| Hotline: 0983.970.780

Chương trình hành động của ngành NN-PTNT Long An

Thứ Năm 08/12/2011 , 10:12 (GMT+7)

Ông Lê Minh Đức
Để hoàn thành với kết quả cao các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đã đề ra; ngành đã xác định các mục tiêu trọng tâm cần đạt được cùng với hệ thống các biện pháp thực hiện khả thi nhằm đáp ứng năng động, hiệu quả yêu cầu nâng chất trình độ sản xuất nông nghiệp gắn liền với các hoạt động xây dựng nông thôn mới theo chỉ đạo của chương trình hành động số 21-CTr/TU của Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Có thể điểm lược các nội dung trọng tâm trong chương trình hành động hướng tới chỉ tiêu “tăng trưởng khu vực nông lâm - ngư nghiệp đạt bình quân 4%/năm” của Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ Long An lần thứ IX như sau:

Trên lĩnh vực cây trồng, tiếp tục rà soát lại quy hoạch cơ cấu cây trồng phù hợp và bố trí mùa vụ tại các tiểu vùng sinh thái làm cơ sở thực hiện các chương trình, đề án đầu tư trọng điểm. Trong đó, cây lúa là đối tượng sản xuất chủ lực với mục tiêu phấn đấu đạt tổng sản lượng bình quân hàng năm trên 2,1 triệu tấn, đảm bảo yêu cầu an toàn lương thực cùng với khoảng 500 ngàn tấn lúa giá trị hàng hóa cao vào năm 2015 trên cơ sở xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao 40.000 ha ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười.

Ngoài cây lúa, nhiệm vụ trọng tâm khác là tăng cường công tác nghiên cứu phát triển đa dạng các mô hình luân canh rau, màu, cây công nghiệp trên nền đất lúa ở các khu vực canh tác 3 vụ và vùng đất xám với chủng loại cây trồng thích hợp và có nhu cầu nội tiêu cao như bắp lai, rau thực phẩm, mè, khoai mì... Song song với thử nghiệm các loại cây trồng mới có triển vọng, nâng cao trình độ sản xuất chuyên canh đặc sản địa phương như thanh long, chanh, khoai mỡ, sen... kết hợp phát triển dịch vụ chế biến, xúc tiến thương mại để xây dựng thương hiệu địa phương, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, ngành đã và đang triển khai đồng bộ, tập trung đề án, chương trình như: xây dựng các “cánh đồng mẫu", hỗ trợ nông dân chuyển đổi giống, mở rộng ứng dụng cơ giới hóa, chuyển đổi nâng chất giống cây trồng, ứng dụng “công nghệ cao”, hợp tác với doanh nghiệp hỗ trợ nông dân theo mô hình “liên kết 4 nhà” nhằm chuyển giao ứng dụng vào sản xuất các quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP và ứng dụng rộng công nghệ sinh học.

Đối với cây lâm nghiệp, tiếp tục đầu tư trồng và bảo vệ diện tích rừng hiện có của tỉnh, tăng số lượng cây lâm nghiệp trồng phân tán, bảo vệ tốt rừng phòng hộ biên giới, trồng lại rừng sau khai thác và xúc tiến thị trường tiêu thụ lâm sản để đến cuối năm 2015 diện tích rừng toàn tỉnh đạt mức ổn định 42 ngàn ha.

Về lĩnh vực chăn nuôi, nhiệm vụ khẩn trương là thực hiện quy hoạch các khu vực chăn nuôi cùng lúc với tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, thanh - kiểm tra vệ sinh thú y, hoạt động sản xuất - kinh doanh vật tư kỹ thuật và kiểm dịch động vật làm nền tảng cho mục tiêu phát triển chăn nuôi hiệu quả và ổn định, đảm bảo lợi ích của người sản xuất, người tiêu thụ sản phẩm và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Hướng đến các mục tiêu nêu trên, ngành đã triển khai các chương trình phát triển giống vật nuôi, kế hoạch phòng chống dịch bệnh, chính sách hỗ trợ cơ sở chăn nuôi gặp thiệt hại do thiên tai - dịch bệnh, chương trình truyền thông nâng cao nhận thức và thực hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh và các hoạt động khuyến nông quảng bá mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp… kết hợp nguồn lực đầu tư của ngân sách địa phương với các chương trình do trung ương hỗ trợ như: dự án khắc phục khẩn cấp dịch cúm gia cầm (VAHIP), dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP), dự án khí sinh học ngành chăn nuôi trong cùng mục tiêu nâng cao sản lượng và tỷ trọng giá trị hàng hóa chăn nuôi.

Về thủy sản, trước mắt là rà soát để điều chỉnh, bổ sung hoạt động chương trình phát triển thủy sản đến năm 2015 phù hợp với tình hình mới và định hướng đến năm 2020 làm cơ sở thực hiện quy hoạch chi tiết vùng nuôi thủy sản nước lợ ở các huyện vùng hạ, vùng nước ngọt tập trung các huyện phía bắc nhằm khai thác mọi loại hình thủy vực và phương thức nuôi phù hợp, hiệu quả, hạn chế dịch bệnh và các tác động xấu đến môi trường sinh thái ở mức thấp nhất.

 Theo định hướng này, hệ thống thủy lợi bao gồm kênh mương, cống cấp thoát nước, bờ bao ngăn lũ, hệ thống trạm bơm điện bao gồm xây dựng mới và nâng cấp được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo hướng phục vụ đa mục tiêu cho thủy sản, các đối tượng sản xuất nông nghiệp khác và cả nhu cầu dân sinh nông thôn.

Ngoài nhiệm vụ tổ chức phát triển sản xuất, ngành còn có trách nhiệm thực thi nhiệm vụ quan trọng có tính chiến lược của Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ IX là phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình dân sinh vùng lũ mà đến nay ngành đã xác định và thông qua lãnh đạo tỉnh danh mục cụ thể 20% số xã trong tỉnh cùng với các biện pháp thực hiện để đến năm 2015 đạt tiêu chí xã nông thôn mới.

Bên cạnh đó, ngành cũng đã triển khai kế hoạch thực hiện chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2015 đảm bảo cung cấp nguồn nước hợp vệ sinh cho 95% cư dân ở khu vực nông thôn, các chương trình khuyến nông và phát triển nông thôn ưu tiên cho nông hộ khó khăn, vùng sâu để giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 3%, giảm số lao động nông nghiệp dưới 35% tổng lao động nông nghiệp.

(*): Tác giả hiện là Giám đốc Sở NN-PTNT Long An

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất