| Hotline: 0983.970.780

Chuối mật mốc Tân Long

Thứ Hai 16/02/2015 , 06:15 (GMT+7)

Ít ai biết xã Tân Long nằm chót vót trên đỉnh Trường Sơn lại trồng được loại chuối đặc sản có tên “mật mốc” để cung cấp cho thị trường cả nước.

Những ngày tết cổ truyền ấm áp này, nhà nào trên bàn thờ có được vài nải chuối mật mốc Tân Long để dâng lên tổ tiên thì xem như tết đã về.

Chủ tịch huyện tiếp thị chuối

Đường đến xã Tân Long thắm đẫm sắc xanh của bạt ngàn nương rẫy trồng chuối mật mốc. Chuối vừa ra hoa, chuối xanh, chuối già, chuối chín đã tạo cho Tân Long trở thành “thủ phủ” chuối mật mốc của không những huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, mà còn của cả nước.

Chuối mật mốc Tân Long vừa được bầu chọn là “cây trồng số một của năm” ở huyện miền biên viễn này.

Mở đầu câu chuyện về “cây trồng số một của năm”, ông Võ Thanh- Chủ tịch UBND huyện miền núi Hướng Hóa khéo léo tiếp thị chuối mật mốc Tân Long bằng cách mời chúng tôi ăn chuối và uống nước chè xanh.

 Ông Võ Thanh khoe sau cây cà phê, hồ tiêu, bơ, thì chuối mật mốc Tân Long là sản phẩm thứ 4 của nông nghiệp huyện Hướng Hóa, khẳng định được thương hiệu trong và ngoài nước.

Chuối mật mốc Tân Long chín muồi có màu vàng sẫm, ăn vào cảm giác có vị rất ngọt, lại có mùi thơm đặc trưng. Để càng lâu vỏ chuối càng mỏng hơn và đen sẫm lại thì ăn càng ngon. Chuối mật mốc từ khi thu hoạch khỏi cây còn để được rất lâu ngày nên nhiều người thích dùng dâng cúng tổ tiên ông bà.

Còn vì sao có tên gọi mật mốc, theo ông Võ Thanh khi vỏ chuối còn xanh có bụi phấn trắng bám đầy nhìn vào như nấm mốc, chuối chín có vị ngọt như mật nên gọi là mật mốc.

Chuối mật mốc Tân Long hiện là cây trồng có hiệu quả kinh tế số một trong những năm gần đây ở huyện Hướng Hóa. Những ngày này thương lái nhiều nơi khác đến tận vườn chuối đặt tiền cọc thu mua chuối mật mốc phục vụ thị trường tết cho cả nước.

Đúng là cách tiếp thị của vị Chủ tịch huyện vùng cao này thật độc đáo, nhiều nơi khác cũng nên học hỏi để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp một cách hiệu quả nhất.

Ông Thanh cho biết hơn 15 năm trước cây chuối mật mốc bắt đầu phát triển ở xã Tân Long. Ban đầu bà con nông dân trồng để phục vụ nhu cầu ăn hàng ngày của gia đình rồi dần dần chuối được nhiều người thích nên trở thành mặt hàng bán chạy nhất.

Ông Võ Thanh đưa chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Dương Phước ở thôn Long Phụng, một gia đình khai sinh nghề trồng chuối ở xã Tân Long.

Ông Phước cho biết chuối mật mốc có ở vùng đất này từ lâu đời. Trước đây, khi chưa trở thành hàng hóa, chuối mật mốc là đặc sản để người vùng cao làm quà tặng bà con đồng bằng mỗi khi có dịp gặp nhau. Còn khi mang ra bán lẻ ngoài chợ thì các tiểu thương mua chuối với giá rất cao. Ngày đó chưa ai nghĩ đến chuyện làm giàu với cây chuối mật mốc.

Có lẽ, ông Phước là người đầu tiên ở vùng cao này phát hiện ra cây chuối mật mốc có thể giúp người dân ở đây đổi đời. Từ những gốc chuối mật mốc đầu tiên trong vườn nhà, năm 2000, ông Phước đầu tư trồng thêm 1 ha chuối tại rẫy.

Khí hậu và thổ nhưỡng Tân Long thích hợp cho chuối phát triển nên vừa mới trồng mà chuối đã sum xuê, sớm cho thu hoạch bán lãi rất nhiều. Hiện tại vườn chuối của ông Phước rộng đến 25 ha. Trừ hết chi phí thuê công làm, mỗi tháng ông Phước thu nhập trên 80 triệu đồng từ vườn chuối.

Nhưng người được bình chọn “vua chuối” Tân Long hiện là anh Hồ Trang, thôn Long Hợp. Anh Trang cho biết với giá thị trường hiện tại đang ở mức 9 - 10 ngàn đồng/kg, thì hơn 12 nghìn gốc chuối của gia đình anh cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.

