| Hotline: 0983.970.780

Chương trình NS- VSMTNT giai đoạn 2011 - 2015: 90% dân số nông thôn có nước sạch

Thứ Sáu 09/12/2011 , 10:34 (GMT+7)

Nước sạch thực sự làm thay đổi đời sống người dân tại nhiều địa phương

Vừa qua, Chương trình Nước sạch và VSMTNT được Quốc hội chính thức chọn là 1 trong 16 Chương trình MTQG giai đoạn 2011 - 2015. Để kịp thời vận hành và tranh thủ huy động đa dạng nguồn vốn cho Chương trình, Văn phòng Thường trực Chương trình MTQG Nước sạch và VSMTNT đã tổng hợp những kinh nghiệm từ thực tiễn thực hiện Chương trình trong các giai đoạn trước.

TS Dương Hồng Loan, Giám đốc điều hành Chương trình Nước vệ sinh và Sức khoẻ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Australia, cho biết, cần phải khẩn trương đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn thực hiện Chương trình trong các giai đoạn trước, từ đó xây dựng lộ trình phù hợp để thu hút nguồn vốn hàng trăm triệu đô la mà các nhà tài trợ nước ngoài đã cam kết.

Theo đó, phải xác nhận một số tồn tại khi thực hiện Chương trình trong thời gian qua, cụ thể BCĐ Chương trình ở một số địa phương chưa hoạt động thường xuyên, thiếu sự phối hợp cần thiết; nhu cầu hưởng lợi và suất đầu tư cho các công trình ở các địa bàn là khác nhau; hoạt động của một số công trình cấp nước thiếu bền vững, chưa chuyển sang phương thức dịch vụ thị trường; công tác tuyên truyền chưa tạo được sự thay đổi lớn về hành vi của người dân trong sử dụng nước sạch và VSMTNT.

Là cơ quan tham gia thực hiện đánh giá Chương trình trong nhiều năm, ông Nguyễn Đình Ninh, đại diện nhóm tư vấn lưu động Chương trình MTQG Nước sạch và VSMTNT, cho biết, khởi nguồn của mọi hoạt động đều xuất phát từ công tác tổ chức, chỉ đạo thực hiện. Trong thời gian qua, việc tổ chức BCĐ Chương trình ở các địa phương chưa thống nhất. Có tỉnh thành lập BCĐ riêng nhưng hầu hết các tỉnh lại để Chương trình nằm trong BCĐ Chương trình MTQG chung. Các tỉnh có BCĐ riêng hoạt động có hiệu quả hơn song các thành viên BCĐ chưa có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên.

 Một số tỉnh do không có BCĐ riêng nên Chương trình MTQG nước sạch chưa hoạt động thường xuyên, còn mang tính hình thức, cá biệt có tỉnh dường như không hoạt động. Vì vậy, thời gian tới, cần khẩn trương thành lập BCĐ, Ban điều hành Chương trình, hình thành quy chế hoạt động, xác định vai trò, trách nhiệm của các thành viên BCĐ; thực hiện các cơ chế chính sách, theo dõi đánh giá nghiêm ngặt.

Ông Vũ Văn Thặng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN - PTNT), cho rằng, nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới là phải xác định được phương cách huy động nguồn lực cũng như quản lý tài chính thực hiện Chương trình. Theo đó, ngoài nhiệm vụ tập huấn nâng cao kỹ năng cho đội ngũ cán bộ thực hiện Chương trình, tăng cường kiểm tra giám sát thì phải thực hiện việc phân cấp cụ thể trách nhiệm của các cơ quan có liên quan. Đồng thời, phải tiến hành kiểm soát hoạt động đầu tư ở các địa phương, khắc phục tình trạng cục bộ, tuỳ tiện.

Chia sẻ kinh nghiệm về quản lý các công trình sau đầu tư, ông Vũ Văn Thặng cho rằng, cần củng cố mô hình và cơ chế quản lý bằng cách chuyển mạnh từ hoạt động phục vụ sang dịch vụ, lấy nhu cầu của khách hàng là thước đo để đơn vị quản lý vận hành đầu tư và thay đổi phương cách cung ứng, dịch vụ.

Theo báo cáo của Trung tâm Quốc gia Nước sạch và VSMTNT, tính đến hết năm 2010, số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 80%, trong đó được sử dụng nước sinh hoạt đạt Tiêu chuẩn 02 của Bộ Y tế là 40%. Tuy nhiên, theo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Bộ chỉ số theo dõi đánh giá thì số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh mới đạt 75%, trong đó 35% đạt theo Tiêu chuẩn 02 của Bộ Y tế; khoảng 77% hộ gia đình có nhà tiêu, trong đó 55% nhà tiêu đạt tiêu chuẩn hợp vệ sinh; 80% trường học, trạm y tế, 48% chợ nông thôn và 72% UBND xã có công trình nước hợp vệ sinh; khoảng 35% số hộ nông dân chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh.

Liên quan đến việc tổ chức thực hiện Chương trình, ông Lê Thiếu Sơn, Giám đốc Trung tâm Quốc gia Nước sạch và VSMTNT, cho biết, Chương trình Nước sạch và VSMTNT mang tính nhân văn sâu sắc, không chỉ góp phần cải thiện điều kiện sống, nâng cao nhận thức của người dân khu vực nông thôn mà còn góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đặc biệt đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Mục tiêu của Chương trình trong giai đoạn 2011 - 2015 là thực hiện cấp nước cho 90% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 70 số hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 80% người dân nông thôn được tiếp cận với các thông tin về nước sạch và VSMTNT; tất cả các trường học, thiết chế ở nông thôn có đủ nước, nhà tiêu hợp vệ sinh và được quản lý, sử dụng tốt. Chính vì vậy, thời gian tới, Chương trình vẫn rất cần có sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp, sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị xã hội và sự hưởng ứng của người dân.

Quy hoạch cấp nước và VSMTNT sẽ được coi là công cụ quan trọng để hoạch định kế hoạch thực hiện chương trình. Theo đó, việc xây dựng kế hoạch phải hợp lòng dân, xuất phát từ nhu cầu của người dân nông thôn.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất