| Hotline: 0983.970.780

Chung Sơn khuất sau màn mưa: Chợt nghe câu hát… còn trinh

Thứ Ba 10/02/2015 , 06:15 (GMT+7)

Có một cách hát độc đáo đến mức người hát đứng cách xa nhau cả trăm mét vẫn đối đáp, giao duyên như khi sáp mặt. Có một cách hát giúp cho người con gái vẫn còn vẹn nguyên đến tận khi lấy chồng…/ Nơi củ sâm to bằng… củ sắn

Tránh làng bắt vạ

Sân điếm làng Hậu (xã Liên Chung, huyệnTân Yên, Bắc Giang) một ngày cuối đông, rét ngọt như mía lùi, mưa bụi lất phất bay. Sầu đông còn chưa bật nõn chân chó trơ những cành gầy guộc trên nền trời xám xịt.

Người đàn ông luống tuổi tay cầm một đoạn ống tre miệng bịt miếng da ếch khô giữa có nối với sợi dây dài dễ đến bảy tám chục thước. Cuối sợi dây lại là đoạn ống tre y hệt thế do một người đàn bà cầm.

Ông giơ đoạn ống tre lên ngang mồm hát. Tiếng hát mất hút như nước đổ vào hang chuột. Từ xa chỉ thấy sợi dây tơ khẽ rung lên. Kỳ lạ thay, khi người đàn bà ghé sát tai vào cái ống những âm thanh bổng trầm bỗng ào ào tuôn ra như dòng suối.

Lời rằng: “Anh đố nàng biết núi nào cao nhất quê ta/ Hội nào vui nhất huyện nhà hỡi em/ Thứ gì đặc sản núi Dành/ Món gì ngon đã nổi danh tên hàng/ Nếu mà giảng được rõ ràng/ Xin trao nhẫn nghĩa cho nàng làm tin”.

Nghe xong, bà chuyển đoạn ống xuống kề miệng mình đối đáp: “Chung Sơn cao nhất quê ta/ Hội Dành vui nhất huyện nhà đó anh/ Sâm Chung Sơn đặc sản núi Dành/ Nem chua nướng đã nổi danh tên hàng/ Lời em đã giảng rõ ràng/ Nợ tình tùy ở lòng chàng nghĩ suy”.

Người nam lại hát rằng: “Trăm năm tạc một chữ đồng/ Nhẫn trao kết mối tơ hồng từ đây”.

13-49-46_dsc_9294
Trang điểm trước khi vào cuộc hát

Tàn cuộc hát, tôi gặp ông Nguyễn Thế Sang và bà Nguyễn Thị Khéo. Dù đều đã ở vào cái tuổi con cháu đuề huề nhưng những câu hát xưa vẫn gợi nhắc trong họ nhớ về một thời thanh tân sạch trong và lành lẽ. Cái thời của áo tứ thân, khăn mỏ quạ, yếm lụa sồi, thắt lưng bao xanh. Chớp mắt phận người mà đã mịt mờ như muôn thủa.

Lệ xưa rằng con gái không chồng mà chửa làng bắt vạ một con lợn tạ, chục đôi gà to, trăm lít rượu gạo rồi toàn thể gái trai, già trẻ lớn bé ra đình mà ăn khoán. Người ăn khoán mặt mày phủ phê, nói cười hể hả còn nhà phải chịu khoán dù có mang rổ che cũng không để đâu cho hết nhục.

“Nam nữ thụ thụ bất thân” là câu răn đời. Hát ví ống hình thành trong hoàn cảnh đó để phục vụ cho mục đích trai gái tìm hiểu nhau theo kiểu… từ xa, sạch trong cho đến tận khi động phòng.

Cũng thật tình cờ, làng Hậu có nhiều ngõ rất dài, rất thẳng tiện cho việc hát ví. Có những cặp ống đã trở thành giai thoại ở làng.

 Đôi ống thứ nhất kéo từ đầu điếm lên ngõ Xá hoặc ngõ Gạo do ông Bát bà Nhài làm chủ. Đôi ống thứ hai căng thẳng ngõ Hàng do ông Thẩn bà Liễn cầm trịch. Đôi ống thứ ba giăng dọc ngõ Rạnh do ông Huynh làm thủ lĩnh. Hễ nông nhàn là trai gái trong làng lại chia thành hai phường rộn ràng ca hát.

Ống để hát ví thường do cánh đàn ông cất giữ. Nó chỉ là một đoạn tre khô một đầu rỗng một đầu kín. Tre không cần to lắm vừa tay người cầm là đủ. Tìm được tre, người ta sẽ đi săn ếch lột da để bịt vào miệng ống rồi đem phơi vài tiếng ngoài nắng nhẹ là tấm da sẽ bám chặt vào miệng ống không cần đến bất cứ loại keo hay đinh tán nào.

Lấy đũa gõ thử, miệng ống kêu boong boong là đạt yêu cầu cho một công cụ vừa truyền âm vừa khuếch đại tiếng. Một sợi tơ được luồn ngay vào mặt da với “tim” là cái kim khâu để cố định vị trí. Thế là đã xong bộ đồ nghề để sẵn sàng cho việc hát ví ống.

13-49-46_dsc_9306
13-49-46_dsc09755_3
Một buổi hát ví ống

“Mùa xuân trẩy hội đền Dành/ Gặp nhau xa lạ trở thành thân quen/ Hội Dành mười chín tháng Giêng/ Tiếng đồn nức nở, linh thiêng khắp vùng/ Nhiều cô đến khấn được chồng/ Nhiều chị đến khấn được hồng trên tay”. Câu ví vấn víu như tơ vương càng ngẫm càng thấy buồn. Ngoài kia sân điếm mưa bụi vẫn bay giăng mắc khắp các ngõ ống.

Trong hát ví ống điều quan trọng nhất là sợi dây tơ phải được kéo thẳng không vướng vào bất cứ thứ gì để tín hiệu truyền đi vẹn nguyên nhất. Dây không được quá căng bởi dễ gây rách da ếch mà cũng không được quá chùng bởi sẽ làm cho tiếng bí, không thoát nên lời.

Tre già mà măng không chịu mọc

Thời thuộc Pháp, hát ống, hát ví rất phát triển. Tương truyền Cả Trọng (Hoàng Đức Trọng) con trai của Hoàng Hoa Thám - con hùm xám Yên Thế cũng là một tay hát ví, hát ống cừ khôi. Có những canh hát kéo dài suốt cả một ngày trời mà người tham gia vẫn còn sung sức như thường.

Hát ví tự do không hề có nhịp phách như ả đào. Hát ví khác với quan họ bởi không có nỗi day dứt cho một mối tình duyên không thành liền anh liền chị mà nó rất cởi mở, lạc quan. Nhiều người nhờ ví mà nên vợ nên chồng rồi lại ru con bằng những chính những làn điệu ngày nào từng làm say lòng bố mẹ.

Hát ví và hát ví ống nội dung giống nhau, còn hình thức một bên là trực tiếp giáp mặt một bên là cách xa thông qua cái ống truyền thanh. Bom đạn chiến tranh rồi thời bao cấp lầm lạc khiến cho ví ống chìm đắm tưởng chừng đi vào cõi hư vô.

Ông Nguyễn Văn Đài đã cất công sưu tầm các bài hát ví ống bởi cơm gạo làng Hậu nuôi lớn thân xác ông còn ví ống làng Hậu nuôi dưỡng tâm hồn ông. Chúng không thể mất được. Những câu ví đi ra từ tâm can, huyết mạch ông để truyền lửa cho đời. Đến nay Câu lạc bộ hát ví, hát ống của làng Hậu đã có 32 hội viên.

13-49-46_dsc_9316
Ống hát

Thời buổi điện thoại di động rất sẵn, làm nông nhưng nhà nào cũng có vài ba chiếc. Mấy ông rủ nhau đi uống rượu điện thoại đã đành, mấy bà rủ nhau đi mò cua bắt ốc ngoài đồng cũng a lô, a lố.

Có người trong làng còn thử hát ví… qua thứ phương tiện không dây, không ống này. Những âm thanh rung lên nhờ sắt thép, nam châm nghe rất chua chứ không được ngọt ngào như rung lên bằng tấm da ếch và sợi tơ kiểu truyền thống.

Ấy là cánh già tự nhủ với nhau như thế, còn giới trẻ ngày nay mấy ai nặng lòng với lối hát của cha ông chúng nữa đâu?

Người trẻ nhất trong Câu lạc bộ hát ví, hát ống làng Hậu năm nay cũng ngót nghét 40 còn già nhất đã 75 tuổi. Mắt mờ, răng rụng, tóc pha sương cả, đã đôi lần nghĩ đến chuyện “tre già măng mọc” người ta mới mời vài học sinh hay thanh niên trong làng vào câu lạc bộ để dạy ví.

Nhưng chỉ được buổi trước, buổi sau là chúng lắc đầu quầy quậy: “Hát gì mà cứ lầm bầm, ẩm ờ trong miệng giống như các cụ lên chùa? Chúng cháu là xin kiếu”.

Hơn mười năm phục dựng hát ví ống, mùa hội nào người ta vẫn thấy những gương mặt ấy, mỗi năm một già đi, vẫn nghe những giọng hát ấy, mỗi năm thêm một yếu. Chẳng lẽ phải bỏ tiền ra để cho bọn trẻ bây giờ chịu hát ví ống hay lồng nhạc sống vào để chúng vừa hát vừa nhảy xập xình?

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất