| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 02/12/2014 , 08:56 (GMT+7)

08:56 - 02/12/2014

Chuyện “bảy bị còn một”

Người đời vẫn nói, đi buôn mà không tỉnh thì lỗ chỏng gọng, lỗ đến mức “bảy bị còn ba”. Nhưng chuyện ở đây còn bi thảm hơn. Bảy bị chỉ còn một.

Số là chiều ngày 28/11, Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) - Chi nhánh Lý Thường Kiệt (TP.HCM) điều xe tới kho chứa 3.360 tấn cà phê của Cty Trường Ngân tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương (là tài sản mà Cty này đã thế chấp cho Agribank để vay tiền, nhưng không trả được) để xiết nợ.

Nào ngờ đến nơi, đã bị bảo vệ và đại diện của 6 ngân hàng khác kéo đến ngăn cản. Lý do: Kho cà phê đó cũng là tài sản mà Cty Trường Ngân đã thế chấp cho họ để vay tiền. Và cũng không trả được. Nên kho cà phê này đã trở thành tài sản của họ.

Bảy ngân hàng cùng xách bị đến một kho hàng. Tranh chấp đã xảy ra.

Một ngân hàng còn đưa một chiếc xe 7 chỗ đến chắn ngang cửa kho để “tử thủ”.

Có ba điều không thể tưởng tượng nổi trong vụ việc này.

Thứ nhất, đây không phải lần đầu tiên xảy ra chuyện tương tự. Trước đó, đã hai lần có ngân hàng đến phát mãi kho cà phê của Cty Trường Ngân và cũng đã bị các ngân hàng khác đến ngăn cản, cũng với lý do trên.

Thứ hai, trong số 3.360 tấn cà phê trong kho của Cty Trường Ngân, người ta đã phát hiện có tới 800 tấn là… sỏi và tro, trấu.

Và thứ ba, chỉ bằng một kho cà phê này, Cty Trường Ngân đã thế chấp cho 7 ngân hàng để vay tổng cộng 600 tỷ đồng, một số tiền lớn gấp cả chục lần giá trị thực của tài sản thế chấp.

Cuộc tranh chấp lần này căng thẳng đến mức Công an thị xã Dĩ An phải can thiệp.

Bảy ngân hàng trên đều kinh doanh dưới sự điều chỉnh của tầng tầng lớp lớp những văn bản quy phạm pháp luật và sự quản lý, giám sát rất chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước. Cứ tưởng như vậy thì một xu cũng đừng hòng thất thoát.

Ấy vậy mà thất thoát vẫn cứ xảy ra. Vụ án “cố ý làm trái” của Huỳnh Thị Huyền Như khiến Vietinbank thất thoát tới 4.000 tỷ đồng. Nỗi hãi hùng của thiên hạ chưa kịp lắng, thì nay lại xảy ra vụ “bảy bị còn một” này.

Và còn không biết bao nhiêu vụ một tài sản đem thế chấp nhiều ngân hàng nữa, nhưng mức độ nhỏ hơn nên không nhắc xuể.

Và cũng cứ “đến hẹn lại lên”. Sau mỗi vụ tiền Nhà nước bay theo gió, thì những quan chức của ngành Tài chính, Ngân hàng lại lên tiếng. Nào là còn có lỗ hổng trong quản lý rủi ro của các ngân hàng; nào là cơ sở hạ tầng tài chính của ta vẫn còn yếu ở những lĩnh vực quan trọng; nào là còn khoảng trống lớn trong khuôn khổ pháp lý; nào chúng ta phải hoàn thiện quy định pháp lý.

Biết rồi. Khổ lắm. Nói mãi.

Đã biết là có lỗ hổng, có khoảng trống, chưa hoàn thiện… thì sao không bịt lỗ hổng, lấp khoảng trống, không hoàn thiện trước đi, để những vụ việc trên không thể xảy ra?

Và trong vụ việc này, thì dấu hiệu lừa đảo của Cty Trường Ngân đã rất rõ ràng. Hành vi đó diễn ra không chỉ một mà tới ba lần.

Nhưng vì sao qua hai lần trước, các ngân hàng trên vẫn không biết đề phòng, vẫn tiếp tục cho Cty này vay với số tiền khổng lồ như vậy? Do non kém về nghiệp vụ? Hay cố ý để có phần trăm phần nghìn? Kinh doanh như vậy, trách gì mà nợ xấu chả chồng chất?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm