| Hotline: 0983.970.780

Chuỗi từ trang trại tới bàn ăn

Thứ Sáu 26/04/2013 , 10:22 (GMT+7)

Ngày thứ ba của chuyến công tác, Đoàn đã đến thăm Viện Quốc gia về quản lí chất lượng và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Ngày thứ ba của chuyến công tác, Đoàn đã đến thăm Viện Quốc gia về quản lí chất lượng và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm (National Institute for Quality and Origin - INAO), là một tổ chức của Nhà nước trực thuộc Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Rừng Pháp (MAAF), chuyên trách trong việc quản lý chất lượng, nhãn hiệu nông sản và thực phẩm (nguồn gốc xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, hữu cơ, sinh thái, thương hiệu quốc gia…).

>> Quản lí vệ sinh an toàn thực phẩm
>> An toàn thực phẩm - nhìn từ Pháp

Pháp và cộng đồng châu Âu, cũng như các nước phát triển, rất tách bạch giữa quản lí VSATTP và quản lí chất lượng. Quản lí chất lượng luôn là một quá trình tổ chức xã hội, liên kết giữa các tác nhân kinh tế để quản trị một chuỗi ngành hàng theo một qui trình quản lí chất lượng và nhãn mác nhất định.

Ông tổng giám đốc, Mr.Jean-Luc DAIRIEN, và cán bộ INAO đã tiếp đoàn, và trao đổi, cho biết, INAO có 260 nhân viên và quản lí nhiều hệ thống quản lí chất lượng thực phẩm của Pháp, những hệ thống này có khung thể chế chung quốc gia để đảm bảo từ quá trình công nhận chất lượng sản phẩm, quản lí kiểm soát toàn chuỗi thường xuyên. Có nhiều hệ thống, nhưng điển hình là:

  1. Tên gọi xuất xứ được bảo hộ (Appellation d’origine controllee - AOC): Nhằm bảo hộ các sản phẩm chất lượng có tính chất đặc trưng gắn với địa danh, vùng sản xuất (các đặc trưng về đất đai, khí hậu, qui trình sản xuất…). Những vùng có sản phẩm đặc sản, nghiệp đoàn hay hiệp hội nhà sản xuất thường xây dựng các qui trình kĩ thuật chuẩn nhằm sản xuất ra sản phẩm đúng đặc tính truyền thống. Những qui trình sản xuất này qui định rõ về điều kiện sản xuất, qui trình sản xuất, đóng gói, thương mại…, đảm bảo sản phẩm từ trang trại đến bàn ăn. Viện INAO sẽ thẩm định và đánh giá, nếu đủ tiêu chuẩn sẽ cấp bằng công nhận bảo hộ tên gọi xuất xứ của sản phẩm trên cơ sở qui trình sản xuất được phê duyệt. Nhà sản xuất nào thỏa mãn các điều kiện trên thì sẽ được cấp giấy phép sử dụng tên gọi xuất xứ, nếu vi phạm sẽ bị rút giấy phép. Nhiều sản phẩm của Pháp như rượu vang Bordeaux, rượu Cognac, nhiều loại Fo mat, thịt hun khói, dầu ô liu… đều có tên gọi xuất xứ được bảo hộ.

  2. Tên gọi xuất xứ được bảo hộ (Protected designation of origin - PDO): Nhằm bảo hộ các sản phẩm chất lượng có tính chất đặc trưng gắn với địa danh, vùng sản xuất (các đặc trưng về đất đai, khí hậu, qui trình sản xuất…) theo chứng nhận tên gọi xuất xứ tiêu chuẩn châu Âu. PDO của châu Âu hơi khác với AOC của Pháp một chút, ít khắt khe hơn để được bảo hộ, nhưng về căn bản là trên cùng một tiếp cận.

  3. Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ (Protected geographical indication - PGI): Bảo hộ thương mại sản phẩm của một vùng, gắn với sử dụng địa danh vùng sản xuất trên nhãn mác. Để được cấp PGI, sản phẩm không nhất thiết phải có tính đặc thù về đặc tính sản phẩm như trường hợp AOC hoặc PDO, mà chỉ cần sản phẩm được sản xuất đúng trong một vùng và theo một qui trình sản xuất nhất định, quản trị theo chuỗi.

  4. Nhãn sản phẩm đặc sản vùng (Traditional speciality guaranteed - TSG): Bảo hộ các đặc trưng sản phẩm của vùng, gắn với truyền thống của sản phẩm). Hệ thống này nhằm bảo hộ các qui trình sản xuất truyền thống của các vùng, tạo ra những sản phẩm đặc trưng nhất định, các qui trình đó có thể là về canh tác, chế biến sản phẩm.

  5. Nhãn sinh thái nông nghiệp (Agriculture biologique): Bảo hộ chất lượng liên quan tới việc sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Hệ thống này được xây dựng trên cơ sở qui trình sản xuất, chế biến, thương mại một sản phẩm đảm bảo được các tiêu chuẩn sinh thái. Nếu sản phẩm nào đủ điều kiện, thì sẽ được sử dụng nhãn mác nông nghiệp được Nhà nước bảo hộ.

  6. Nhãn hiệu đỏ (Label rouge - LR) dành cho sản phẩm cao cấp: Bảo hộ các sản phẩm có chất lượng cao vượt trội dựa trên đánh giá chất lượng từ người tiêu dùng. INAO thành lập hội đồng riêng và xác định các tiêu chuẩn chất lượng đối với sản phẩm, từ đó định hướng các qui định đối với điều kiện thực hành sản xuất. Hệ thống này nhằm công nhận, quản lí, thúc đẩy việc sản xuất, chế biến, thương mại các sản phẩm có chất lượng vượt trội, những đặc tính sản phẩm này được xác định trên cơ sở điều tra người tiêu dùng mong muốn. LR là hệ thống rất nổi tiếng bên Pháp, là dòng sản phẩm chất lượng cao, luôn thay đổi tiêu chí quản lí chất lượng theo nhu cầu người tiêu dùng thông qua điều tra hàng năm. LR đã được sử dụng trong nhãn mác sản phẩm thịt bò, thịt gà, thịt lợn, rau…

Theo ông Tổng giám đốc, việc sử dụng các nhãn hiệu chất lượng này cho phép: 1) định hướng được các dòng sản phẩm khác nhau, bảo tồn sự đa dạng sản phẩm thực phẩm trên thị trường, đa dạng sản xuất; 2) quản lý và truy xuất được nguồn gốc chất lượng; 3) có thông tin về sản phẩm; 4) có sự bảo đảm chính thức về quá trình sản xuất sản phẩm; 5) mở rộng kênh phân phối sản phẩm. Ông cũng cho biết, hoạt động của INAO bao gồm:

  • INAO xây dựng hệ thống quản lí chất lượng quốc gia, nhãn mác chất lượng quốc gia, các qui định về quản lí, cấp phép, thanh tra… Kinh nghiệm INAO cho chúng ta thấy, sự kết hợp giữa quản lí chất lượng với quản lí nhãn mác, xúc tiến thương mại.

  • Các tổ chức nghề nghiệp đề xuất đăng kí các chứng nhận về nhãn mác chất lượng sản phẩm, căn cứ vào đề xuất, INAO sẽ có hội đồng chuyên gia thẩm định, đánh giá để cấp chứng nhận.

  • INAO quản lí, kiểm tra, đánh giá việc sử dụng chứng nhận trên toàn chuỗi nông sản hay thực phẩm, nếu vi phạm các điều kiện được cấp phép, INAO sẽ thu hồi sử dụng nhãn mác của doanh nghiệp, hộ nông dân, các tổ chức nghề nghiệp.

  • INAO có trách nhiệm tư vấn Bộ Nông nghiệp, Chính phủ Pháp, trao đổi hợp tác quốc tế về lĩnh vực quản lí chất lượng nông sản và thực phẩm.

Nếu như quản lí VSATTP là quản lí việc sản xuất và phân phối lương thực thực phẩm theo các chuẩn mực bắt buộc của Nhà nước, quốc tế để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và có tính thống nhất cao trên toàn lãnh thổ cấp quốc gia hoặc quốc tế, thì quản lí chất lượng được xây dựng trên nhu cầu đa dạng khác nhau của các nhóm người tiêu dùng ở thị trường nhất định, căn cứ vào các tiêu chuẩn tự công bố của doanh nghiệp, nghiệp đoàn, tổ chức nông dân, hộ gia đình… về đặc tính, điều kiện sản xuất, cách thức sản xuất, xuất xứ của một sản phẩm…, gắn với một chuỗi ngành hàng cụ thể, một nhãn mác cụ thể.

Hiệp hội tổ chức nghề nghiệp của ngành hàng và các cơ quan của INAO giữ vai trò giám sát toàn bộ hệ thống sử dụng nhãn mác chất lượng. Hệ thống nhãn mác chất lượng quốc gia là cơ sở xây dựng quản lí chất lượng cao cấp theo chuỗi cho sản phẩm nông sản thực phẩm của Pháp, trên cơ sở nhãn mác chất lượng quốc gia, sẽ định hướng toàn bộ chính sách hỗ trợ, qui hoạch, thực hành sản xuất, marketing, phát triển thương hiệu.

Lịch sử quản lí chất lượng thực phẩm của Pháp đáng để chúng ta ngưỡng mộ và học tập, phát triển và quản lí chất lượng qui mô quốc gia, gắn với chuỗi sản phẩm và thương hiệu, sở hữu trí tuệ, Pháp đã thành lập INAO từ năm 1935, trực thuộc Bộ Nông nghiệp Pháp. Quản lí chất lượng và quản lí VSATTP được tách bạch: INAO quản lí về chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã, hộ nông dân, theo chuỗi ngành hàng gắn với nhãn mác chất lượng quốc gia. Còn Tổng cục thực phẩm (DGAL) của Bộ nông nghiệp Pháp, sẽ quản lí vệ sinh ATTP căn cứ vào đánh giá rủi ro của ANSES, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn chất lượng chung, quản lí chất lượng sản phẩm tiêu chuẩn (như ISO, HACCP…).

Kết thúc buổi làm việc, ông Tổng giám đốc đã trao đổi với Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu về khả năng hợp tác với Bộ NN-PTNT Việt Nam, nhất là phát triển các thương hiệu thực phẩm quốc gia, quản lí chất lượng theo chuỗi. (Hết)

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm