| Hotline: 0983.970.780

Chuột tràn đồng TT-Huế

Thứ Hai 07/01/2013 , 09:34 (GMT+7)

Nông dân ở TT-Huế đang phải lao đao bởi chuột tràn đồng, nhiều nơi vừa gieo sạ xong đã bị chuột “ngốn” sạch lúa giống.

Cùng với tình trạng thiếu nước, vấn nạn “giặc chuột” đã gây khó khăn cho vụ đông xuân ở tỉnh TT- Huế

Không chỉ gặp khó khăn vì đồng ruộng thiếu nước nghiêm trọng khi bước vào vụ đông xuân, nông dân ở TT-Huế còn phải lao đao bởi chuột tràn đồng, nhiều nơi vừa gieo sạ xong đã bị chuột “ngốn” sạch lúa giống. Trong khi đó, do số lượng chuột quá lớn dường như đã làm vô hiệu các biện pháp phòng trừ.

Chuột tràn đồng

Chạy dọc tỉnh lộ dẫn ra các địa phương có nhiều diện tích lúa như Hương Sơ (TP.Huế), Quảng Thọ, Quảng Thành, Quảng Phước (huyện Quảng Điền), những ngày này, bà con nông dân đang tranh thủ ra đồng diệt chuột. Ven chân ruộng, xác chuột nằm ngổn ngang, bà con từ già tới trẻ người thì tranh thủ đặt bẫy, người đào hang.

Theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ trong một buổi sáng, nhiều địa phương là vựa lúa của tỉnh TT-Huế đã diệt được cả chục nghìn con chuột. Ông Nguyễn Thượng Huy, một nông dân ở phường Hương Sơ cho biết: “Gần 30 chục năm trồng lúa, chưa thấy năm mô chuột nhiều như năm ni. Hầu hết diện tích ruộng không có lụt nên không ngập được vì thế chuột sinh sản tràn đồng. Gieo xong vài ngày, lúa chưa kịp mọc mầm đã bị ngốn sạch”.

Hỏi về tình hình sản xuất của bà con, ông Nguyễn Văn Sớm - Phó chủ nhiệm HTX Thống Nhất, phường Hương Sơ, lắc đầu ngán ngẩm: “Dự báo năm nay là năm quá khó khăn rồi chú à. Chưa chi mà “giặc chuột” hoành hành dữ quá, năm nay năng suất giảm mạnh là cái chắc”. Theo ông Sớm, toàn HTX vụ đông xuân năm nay đưa vào sản xuất gần 200 ha, hiện nay đã gieo cấy gần 1/3. Từ đầu tháng 12 đến nay đã có 3 ha gieo sạ bị chuột tấn công, ăn sạch lúa giống.

Hàng năm, ở HTX Thống Nhất, năng suất lúa đạt 60 tạ/ha, dự kiến năm nay giảm mạnh do số lượng chuột hoành hành nhiều, đồng ruộng cũng thiếu phù sa bồi đắp do không có lụt. Tại xã Quảng Phước, nhiều diện tích đồng ruộng vừa gieo sạ cũng bị chuột tấn công dữ dội. Nhiều nơi phải cào lại hoặc gieo lại hoàn toàn.

Đang lúi húi đào hang bắt chuột ở chân ruộng, anh Phan Phúc, một nông dân ở thôn Thủ Lễ, xã Quảng Phước lo lắng: “Năm nay gia đình tui sạ 4 sào lúa, tuần qua chuột đã ăn mất 1/3 diện tích rồi. Hiện nay, giống lúa bán với giá 12 nghìn đồng/kg, với 4 sào tui sạ gần 30kg lúa, số diện tích bị ăn không chỉ mình tốn lúa giống để sạ lại mà còn phải tốn tiền cày lật, mất thời gian trong khi khung thời vụ không thể trễ được. Nếu trễ thì khi cây mạ lên gặp đợt rét đậm rét hại xem như toi cơm!”.

Theo chân những nông dân Quảng Phước ra ruộng chỉ mỗi buổi sáng, đã thấy bà con diệt hơn 1.000 con chuột. Nhiều nơi chân ruộng chưa đầy 100m đã có cả mấy chục hang chuột, mỗi ổ bà con bắt đến 10-15 con. Cũng như nhiều nông dân ở Quảng Phước, số diện tích lúa gieo bị chuột “càn quét” rất lớn, đa số phải gieo sạ trở lại vì chuột tấn công nhiều, không thể khắc phục được.

Tập trung diệt chuột

Ông Nguyễn Văn Sớm - Phó chủ nhiệm HTX Thống Nhất, phường Hương Sơ cho biết: “Trước tình hình chuột hoành hành dữ dội trên đồng ruộng, HTX đã cấp cho bà con 600 bẫy cũng như một cơ số thuốc để diệt chuột. Tuy nhiên, do số lượng chuột quá lớn, không thể diệt hết được nên hiện có một số hộ dân yêu cầu dùng bẫy điện, HTX đã ngăn chặn kịp thời. Trong thời gian này HTX cũng khuyến cáo bà con hạn chế chăn thả gia súc, gia cầm ngoài ruộng bởi sẽ bị ảnh hưởng thuốc chuột”.

Tại địa phương Quảng Phước, ông Ngô Đình Triển - Chủ nhiệm HTX Đông Phước thông tin: “Hiện nay bà con đã tiến hành gieo sạ 142 ha trên tổng diện tích 263 ha toàn xã. Từ đầu tháng 12 đến nay, các vùng Bàu Cặp Đường, Ba Da, Rộc Thủy Lê, Lịch Ninh sau khi sạ đều bị chuột tấn công từ 30-40%, có nơi lên đến 50%, phải sạ lại hoàn toàn. Trước tình hình đó, HTX đã huy động nhà nhà, người người ra đồng diệt chuột bảo vệ mùa màng”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đình Nam - cán bộ phụ trách chăn nuôi và trồng trọt của Phòng NN-PTNT huyện Quảng Điền cho biết: “Đến nay toàn huyện đã gieo sạ được 600 ha trên tổng số 4.215ha. Số diện tích bị chuột cắn phá từ 25-40%, chủ yếu tập trung ở các vùng đất cao, không ngập nước. Nhằm khuyến khích người dân tham gia diệt chuột bảo vệ đồng ruộng, phía huyện đã cùng các HTX nông nghiệp trích kinh phí thu mua đuôi chuột với giá từ 500-1.000 đồng/đuôi”.

Xem thêm
Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất