| Hotline: 0983.970.780

Chuỗi giá trị lúa gạo

Thứ Tư 24/11/2010 , 10:20 (GMT+7)

ĐBSCL sắp kết thúc các vụ lúa chính trong năm. Thêm một năm làm lúa vất vả đi qua, nông dân trúng mùa. Tuy nhiên, lại vẫn là niềm vui chưa trọn vẹn.

ĐBSCL sắp kết thúc các vụ lúa chính trong năm. Thêm một năm làm lúa vất vả đi qua, nông dân trúng mùa. Tuy nhiên, lại vẫn là niềm vui chưa trọn vẹn.

Thị trường lúa gạo trong nước còn biến đổi bất thường. Sau 21 năm từ khi Việt Nam tham gia XK gạo trở lại và vươn lên thành cường quốc mạnh về lúa gạo, nông dân vựa lúa đã chủ động khâu sản xuất và tạo được sản lượng hàng hóa lớn. Điệp khúc trúng mùa rớt giá, tồn đọng vẫn tái diễn trầm kha. Mỗi lần như vậy nông dân là đối tượng bị động nhất, thiệt thòi nhất trong chuỗi hoạt động SXKD và XK lúa gạo. Qua nhiều năm, một câu hỏi đặt ra: Vì sao lúa gạo VN vẫn chưa có được vị thế chủ động?

Giá cả bất thường

Bước qua đầu tháng 11/2010, mùa giáp hạt. Ở ĐBSCL lúa bắt đầu lên giá không ngừng và lập đỉnh cao nhất trong năm. Dân thương lái cầm điện thoại di động liên hồi gọi bạn hàng. Họ cho ghe rảo quanh vùng lúa thu đông vừa mới gặt. Anh Hiểu, dân chạy hàng lúa gạo cung ứng cho các DNXK gạo ở Thốt Nốt, Ô Môn (Cần Thơ) quay sang nói với tôi, giọng đăm chiêu: “Mấy DN báo giá gạo XK 5% đã vượt mức 475 USD/tấn khi Indonesia có hợp đồng mới. Khó khăn hiện thời là lúa vùng Ô Môn, Cờ Đỏ hay miệt đồng Hậu Giang dẫu còn cũng không nhiều. Tới lúc giá lên dữ quá, lúa xay gạo lứt giao hàng 7.800đ/kg, lúa thường mon men lên theo 5.600-5.800đ/kg tính ra lời quá meo. Hơn nữa gặp lúc gạo lên giá lúa lên theo như lúc này càng khó mua hơn một phần do nông dân đã bán lúa gần hết rồi, bán ngay từ khi mới gặt. Phần còn lại một số ít nhà ví bồ giữ lại, dẫu số lượng không nhiều, họ cũng nán chờ giá. Muốn có lúa phải chờ thêm mươi ngày nữa vùng Chợ Mới (An Giang) và Đồng Tháp… lúa vụ 3 vào mùa gặt”.

Giá lúa lên xuống bất thường gần như là điều hiển nhiên không lạ gì với nông dân miền Tây. Lúa vào mùa đong ken thường xuống giá. Tới khi lúa sắp cạn đồng, nông dân cần tiền trang trải nợ nần đã bán hết thì giá lúa lại lên. Đa số nông dân đều biết vậy nhưng khó tránh được. Với thị trường nước ngoài, nơi nào thiếu gạo, cần gạo ra sao chỉ có cơ quan điều hành XK, các DN và giới mua bán kinh doanh biết rõ hơn hết. Nhiều nông dân còn nhớ vào lúc trước vụ lúa đông xuân (ĐX) hồi đầu năm sắp thu hoạch, giá lúa lên cao ai cũng mừng. Dự báo của Tổ chức nông lương LHQ (FAO) và cơ quan điều hành XK gạo nhận định nhu cầu gạo thế giới tăng. Thế nhưng tới khi lúa vào mùa gặt giá bỗng dưng sựng lại rồi giảm dần. Đến vụ HT lúa rớt giá trầm trọng thêm. DNXK phải nhờ sự hỗ trợ lãi suất của Chính phủ để thu mua tạm trữ.

Ông Bảy Nhị (Nguyễn Minh Nhị), nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho tới bây giờ vẫn đau đáu với tình cảnh hạt lúa miền Tây, ông bộc trực nói thẳng: “Xin nói ngay rằng tại tổ chức sản xuất, kinh doanh chưa tốt nên nông dân nghèo bị xô ra ngoài cuộc chơi đầy khốc liệt của kinh tế thị trường. Giữa vụ HT vừa rồi, nhiều nông dân bán lúa IR 50404 giá chỉ 2.700đ/kg”. Nhưng sau đó không lâu ông Bảy Nhị gặp một người quen ở huyện Chợ Mới, nông dân này còn 3.000 giạ lúa (60 tấn) mà giá lúa đã lên 6.000đ/kg vẫn chưa bán. Như vậy theo ông, bài giải về giữ lúa giá cao cho nông dân là tính được.

Nông dân luôn bị động

Lúa là một trong những mặt hàng nông sản có thế mạnh nhất ở ĐBSCL. Đất đai màu mỡ, nông dân làm ra hạt lúa không khó, nhưng họ vẫn nghèo. Vì sao? Trong vùng chiếm số đông là nông hộ làm ăn qui mô nhỏ. Một gia đình 4-5 miệng ăn và mức bình quân 5 công ruộng thì dẫu có căng sức cày 3 vụ lúa trong năm cũng chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu đời sống.

Chúng tôi gặp một nông dân làm ruộng hạng trung, anh Nguyễn Minh Trí, ở xã Định Môn, huyện Thới Lai (Cần Thơ). Gia đình anh có 6 khẩu gồm hai vợ chồng, 2 con và nuôi cha mẹ già, với phần thừa kế đất ruộng hơn 2ha. Anh Trí có kiến thức trồng trọt, làm nông bài bản, tính toán căn cơ. Làm xong 3 vụ lúa trong năm, anh Trí thú thiệt: “Làm lúa trúng nhưng tiền lời không đủ chi xài. Tính chi li hết cả năm còn thâm vốn”.

Đa số nông dân đều biết bị động nhất là vụ lúa HT, làm mùa mưa cực nhọc, lúa thường rớt giá. Nhưng có ruộng không làm lúa thì trồng gì hiệu quả hơn? “Vụ HT chi phí nặng, có lời chừng 30% là may. Sang vụ lúa TĐ mới đây bán trúng giá 5.600-5.700đ/kg. Dù vậy, hình dung xem một vụ lúa trong hơn 3 tháng, tới cuối vụ nông dân bán lúa thu tiền một lần, một “cục tiền” tưởng nhiều. Thực ra gia đình nông thôn có quá nhiều thứ chi xài đều trông cậy vào lúa. Tất cả chi phí ăn mặc, học hành cho con, ốm đau thuốc thang cho cha mẹ… Làm lúa thuần với qui mô nhỏ khó tích lũy. Ngay như vật tư nông nghiệp cho mùa sau hầu như nông dân vùng này phần lớn đều phải mua nợ. Hơn nữa nông dân khó biết trước giá lúa mà chủ động tính toán”, anh Trí thở dài.

Ông Tư Quận, chủ NM xay xát khu vực Cái Răng lý lẽ như thế này: “Thời buổi thông tin từng phút, từng giờ nên thương lái thời nay chủ động nắm sát giá cả lên xuống từ các đầu mối mua bán. Nông dân cũng không phải mù tịt thông tin. Lúa đang lên, nông dân thường có tâm lý chờ lên thêm. Nhưng nông dân bị áp lực cần tiền sau mùa vụ và không có phương tiện vận chuyển nên buộc phải bán qua thương lái”.

“Dù sao đi nữa hàng xáo đi lại cũng không bằng người ngồi một chỗ. Chủ NM xay lúa kiêm luôn khâu cung ứng gạo lứt nguyên liệu cho DN, ký hợp đồng với DN, giá cả biết trước và còn lãi thêm khâu xay xát, phụ phẩm cám, trấu. DNXK có kho, chủ động thông tin dự đoán thị trường, cân đối giá cả đầu vào đầu ra hạch toán kinh doanh có lãi mới ký hợp đồng và ít khi gặp rủi ro”, ông Tư Quận nói. Như vậy ai hưởng lợi nhiều nhất, ai thiệt thòi nhất trong chuỗi sản xuất lúa gạo hiện nay đã tương đối rõ.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất