| Hotline: 0983.970.780

Chuột tàn phá lúa Đông Xuân

Thứ Tư 15/02/2017 , 14:05 (GMT+7)

Hàng trăm ha lúa ĐX 2016-2017 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam bị chuột cắn phá nghiêm trọng. Có những đám ruộng hơn 50% diện tích bị phá hoại.

Mặc dù người dân đã sử dụng nhiều phương pháp tiêu diệt, đẩy đuổi, song vẫn bất lực trước loài gặm nhấm này.

14-40-23_nh-1
Người dân làm hình nộm cắm trên ruộng đuổi chuột
 

Chiều tối mỗi ngày, bà Nguyễn Thị Lựu ở thôn Phú Trung, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn mang thuốc diệt chuột hóa học lẫn sinh học đồng đánh bả. Bà Lựu cho hay, gia đình trồng 6 sào lúa nhưng đến nay có 5 sào bị chuột gây hại. Trong đó, có những ruộng bị chuột cắn phá đến 50% diện tích.

“Cách đây khoảng 15 ngày chuột bắt đầu cắn phá, đều đặn chiều tối tôi ra bỏ thuốc. Thuốc chuột trộn với khoai, lúa nẩy mầm, mì tôm, gạo... bỏ trên các lối mòn, hang ổ chuột đi lại. Sau mỗi đêm tôi ra kiểm tra thấy ăn sạch mồi nhưng lúa vẫn bị cắn, không thuyên giảm chút nào cả”, bà Lựu nói.

Theo bà Lựu, để diệt chuột bằng cách đánh bả thì cả vùng đồng loạt làm một lần mới có hiệu quả. Tuy nhiên không có ai phát động nên việc bà bỏ không có tác dụng cao.

“Tôi không bỏ thuốc thì nguy cơ sẽ mất trắng, diệt được số chuột vùng này thì nơi khác đến. Do đó rất khó để triệt tiêu được chúng, nhưng không biết làm sao cả, lúa hư hại nhiều buộc phải bỏ thuốc để vớt vát”, bà Lựu chia sẻ.

14-40-23_img_4115
Bà Nguyễn Thị Lựu tìm các lối mòn bỏ thuốc diệt chuột

 

Cạnh đám ruộng bà Lựu, ông Trần Hữu Hòa có 7 sào lúa đều bị chuột cắn. Để hạn chế, ông Hòa dùng ni lông vây quanh ruộng làm bức tường ngăn chuột .

“So với các năm trước thì vụ mùa này chuột tương đối nhiều, phá hoại lớn diện tích lúa. Người dân dùng nhiều biện pháp như đặt bẫy, bỏ thuốc, rào quanh ruộng nhưng không ăn thua. Chúng tôi bất lực với chúng, nhìn những đám ruộng bị cắn phá mà hết cách tiêu diệt”, ông Hòa than vãn.

Diện tích lúa bị cắn phá rất dễ nhận biết, bởi đám ruộng nào chuột “ghé thăm” cũng được người dân bày “ma trận” đuổi chuột. Ruộng làm hình người, ruộng bao ni lông, bao tải, cành cây… cắm khắp ruộng.

14-40-23_nh-2
Chuột cắn phá lúa, người dân bày "ma trận" trên đồng ruộng

 

Bà Nguyễn Thị Lan, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình chia sẻ, cách làm này khi ban đêm có gió gây tiếng động khiến chuột sợ không còn cắn phá lúa nhưng hiệu quả không cao. “Hết cách rồi, ai bày cái gì thì áp dụng cái đó, mong sao hạn chế chuột cắn phá. Thời điểm lúa đẻ nhánh nhưng chuột cắn phá ngang cây như ri thì mất trắng. Đám nào chuột chưa ghé thăm thì bón phân mong phát triển có cái mà thu hoạch. Nơi nào cắn phá nhiều thì bỏ mặc, không đoài hoài đến”, bà Lan nói.

Theo Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Thăng Bình, toàn huyện đã có gần 200ha lúa ĐX bị chuột cắn phá. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chuột hoành hành như hiện nay là vì thời tiết bất lợi, tuy có lụt chuột chết nhiều nhưng quá trình tác động không lớn, khiến cho chuột sinh sản nhanh tại các cánh đồng.

Ngoài ra lịch thời vụ ĐX năm 2016 - 2017 bị kéo giãn nên nông dân không có thời gian để ra quân diệt chuột ngay từ đầu vụ. Một trong những biện pháp hữu hiệu là huy động đông đảo lực lượng để tham gia đào bắt chuột.

14-40-23_img_4016
Người dân dùng ni lông bao quanh bờ ngặn chuột vào ruộng cắn phá lúa

 

Để ngăn chặn, trạm chỉ đạo các địa phương theo dõi diễn biến tình hình, huy động các hội đoàn thể, cùng người dân ra quân diệt chuột. Nhiều địa phương đang tiến hành tổ chức ra quân diệt chuột, có gần 10.000 con chuột đã bị tiêu diệt. Đồng thời các xã đã trích nguồn kinh phí của đơn vị để thu mua từ 3-4.000 đồng/đuôi chuột để hỗ trợ nông dân.

Vụ ĐX 2016-2017 tỉnh Quảng Nam SX trên 42.000ha lúa. Đầu vụ hai trận lũ liên tiếp đã khiến thời vụ gieo sạ chậm trễ, nhiều diện tích lúa bị hư hỏng đã gây thiệt hại cho nông dân. Đến nay lúa đang thời kỳ đẻ nhánh, chuột hoành hành. Nếu không có biện pháp ngăn chặn nhiều diện tích có nguy cơ mất trắng.

Ông Lê Muộn, PGĐ Sở NN-PTNT Quảng Nam cho biết, diện tích chuột gây hại khoảng 396ha, với tỷ lệ trung bình 2 - 5%, nơi cao 20%. Mức độ thiệt hại này xấp xỉ cùng kỳ so với các năm. Trong đợt mưa lũ cuối năm 2016, phần lớn chuột đã di chuyển đến vùng cao, cư trú ở làng mạc, nhà dân. Sở đã chỉ đạo các địa phương ra quân diệt chuột. Các địa phương hỗ trợ nông dân mua bẫy đánh bắt, thuốc hóa học, sinh học...

 

Xem thêm
Tỷ lệ tiêm chỉ đạt 52%, Quảng Nam bùng phát dịch lở mồm long móng

Tỷ lệ tiêm phòng thấp, ý thức người dân chưa cao, tập quán chăn thả rông trâu bò là những nguyên nhân dễ gây bùng phát dịch lở mồm long móng ở Quảng Nam.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.