Thuê đất trồng chuối

Chủ tịch xã Tân Long, ông Dương Đình Tùng phác thảo bức tranh chuối mật mốc với vẻ mặt tự hào: "Gần như tất cả các gia đình người Vân Kiều, Pa Kô, người Kinh ở đây đều triển khai trồng chuối mật mốc. Gia đình ít cũng trồng 1 vài ha, nhiều thì từ 20 - 30 ha. Cây chuối mật mốc đã cứu cánh cho hàng vạn người dân vùng biên giới này. Xã Tân Long có trên 300 ha chuối mật mốc song vẫn không đủ cung cấp cho thị trường".

bn-chuoi-2082147883
Chuối mật mốc Tân Long được các thương lái thu mua cung cấp thị trường khắp cả nước

Hết đất phát triển chuối, người dân Tân Long sang nước bạn Lào thuê gần 1.000 ha đất vùng sát biên giới để trồng chuối. Ông Tùng làm phép tính kinh tế khá đơn giản thì tổng thu nhập từ bán chuối trên địa bàn mỗi năm đến 80 tỉ đồng. Con số này chia đều thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/năm.

Chuối thu hoạch về được các thương lái mua hết ngay nên người trồng chuối ở Tân Long luôn có rất nhiều tiền. Nhiều hộ nhờ trồng chuối mà trở thành tỷ phú như Đỗ Thị Phụng, Võ Tài, Hồ Trang...

Trong câu chuyện ngọt ngào ngày đầu năm mới về hoa trái quanh năm, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, Võ Thanh cho biết sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện làm thủ tục đăng ký thương hiệu “Chuối mật mốc Tân Long” để không chỉ xuất khẩu mặt hàng nông sản này sang Trung Quốc, mà còn xuất qua các nước châu Âu, châu Mỹ...

Ông Trương Đình Tùng khoe nhờ trồng chuối mang lại đời sống cao nên người dân bỏ buôn lậu để trồng chuối. Ở vùng này bây giờ người ta không còn màng đến việc tham gia gùi hàng lậu qua biên giới như trước đây để lo từng bữa cơm hàng ngày nữa, họ chỉ tập trung trồng chuối làm giàu.

Chuối mật mốc Tân Long đã làm thay đổi bao phận đời, góp phần dẹp được nạn buôn lậu hàng qua biên giới là bởi sức mạnh kinh tế của mặt hàng đặc sản này.

Trồng chuối không khó. Thường thì khi bắt đầu đặt một cây chuối giống xuống đất đến khi cho ra buồng mất nửa năm. Cần khoảng thời gian thêm gần 4 tháng nữa thì trên vỏ những trái chuối của buồng chuối xuất hiện những chấm đen báo hiệu chuối già, cho thu hoạch.

Trong quá trình đó cây chuối sinh thêm nhiều cây con, người nông dân chiết những cây con ấy ra trồng thành những gốc chuối khác và nhân lên ngày càng nhiều hơn.

Bà Phạm Thị Hường, chủ một vựa chuối ở chợ Tân Long lý giải, sở dĩ chuối mật mốc được tiêu thụ nhiều là vì ngoài nhu cầu ăn chuối chín để bảo vệ sức khỏe hàng ngày thì mỗi tháng bà con thường mua chuối mật mốc để thờ vào các ngày rằm và mồng một. Chỉ cần mỗi nhà mua vài nải chuối thì nhu cầu cung ra thị trường cũng là rất lớn.

Hiện chuối mật mốc được bán theo hai kiểu là cân theo trọng lượng kg hay bán buồng. Những ngày tết, có buồng chuối đẹp chục nải bán giá hơn 1 triệu đồng. Bình quân mỗi ngày Tân Long bán ra ngoài địa phương hơn 50 tấn chuối.

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hướng Hóa, Nguyễn Ngọc Khả cho biết: "Để hỗ trợ nông dân trồng chuối có hiệu quả huyện đã mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc chuối mật mốc. Người trồng chuối còn được huyện tạo điều kiện cho vay vốn đầu tư nguồn nước tưới và hạ tầng kỹ thuật.

Từ những kết quả có được nhờ cây chuối, ngành nông nghiệp huyện tiếp tục vận động bà con các dân tộc trên địa bàn nhân rộng mô hình trồng chuối, nhưng không phá bỏ nương rẫy, chặt phá rừng, mà vừa bảo vệ rừng, vừa ổn định kinh tế bền vững. Không chỉ riêng tại xã Tân Long trồng chuối, toàn huyện đã trồng hơn 200 ha chuối mật mốc".

Đã cận Tết Nguyên đán. Những ngày này trong hành lý của người dân từ vùng cao Hướng Hóa về đồng bằng và thành phố dường như ai cũng mang theo một buồng chuối mật mốc, người thì mang về để ăn, người thì làm quà tết.

Còn dân ở thành phố Đông Hà cũng chạy xe hàng trăm km đến được Tân Long để mua chuối mật mốc về thờ. Năm nào trên bàn thờ tổ tiên ông bà chưa có những nải chuối mật mốc quả tròn căng rất đẹp thì xem như năm đó xuân chưa đến, tết chưa về.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Thủ phủ cam Cao Phong tái canh để cứu cây đặc sản

Cao Phong, Hòa Bình từng là thủ phủ cam nổi tiếng của miền Bắc nhưng khi giá bán hạ, bệnh phát sinh khiến địa phương này phải tính đến bài toán tái canh.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.