| Hotline: 0983.970.780

Chúng ta cứ hay long trọng hoá cả những trò chỉ để mua vui

Thứ Ba 03/08/2010 , 10:30 (GMT+7)

May cho Hội Nhà văn là mỗi năm xin được một ít tiền để chia nhau! Lúc chia nhau thì vui như Tết, ai chả thế. Hồi bé tôi từng đi chia thịt Tết nên tôi không thấy điều đó là lạ...

Ký họa chân dung nhà văn Tạ Duy Anh.
Ngày 4/8, Đại hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII diễn ra tại Hà Nội. Nhân sự kiện này, NNVN đã có cuộc phỏng vấn nhà văn Tạ Duy Anh xung quanh vai trò của nhà văn với thời cuộc.

Thưa nhà văn Tạ Duy Anh, ông đánh giá thế nào về vai trò của các nhà văn hiện nay với thời cuộc? Nhiều người cho rằng, nhà văn đang xa rời với số phận của người nông dân, mà chạy theo vuốt ve thành thị?

Xét về mặt truyền thống văn hoá thì ngay cả khi văn chương rẻ như bèo hiện nay, danh hiệu nhà văn vẫn khá là thiêng liêng trong tình cảm chung của xã hội. Nhà văn vẫn được kính trọng ở bất cứ đâu anh ta xuất hiện. Nhưng đó là do anh ta đang thừa hưởng nốt những thứ của “hồi môn” mà các lớp nhà văn trước chưa dùng hết. Bởi vì chưa khi nào nhà văn của chúng ta xứng đáng bị coi thường như hiện nay. Bạn chỉ cần mỗi tháng dạo qua những nơi được coi là những tụ điểm văn chương vài lần, bạn sẽ thấy ngay điều đó; bạn chỉ cần xem những cuộc tranh cãi, kiện tụng, gian lận danh tiếng, chạy chọt giải thưởng, chạy chọt để được vào Hội Nhà văn,…bạn sẽ thấy ngay điều đó; nếu bạn biết đủ thứ chuyện đằng sau những cuộc đi thăm quan nước ngoài, nhận tài trợ sáng tác, xét duyệt giải thưởng các loại…bạn thậm chí còn không thể hiểu nổi thực sự làm nhà văn khác với làm con buôn ở chỗ nào?

Với một nhân cách như thế thì làm sao đóng vai trò gì được với thời cuộc? Vì thế nếu có làm được điều gì đó thì chỉ là những cá nhân đơn lẻ. Nghĩa là câu hỏi của bạn cần phải gắn với những cái tên cụ thể, chẳng hạn bạn hỏi tôi về Nguyễn Huy Thiệp, về Bảo Ninh, Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê, Nguyễn Bình Phương hay Y Ban… thì tôi mới trả lời được.

Nhà văn chưa thể hiện hết vai trò của mình đối với thời cuộc, vậy theo ông đó là do tài năng của người viết hay vấn đề gì khác?

Ngoài những gì tôi đã trả lời ở trên, công bằng thì cũng còn do chính thời cuộc nữa. Thời cuộc không định tạo ra những phát ngôn tinh thần của mình. Nhiều nhà văn đương đại tài năng hơn (hoặc không kém), có tác phẩm xuất sắc không kém, thậm chí về phương diện nghệ thuật còn có phần hơn nhiều nhà văn lớp trước, nhưng họ có nằm mơ cũng không có được vị thế của những tiền bối đồng nghiệp. Bởi vì thời cuộc đã chuyển sang mải mê với việc tạo ra thứ khác.

Thời gian gần đây, một số nhà văn, nhà thơ lớp trước, đã đạt được một số thành tựu, tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa nhưng khi cuối đời, họ công bố những “sự thật” (tất nhiên chỉ lưu truyền qua internet), gần như phủ nhận những điều mình đã viết ra. Điều này gây hoang mang cho bạn đọc. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Họ - những nhà văn ấy đã thành thật với mình, với bạn đọc, với thời cuộc chưa?

Độc giả hoang mang là có thật. Nhưng đó chỉ là chuyện trước sau cũng phải xảy ra, và là chuyện đáng mừng. Mấy chục năm qua, từ thế hệ của tôi cho đến những lớp trẻ hơn, chúng tôi luôn thắc mắc tác phẩm mình phải học nó hay và nó có giá trị ở chỗ nào nhỉ? Hàng triệu học sinh sẽ còn tiếp tục thắc mắc về điều đó, về khá nhiều tác phẩm đang được dạy trong nhà trường. Chúng tôi và các bạn thế hệ sau có biết đâu chúng bị “bắt” phải hay, phải có giá trị. Vì chúng hợp và tiện cho việc tuyên truyền. Tôi chờ xem sau Nguyễn Khải có ai tiếp tục dũng cảm như ông nữa không. Chính những sự thành thật ấy lại cho tôi vẫn cứ hy vọng vào cái nghề và một số đồng nghiệp của mình.

Chúng tôi thấy thế này, nhiều người viết xin vào Hội Nhà văn, ban đầu thì rất tha thiết. Nhưng khi vào được rồi thì dường như bỏ quên Hội. Nhưng khi sắp Đại hội thì “mắng mỏ”, trách cứ Hội, có ý kiến rất nặng nề. Hội là của chung, nếu Hội yếu kém thì hội viên cũng phải có trách nhiệm; bởi chính họ bầu ra BCH. Hình như, nhiều nhà văn tự cho mình có cái quyền hay cái tật là cứ mở lời là la, mắng? Điều này, có phải là cũng thiếu trách nhiệm với Hội và chính họ hay không, thưa nhà văn Tạ Duy Anh?

Hội Nhà văn - như bất cứ hội nghề nghiệp nào, chỉ đóng được vai trò vui chơi giải trí cho Hội viên thôi. Là nơi giao lưu, kết bạn, chia sẻ, khoe tác phẩm hoặc khá hơn là giúp nhau vượt qua những lúc bĩ về cả vật chất lẫn tinh thần. Khá hơn là cho mỗi người một bài điếu văn khi chết để họ có cơ hội được biết đến. May cho Hội Nhà văn là mỗi năm xin được một ít tiền để chia nhau! Lúc chia nhau thì vui như Tết, ai chả thế. Hồi bé tôi từng đi chia thịt Tết nên tôi không thấy điều đó là lạ. Đôi khi chỉ hơn được một nửa cái tai cũng cứ rạo rực cả ngày! Người được chia thì vui như đi hội. Còn khi không có gì chia và với người không được chia thì cãi nhau, kiện nhau, bôi xấu nhau… Cũng không nên coi đó là chuyện lạ.

Ở đâu có yếu tố bổng lộc, có hơi tiền thì không thể không xảy ra những chuyện như bạn vừa liệt kê. Và chúng ta cũng nên coi đó là những chuyện bình thường. Vì bạn tưởng cái danh hiệu Hội viên Hội nhà văn nó ghê gớm và vì bạn hy vọng nhà văn vào Hội để viết hay hơn nên mới bức xúc như vậy?

Xin được hỏi câu cuối, nghe nói kỳ Đại hội trước, dù được mời ông cũng không tham gia, mọi hoạt động của Hội ông không quan tâm, tiền tài trợ sáng tác - nguyên nhân của nhiều cuộc kiện tụng - ông không nhận, rồi ngay cả Hội mời ông đi nước ngoài ông cũng không đi… Vậy ông có định tham gia Đại hội sắp tới và nếu tham gia thì ông kì vọng gì ở Đại hội lần này?

Khi nghe tin Đại hội tiến hành ở Cung văn hoá Hữu Nghị, tôi nghĩ là mình sẽ tham gia. Nhưng nay chuyển địa điểm đến nơi mới thì có thể nói 90% là tôi không dự. Kể cả dự hay không dự thì tôi cũng không kỳ vọng bất cứ điều gì ở Đại hội. Chúng ta cứ hay long trọng hoá cả những trò vốn chỉ sinh ra để mua vui, nên mới cứ căng thẳng thế.

Xin cảm ơn nhà văn!

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất