa nắng và hầu như không bị sâu bệnh hại, do đó chăm sóc không cần điều kiện gì đặc biệt về phân bón và nước tưới.

Nếu trồng cây lấy lá thì nên trồng với mật độ 360 - 500 cây/sào (360 m2) và tốt nhất mỗi năm nên trồng lại 1 lần để đảm bảo năng suất. Nếu trồng lấy củ thì nên trồng với khoảng cách 3 m/cây, sau khoảng 18 tháng thì bắt đầu tỉa củ, trên 36 tháng thì thu hoạch và trồng lại.

Gỗ chùm ngây khá mềm, giòn nên thân cành dễ bị gãy trong mưa bão. Do đó nếu trồng cây để khai thác sử dụng, người trồng thường cắt ngọn khi đạt độ cao nhất định, vừa tiện thu hái; vừa kích thích cây đâm chồi, nảy cành và hạn chế thiệt hại do gãy đổ.

Hiện nay, ngoài triển khai mô hình trên địa bàn tỉnh, trung tâm còn SX và cung ứng giống chùm ngây cho các tỉnh Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh. Năm 2014, trung tâm cung ứng 1,5 vạn cây giống, từ đầu năm đến nay xuất trên 6.000 cây giống.

Xem thêm
Mang Yang là nơi rất tốt để phát triển đàn bò sữa

Khí hậu mát mẻ quanh năm, không khí trong lành, nguồn nước sạch…, là những điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển bò sữa ở Mang Yang, Gia Lai.

Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.