| Hotline: 0983.970.780

Chuyện ba chú khỉ bịt miệng, bịt mắt, bịt tai

Thứ Bảy 06/02/2016 , 14:35 (GMT+7)

Ở đất nước Phù Tang này từ xa xưa người ta đã triết lý sâu xa, thâm thúy rằng: Bịt mắt để dùng tâm mà nhìn. Bịt tai để dùng tâm mà nghe. Bịt miệng để dùng tâm mà nói. 


Tác giả (phải) trong chuyến thăm Nhật Bản

Sau tháng Tư lễ hội hoa Anh đào của đất nước Phù Tang, con gái tôi đang làm việc tại Tokyo, tổ chức cho gia đình một chuyến du lịch thăm mùa thu vàng Nhật Bản...

Nhật Bản vào thu, khắp nơi không gian như được nhuộm đủ những sắc màu rực rỡ của lá phong, lá thích và những hàng ngân hạnh (cây rẻ quạt). Khắp mọi nẻo đường, từng hàng cây bên đường, tới rừng núi mờ xa, khắp mọi nẻo đường mùa cây lá chuyển màu từ xanh thẫm sang vàng ươm rồi hóa thành đỏ rực. Màu sắc cây rừng thiên nhiên ấy, không có ở nước ta, nên mới là kỳ thú ở xứ Phù Tang thu hút khách.

Lần này tua du lịch đưa gia đình chúng tôi đến với Nikko, thành phố du lịch nổi tiếng, thuộc quận Tochigi, nằm ở phía bắc tỉnh Kanto, cách thủ đô Tokyo 140 km. Đây cũng là trung tâm của Phật giáo và đạo Thần của Nhật Bản trong nhiều thế kỷ.

Từ Tokyo, chúng tôi đi tàu tốc hành sau 2 tiếng đồng hồ đã đến Nikko. Thành phố này có bề dày lịch sử hơn 800 năm với những đền thờ linh thiêng, nổi tiếng nhất là cụm đền chùa Nikko gồm đền Nikko Toshogu, đền Futarasan và chùa Rinno, gồm 103 hạng mục, trong đó 9 hạng mục được xếp hàng quốc bảo và 94 hạng mục xếp hàng tài sản văn hóa trọng yếu của xứ Phù Tang, được công nhận là Di sản thế giới năm 1999.

Phía bên kia đường vào đền Nikko Toshogu là con sông Daiya với cây cầu Thần gỗ cong (Shin kyo) sơn son màu đỏ đẹp mắt giống như cầu gỗ cong Thê Húc ở Hồ Gươm, Hà Nội.

Đền Nikko Toshogu do Tokugawa Hidetaka, con trai của Chinh di Đại tướng quân Tokugawa Ieyasu thời Mạc phủ, xây vào năm 1617. Sau đó, Tokugawa lemitsu là cháu của Đại tướng quân mở rộng thêm. Công trình đã mời những họa sĩ, kiến trúc sư và những thợ thủ công hàng đầu trên khắp đất nước để xây dựng trong vòng 1 năm 5 tháng.

Đền Nikko Toshogu được xây dựng theo ý nguyện Chinh di Đại tướng quân Tokugawa Ieyasu lúc còn sống, mục đích là để phong thần cho Chinh di Đại tướng quân (mất  năm 1616), để ngài tiếp tục bảo vệ đất nước Nhật Bản được muôn đời, ngài còn được phong là Thành Hoàng của Tokyo.

Chinh di Đại tướng quân là người thống nhất nước Nhật sau hàng trăm năm chiến loạn do sự tranh bá của các sứ quân trong thời kỳ Sengoku. Năm 1603, Đại tướng quân Tokugawa Ieyasu dựng lên nhà Edo đóng đô ở Edo (Tokyo ngày nay).

Triều đại Edo kéo dài 15 đời chấm dứt vào năm 1868 khi Minh Trị Thiên Hoàng trở lại nắm thực quyền. Mộ của Chinh di Đại tướng quân được chôn cất ở hậu cung đền Nikko Toshogu trong ngôi mộ đúc đồng. Đến với mộ ngài, du khách phải qua cổng trong vương cung tới chính điện sau đó theo con đường nhỏ 207 bậc đá tam cấp trong rừng cây sugi cổ thụ với hơn 15.000 cây.

Trở lại cổng thứ hai từ cửa đền vào là một quảng trường có vài tu viện lớn nhỏ đều sơn son thiếp vàng (đặc trưng màu sơn ở các đền chùa Nhật Bản). Một hàng trụ thạch đăng (hàng cột đá) đặt bồn rửa tay, tẩy uế, trước khi vào đền chính. Qua khu rửa tay tới khu chuồng ngựa thần. Trên rèm mái nhà của chuồng ngựa này có các bức điêu khắc gỗ trong đó có 8 bức khắc về khỉ.

Một trong số đó có bức đặc biệt nhất khắc 3 chú khỉ, có tên từng chú khỉ là Kikazaru (bịt tai), Mizaru (bịt mắt) và Iwazaru (bịt miệng). Ba chủ khỉ với vẻ mặt ngộ nghĩnh là hình tượng người Nhật Bản biểu đạt triết lý nhà Phật dạy rằng không nghe điều bậy, không nhìn điều bậy, không nói điều bậy. Bức khắc này của nghệ nhân Hidari Jingoro rất nổi tiếng từ thế kỉ XVII.

3-chu-khi-o-den-nikko-toshogu175400837
Bức tượng ba chú khỉ nổi tiếng ở Nhật Bản

Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy bức khắc nổi tiếng về ba chú khỉ thông thái ở đất nước Phù Tang. Ngắm đi ngắm lại rồi suy ngẫm, đây là lời dạy dỗ của người xưa để lại cho chúng ta. Đúng là bịt tai, bịt mắt, bịt miệng nghĩa đen là không nghe, không thấy, nhưng lời người xưa đâu có đơn giản như vậy.

Ở đất nước Phù Tang này từ xa xưa người ta đã triết lý sâu xa, thâm thúy hơn, rằng: Bịt mắt để dùng tâm mà nhìn. Bịt tai để dùng tâm mà nghe. Bịt miệng để dùng tâm mà nói. Ấy là dạy cho con cháu biết lẽ mà sống trên hết là cái tâm. Người mắt sáng, tai thông, miệng khéo mà không có tâm, không bằng người mắt mờ, câm, điếc, mà lòng trong dạ thẳng có tâm, không hại người, hại đời.

Đã gần 400 năm bức khắc này trường tồn với thời gian, không biết đã có bao nhiêu con người đã đến nới đây chiêm nghiệm triết lí cuộc đời từ hình tượng ba chú khỉ bịt tai, bịt mắt, bịt miệng lặng im trên thớ gỗ khắc. Nhưng không phải ai cũng biết về nguồn gốc cũng như hiểu đầy đủ ý nghĩa sâu xa mà người xưa ở xứ Phù Tang muốn truyền dạy lại cho thế hệ sau qua bức tượng tưởng chừng như vô tri ấy.

Người ta nói xuất xứ của bức tượng này bắt nguồn từ Ấn Độ vài ngàn năm về trước. Lúc đầu, đó là bức tượng về thần Vajrakilaya có 6 tay, mỗi đôi tay dùng để bịt hai mắt, hai tai và miệng để không nhìn thấy, không nghe thấy và không nói gì trước sự đời.

Tư tưởng “ba không” này theo các nhà tu Phật giáo du nhập vào Trung Quốc không rõ vào thời kì nào. Sau đó vào khoảng thế kỷ thứ 9 (có tài liệu ghi năm 838), một thiền sư người Nhật trong chuyến đi làm phận sự ở Trung Quốc đã mang theo tư tưởng “ba không” này về Nhật Bản. Thấm nhuần tư tưởng ấy, nghệ nhân Hidari Jingoro (1594 - 1634), với cách nhìn thâm túy đã khắc lên hình tượng ba chú khỉ thông minh ở đền Nikko Toshogu nhằm để răn dạy mỗi người không được nói bậy, không nhìn bậy và không nghe bậy.

Nghe chuyện nước người lại nghĩ đến chuyện mình thấy điều hay thì học, thấy điều dở thì tránh. Hình tượng ba chú khỉ thông minh kia cho chúng ta cách nghĩ để tự giải thoát mình khỏi nỗi khổ vì phải nghe chuyện thiên hạ, khổ vì phải nói chuyện thế gian và khổ vì nhìn lỗi người khác mà không thể rộng lòng tha thứ. Để thế giới của những kẻ vô cảm, những người theo triết lí “mackeno" (mặc kệ nó) hãy nghe chuyện ba chú khỉ thông minh của xứ Phù Tang mà để cho cái tâm của mình lên tiếng dắt dẫn cuộc đời mình.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất