| Hotline: 0983.970.780

Chúng ta sẽ phải trả giá đắt

Thứ Ba 06/03/2012 , 10:29 (GMT+7)

Trong số 28.000ha đất của 650 cụm công nghiệp chỉ được sử dụng 10.000 ha, còn lại 18.000 hecta bỏ hoang.

Trong số 28.000ha đất của 650 cụm công nghiệp chỉ được sử dụng 10.000 ha, còn lại 18.000 hecta bỏ hoang. Bình quân năng suất 5,5 tấn/ha/vụ, bỏ hóa sản xuất 18. 000 ha thì chúng ta lãng phí 18.000 tấn lúa một năm, một con số kinh hoàng.

Lãng phí rất lớn

Cần khẳng định, lãng phí từ thực trạng các dự án của KCN thu hồi đất sản xuất rồi bỏ hoang là rất lớn. Bởi diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi làm công nghiệp thường là những khu vực được các nhà đầu tư chọn lọc trước khi trình đề án.Đó là nơi có đường sá thuận tiện để tập kết và vận chuyển hàng hóa. Và những vùng đất như thế thường rơi vào những khu vực có diện tích phát triển nông nghiệp thuận lợi nhất. Đáng tiếc, những thửa ruộng mà từ đời này qua đời khác, người nông dân miệt mài cải tạo, qua thời gian dài trồng trọt và chăm bón, họ đã thuần hóa những vùng đất ấy trở thành phì nhiêu, màu mỡ, hay còn gọi là “bờ xôi ruộng mật”. Người ta cũng gọi dạng đất này là “nhất nhị đẳng điền”, trồng lúa hay hoa màu đều tốt cả. Thành ra, nếu thu hồi dạng đất này rồi bỏ hoang là sự lãng phí lớn nhất trong vấn đề thu hồi đất nông nghiệp.

Tôi lấy ví dụ, nếu trồng lúa năng suất bình quân 5,5 tấn/vụ/ha (2 vụ/năm) ở miền Bắc và 3 vụ/năm ở miền Nam, giá lúa bình quân 5.000 đ/kg thì mỗi ha đất nông nghiệp bị thu hồi làm KCN rồi bỏ hoang hàng năm ở miền Bắc sẽ lãng phí 22 tấn lúa, miền Nam 33 tấn. Đó là chưa kể thâm canh vụ màu. Chỉ riêng trồng su hào, cải bắp là những cây phổ biến dễ trồng thì bình quân năng suất 25 tấn/ha (su hào), với giá 10.000,0 đ/kg; và 35 tấn/ha (bắp cải) với giá: 4000 – 6000 đ/kg. Đó là một sự lãng phí cực lớn trong hoàn cảnh đất thu hồi làm KCN đang bỏ hoang trên diện rộng.

Ở một số địa phương, tốc độ suy giảm đất lúa diễn ra nhanh đến chóng mặt như: Hải Dương: 1.400ha/năm; Vĩnh Phúc: 1.200ha/năm; Hưng Yên: 1.000ha/năm; TP HCM: 2.700ha/năm, Tây Ninh: 3.100ha/năm, Cà Mau: 6.200ha/năm, Bạc Liêu: 5.400ha/năm, Sóc Trăng: 4.100ha/năm… Hiện nay chủ trương của Nhà nước là mặt dù có biến động về diện tích đất lúa (từ 4,2 triệu ha trong tổng diện tích đất tự nhiên khoảng trên 32,9 triệu ha) do phát triển đô thị, các công trình cầu đường hay các KCN nhưng phải giữ được diện tích lúa trong khoảng 3,8 triệu ha. Trong tình trạng đất chật người đông (1.225 ng/km2 đối với ĐBSH và ĐBSCL) như hiện nay thì nguyên tắc là phải sử dụng đất có hiệu quả chứ nhất quyết không được để lãng phí. Vậy mà, trong số 28.000ha đất của 650 cụm công nghiệp chỉ được sử dụng 10.000 ha, còn lại 18.000 hecta bỏ hoang. Bình quân năng suất 5,5 tấn/ha/vụ, bỏ hóa sản xuất 18. 000 ha thì chúng ta lãng phí 18.000 tấn lúa một năm, một con số kinh hoàng.

Đến nay cả nước có 267 KCN với tổng diện tích 72.000ha, tỉ lệ lấp đầy bình quân chỉ đạt gần 46%. Ngoài ra, cả nước còn 28.000ha đất của 650 cụm công nghiệp, diện tích đã cho thuê trên 10.000ha tỉ lệ lấp đầy bình quân đạt 44%. Mặc dù hiệu quả sử dụng thấp (46%) thì tại sao các địa phương vẫn tiếp thục quy hoạch KCN? Điều này phải nhìn nhận từ hai phía.

Thứ nhất là từ người dân và chính quyền địa phương đang sở hữu đất. Người nông dân được một khoản tiền đền bù mà từ xưa đến nay chưa bao giờ có. Được tuyên truyền rằng phát triển KCN sẽ kèm theo điều kiện sống phát triển, đời sống sẽ nâng lên nhờ vào việc đa dạng hóa công việc phục vụ KCN. Được hứa hẹn ưu tiên con em người dân vào làm trong các nhà máy, thoát khỏi công việc đồng áng lam lũ để trở thành công nhân làm công ăn lương… Còn với chính quyền địa phương thì được các chủ đầu tư hứa hẹn nâng lên một vị thế mới trong làm ăn kinh tế…

Thứ hai là từ phía chủ đầu tư. Mặc dù biết trong tương lai gần KCN có thể chưa khai thác có hiệu quả nhưng họ vẫn tiếp tục đệ trình xin lâp dự án quy hoạch đất là vì giá đề bù đất sản xuất hiện nay đang quá rẻ. Chỉ cần giữ được đất (trong vỏ bọc KCN) chờ qua một năm nếu có đối tác thì giao lại với giá hoàn toàn khác hoặc nếu chưa có đối tác mà nhượng lại cho chủ khác cũng đã “một vốn chục lần lãi” rồi. Bởi vì giá đất xây dựng các công trình của nước ta đã đắt, càng ngày càng đắt, trong khi giá đất sản xuất chuyển đổi thì đề bù không đáng bao nhiêu.

Phải trả giá đắt

Trong khi đó, nếu chúng đặt trong tình thế nếu KCN không thể hoạt động, diện tích đất ấy được trả lại làm đất nông nghiệp cho nông dân thì còn một quãng đường rất dài, nhất là sau khi diện tích ấy đã bị san lấp mất rồi. Vật liệu san lấp thường là phế thải xây dựng (gạch, đá) hoặc đất cát hay đất có thành phần cơ giới nặng mà bản thân nó nghèo hàm lượng dinh dưỡng. Muốn canh tác trở lại thì người nông dân phải mất rất nhiều công sức để cải tạo đất.

Quy trình cụ thể như sau: làm cỏ, nhặt đá sỏi (vật chất khó tan…) cày sâu lật đất, bón vôi (1-2 tấn/ha liên tục trong 3 năm để cải thiện độ chua pH của đất, đồng thời cải tạo tính chất đất và khử các bệnh ký sinh trong đất cho cây trồng. Bón phân hữu cơ 10-15 tấn/ha kết hợp bón phân vô cơ (lượng bón tùy thuộc vào đối tượng cây trồng) hàng năm. Đó là chưa kể đến hoàn cảnh đáng buồn là những năm đầu sẽ không thể thu được năng suất cao vì đất mới cải tạo chưa thục hóa. Đất ở các KCN đã san lấp thường có địa hình cao hơn mặt bằng trồng lúa ở diện tích chung quanh ít nhất là 0,5 đến 0-7 mét, thậm chí có nơi cao hơn mặt ruộng trong khu vực đến 1m.

Như vậy nếu thu hồi lại để trồng lúa là một việc khó làm, vì một phần phải cải tạo, mặt khác phải khoanh lô trữ nước và phải dẫn nước vào, đồng nghĩa với việc phải bơm nước cho riêng khu vực này. Đó là khó khăn quá lớn khi tái sử dụng đất KCN để trồng lúa. Nói như thế để thấy rằng diện tích đất được trả lại cho người nông dân thì họ vẫn có thể canh tác nhưng phải chấp nhận trả giá bằng rất nhiều năm sau.

(*): Tác giả hiện là Phó Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng nông hóa

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất