| Hotline: 0983.970.780

Chuỗi sản xuất - kinh doanh nông sản, thực phẩm

Thứ Ba 10/09/2013 , 10:35 (GMT+7)

Tại TP.HCM, NAFIQAD vừa tổ chức hội thảo tổng kết, phổ biến mô hình điểm chuỗi SX kinh doanh nông sản, thực phẩm theo VietGAP/GMPs.

Tại TP.HCM, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản & thủy sản (NAFIQAD) vừa tổ chức hội thảo tổng kết, phổ biến mô hình điểm chuỗi SX kinh doanh nông sản, thực phẩm theo VietGAP/GMPs.

Theo NAFIQAD, mô hình điểm chuỗi SXKD nông sản, thực phẩm nằm trong Dự án "Xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm" do Canada tài trợ, tổng trị giá 15 triệu USD (dự án FAPQDC). Sau 6 năm triển khai, đã hình thành được 20 mô hình điểm chuỗi SXKD nông sản, thực phẩm an toàn (rau, quả, thịt lợn, thịt gà) tại 8 tỉnh, TP trên cả nước.

Tính đến nay đã có 13/14 mô hình điểm rau, quả (tại Lâm Đồng, TP.HCM, Hà Nội, Thanh Hóa, Đồng Nai, Tiền Giang và Bắc Giang), 11/11 trại chăn nuôi lợn và 9/14 trại gà đã được chứng nhận VietGAP hay VietGAHP. 6/6 cơ sở giết mổ thịt lợn và thịt gà, 5/5 cơ sở bán thịt lợn, thịt gà đã được đánh giá đủ điều kiện đảm bảo ATTP loại A và B.


Mô hình SX rau VietGAP ở Lâm Đồng

Dự án đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Về mức độ an toàn sản phẩm được đảm bảo, trước khi áp dụng VietGAP/GMPs, 9,5% mẫu rau vượt ngưỡng cho phép về thuốc BVTV và 53,5% mẫu rau vượt ngưỡng vi sinh vật; trái cây có 4% số mẫu vượt ngưỡng thuốc BVTV và 2% mẫu vượt ngưỡng vi sinh; thịt lợn tại cơ sở giết mổ và nơi bày bán có tới 66% và 58% mẫu vượt ngưỡng vi sinh vật; thịt gà tại nơi giết mổ và nơi bày bán có 93% và 89% mẫu vượt ngưỡng vi sinh vật.

Đến giai đoạn 2 của dự án: Số mẫu rau vượt ngưỡng thuốc BVTV chỉ còn 0,7%, nhiễm vi sinh vật còn 12,5%; không còn mẫu trái cây nào nhiễm dư lượng thuốc BVTV và vi sinh vật; không còn mẫu thịt lợn tại nơi giết mổ và mẫu thịt lợn tại nơi bày bán bị nhiễm vi sinh vật; mẫu thịt gà bị nhiễm vi sinh vật tại nơi giết mổ chỉ còn 30%, tại nơi bày bán chỉ còn 16,6%.

Dự án đã đa dạng được hình thức tổ chức liên kết chuỗi. Trong đó, cây rau có 5 tỉnh, TP tham gia, xây dựng được 11 mô hình điểm với các hình thức tổ chức gồm HTX, tổ hợp tác, liên tổ hợp tác, trang trại và DNTN.

Tổng diện tích các mô hình điểm cây rau là 117,85 ha, với tổng sản lượng VietGAP là 18.070 tấn/năm. Về quả có 2 tỉnh tham gia, xây dựng được 4 mô hình điểm (HTX, tổ hợp tác), quy mô xấp xỉ 63 ha, sản lượng VietGAP 407 tấn.

Có 3 tỉnh thành tham gia sản phẩm thịt lợn, xây dựng được 11 mô hình (trại chăn nuôi, HTX), quy mô trên 36 ha, sản lượng VietGAP 5.760 tấn (59.300 con). Gà là sản phẩm xây dựng được nhiều mô hình điểm nhất với 21 điểm (trang trại chăn nuôi cá thể, trại chăn nuôi liên kết, công ty) tại 4 tỉnh, TP, quy mô trên 14 ha, sản lượng VietGAP 3.340 tấn (1,613 triệu con).

Nhưng quan trọng hơn là việc phát triển bền vững ở mô hình điểm và nhân rộng ở những tỉnh, TP thực hiện dự án. Chẳng hạn, ở trang trại Phong Thúy (Đức Trọng, Lâm Đồng). Khi chứng nhận VietGAP lần đầu, mới chỉ có 1 hộ nông dân được chứng nhận với diện tích 14 ha. 1 năm sau khi chứng nhận lại VietGAP, số hộ được chứng nhận đã tăng lên thành 6, diện tích tăng gần gấp 3 lần (40,1 ha).

Hay như HTX Phước An (Bình Chánh, TP.HCM), từ 11 hộ nông dân được chứng nhận VietGAP lần đầu với diện tích 4,06 ha, đã tăng lên 31 hộ (13,9 ha) khi chứng nhận lại VietGAP… Ở Thanh Hóa, chỉ có 2 cơ sở rau quả (7 ha) được dự án hỗ trợ, nhưng đã nhân rộng được thêm 17 cơ sở (46,5 ha) từ nguồn kinh phí khác. Ở Bắc Giang, cũng từ 2 cơ sở (27,9 ha) do dự án hỗ trợ mà từ nguồn kinh phí khác đã nhân rộng thêm 17 cơ sở (181 ha)…

Theo ông Bùi Văn Minh, chuyên viên kỹ thuật của dự án, có được những thành quả trên, là nhờ những giải pháp hợp lý trong quá trình triển khai. Chẳng hạn, về kinh phí, dự án chỉ hỗ trợ cho những khâu then chốt, ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Ngoài hỗ trợ “phần mềm”, “phần cứng”, dự án còn tổ chức cho nông dân đi tham quan các mô hình làm tốt.

Khi đã mắt thấy, tai nghe, nông dân sẽ sằn sàng tham gia dự án, sẵn sàng đầu tư thêm nhiều tiền bạc để thực hiện. Điều này có thể thấy rất rõ ở một trang trại tại Lâm Đồng. Trang trại này chỉ được dự án hỗ trợ 200 triệu đồng, nhưng đến nay đã tự đầu tư thêm tới 10 tỷ đồng để SX rau theo hướng an toàn.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng NAFIQAD cho rằng, quan trọng nhất là dự án đã gắn kết được người SX với nhau, gắn kết người SX với người thu mua, phân phối sản phẩm, gắn kết nhà quản lý với người SX… Trong đó, quan trọng nhất là đã xây dựng được sự gắn kết, lòng tin giữa nhà SX và nhà phân phối, cùng gắn bó làm ăn lâu dài với nhau theo đúng cam kết giữa 2 bên.

Người SX luôn đảm bảo chất lượng, khối lượng sản phẩm theo yêu cầu của nhà phân phối. Còn nhà phân phối luôn đảm bảo duy trì việc thu mua một cách đầy đủ. Bây giờ các mô hình không còn được dự án hỗ trợ nhưng họ vẫn duy trì, phát triển, nhân rộng ra, đó là điều đáng nói nhất.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất