| Hotline: 0983.970.780

Chuyến biển kinh hoàng, cá mập dài cả chục mét cướp đi người thuyền trưởng

Thứ Năm 28/12/2017 , 14:30 (GMT+7)

Một ký vây cá mập hiện có giá lên đến cả chục triệu đồng, chỉ cần một chuyến bủa trúng, ngư dân trở thành tỷ phú ngay. Đó chính là lý do khiến nhiều ngư dân bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng đối mặt với hàm răng sắc nhọn như lưỡi cưa của “sát thủ”, đánh cược mạng sống của mình.

Chuyến biển kinh hoàng

Trong lúc đang lang thang ở cảng cá Đông Hải, TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, một nhóm ngư dân trên chiếc tàu cá đang neo tại cảng thấy chúng tôi cầm máy ảnh nên vừa cười vừa vẫy tay rối rít. Sau khi cười đáp lễ, họ nhiệt tình mời chúng tôi lên boong tàu, dùng cơm trưa.

14-19-16_nh_1
Cảng cá Đông Hải, TP.Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, nơi từng có những đội tàu săn “cọp biển” hùng hậu

Nghe tôi đề cập chuyện săn cá mập, anh ngư dân tên Tám Tèo, năm nay 40 tuổi, “ồ” lên một tiếng rồi bảo: “Con tàu này xưa từng là tàu săn mập nè. Thuyền trưởng là con của một thợ săn mập khét tiếng ngày xưa đó”.

Người thuyền trưởng mà anh Tèo nói tên Liêm, năm nay mới 46 tuổi, nhưng cũng đã có thâm niên cả 30 năm lênh đênh trên biển. “Tôi theo cha đi biển từ năm mới 15-16 tuổi. Khi đó, thuỷ thủ trên tàu toàn anh em, dòng họ. Do tàu lớn nên mỗi chuyến đi cả tháng trời, ra biển xa. Vừa đánh bắt cá ngừ, vừa câu mập.

14-19-16_nh_2
Ngư dân trên tàu cá anh Liêm nay không còn săn mập nữa. Dù khó trở thành tỷ phú hơn, nhưng các anh lại thấy thoải mái, nhẹ nhõm trong lòng hơn xưa

Trên tàu khi đó, có người anh con bác ruột tên Huỳnh Đại Hải, tuổi gấp đôi tuổi tôi, rất giỏi câu mập, anh Hải chính là người dạy cho tôi bài học vỡ lòng về nghề săn mập. Năm 1999, anh tôi đã có tàu riêng, chỉ chuyên săn mập. Sau vài chuyến bủa lớn trúng lớn, anh đã về cất nhà rất to, mua sắm không thiếu thứ gì. Nhưng rồi, trong một lần săn mập trên vùng biển Hoàng Sa, con “cọp biển” nặng gần 7 trăm ký bị dính câu, đã lồng lộn kéo anh xuống biển. Khi bị kéo lên khoang, miệng nó vẫn ngoạm chặt ngang người anh tôi”, giọng anh Liêm thoảng trong gió biển.

Ngày định mệnh đó xảy ra cách đây 18 năm, nhưng anh Liêm vẫn nhớ rất rõ. Hôm đó, sau khi chuẩn bị xong xuôi cho một chuyến săn lớn, thuyền trưởng Hải thắp hương khấn vái hải thần cho một chuyến ra khơi bình an, may mắn. Nhưng, như có điềm báo trước, hương cháy rồi tự tắt mấy lần. Anh Hải biết không muốn các thành viên trên tàu lo lắng, vẫn ra khơi. Sau hai ngày thả câu, mặt biển vẫn lặng như tờ, mọi người bắt đầu nản, muốn tìm bãi câu khác, nhưng anh Hải qủa quyết rằng đây chính là nơi đang tập trung nhiều "cọp biển" và quyết định thả câu thêm một đêm nữa.

Quả nhiên, đêm thứ 3, khi các ngư dân đang mệt mỏi thì bỗng thấy hàng loạt dây câu rung lên bần bật. Ngay lập tức, anh Hải ra tín hiệu, mọi người hợp nhau tời cước. Từ đằng xa, một con mập với cái vây lưng hình tam giác đen, lừng lững như chiếc tàu ngầm trồi lên mặt nước. Thân nó đổ dài đến cả gần chục mét. Đi gần đến tàu bỗng nhiên nó quẫy đuôi quay đầu trở lại. Gần chục thanh niên cường tráng vật lộn với con quái thú điên cuồng. Do dính lưỡi câu trong miệng, con cọp biển lúc ngoan ngoãn nghe lời, bơi lại gần ghe, lúc lại quẫy mạnh, quay đầu ra ngoài…

14-19-16_nh_3
Anh Liêm chủ tàu (ngoài cùng bên trái), một thời là sát thủ săn “cọp biển”

Sau một hồi chiến đấu, con “cọp biển” mất máu, bắt đầu mệt, bị “dắt” vào sát ghe, lúc này, anh Hải lại sát mép ghe, dùng cây đoọc (lao) phóng mạnh vào than "thủy quái". Bị trúng lao, nó đau đớn quẫy mạnh, cây đoọc cũng quật ngang, gạt anh Hải xuống biển. Vừa nhìn thấy anh, dù phải chống chọi với những lưỡi câu sắc lẹm trong miệng, con “quái thú” vẫn điên quồn lao vào anh cắn xé. Tất cả thành viên trên tàu sững sờ giây lát, đứng nhìn người thuyền trưởng vẫy vùng trước miệng thuỷ quái trong vô vọng. Sau đó, mọi người tiếp tục chiến đấu với "con cọp" biển hơn 2 giờ đồng hồ nữa mới lôi được nó lên boong. Miệng nó vẫn ngoạm chặt người thuyền trưởng.

“Chuyến đó tôi theo ghe của cha đánh bắt cá ngừ. Nghe tin dữ, cha vội cho tàu quay về. Vẫn kịp nhìn thấy anh lần cuối. Nhưng đã liệm kín. Nghe anh em kể lại, anh chết không vẹn, thân thể bị con mập cắn xé, nhay muốn nát phần giữa người, từ ngực đến mông. Sau lần đó, tôi nằm liệt cả tháng trời trong nhà”, anh Liêm kể.
 

Ám ảnh

Sau khi người anh chết bởi hàm cá mập, anh Liêm quyết định mua lại con tàu. Lúc này, anh ra khơi không chỉ đơn thuần là kiếm tiền, mà còn có thêm mối hận loài hung thần, đã cướp đi người anh của mình.

“Sau đó, suốt mấy năm trời, tôi chỉ chú tâm vào việc săn cá mập, tôi ra tít biển Hoàng Sa, nhiều lúc xâm phạm cả vùng biển Philippines. Hồi đó, biển nhiều cá hơn bây giờ, chẳng cần đi xa, nên nhiều ngư dân không cần thiết phải mạo hiểm tính mạng vào việc săn cá mập. Cho nên, có chuyến biển trở về, sau khi chia cho anh em bạn, tôi còn đưa vợ cả nửa tỷ đồng”, anh Liêm kể.

Mặc dù vậy, anh Liêm cũng chỉ theo nghề săn mập đến năm 2007. “Sao anh không tiếp tục nghề săn mập nữa?”, tôi hỏi. Anh đáp: “Nhiều lý do lắm. Quan trọng nhất là nỗi sợ hãi. Sợ hãi từ đầu đến cuối chuyến câu. Khi con “quái thú” dính câu, mình với nó là một mất một còn. Sau khi khuất phục được nó, lại run khi mổ bụng nó ra”.

Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, anh Liêm kể tiếp: “Có một lần, chúng tôi câu được con mập trắng, loài hung dữ nhất trong các loại cá mập. Con này nặng hơn 800 kg, trên mình nó có vài vết thương cũ. Trong lúc mổ bụng nó, xẻ thịt để đông lạnh, khi luồn tay vào ổ bụng, móc bộ lòng ra, tôi đụng phải vật gì cứng cứng trong bao tử nó. Đến khi rạch bao tử nó ra, tất cả chúng tôi chết điếng, có người ngất xỉu tại chỗ. Anh biết chúng tôi thấy gì không? Đó là một cái sọ người, vẫn còn dính tóc, hai hốc mắt chưa bị tiêu hoá. Tôi không biết dùng từ gì để tả hết sự khiếp đảm khi đó. Nó khác hoàn toàn với cảm giác khi nhìn thấy một xác chết bình thường. Vạch hết bao tử nó ra, chúng tôi tìm thấy chân, tay, vài đoạn xương. Xem qua những phần thi thể, chúng tôi đoán đây là một ngư dân, và có thể cũng là một tay săn mập. Sau đó, chúng tôi cho tàu quay về, chôn cất toàn bộ những gì thu thập được cùng con “quái thú”, với mong muốn người bị nó nuốt được an ủi phần nào và phù hộ cho chúng tôi”.

Anh Liêm bảo, sau lần đó, anh còn nhiều lần khác mổ bụng những con cá mập từng nuốt người khi phát hiện trong bụng chúng vài thứ của con người còn sót lại như đồng hồ, tóc, xương chân tay… “Tôi bị ám ảnh, nhiều đêm thấy ác mộng, thấy mình bị cá mập cắn mất hết chân tay, tròn lông lốc như trái banh. Tỉnh dậy mồ hôi đầm đìa”, anh nói.

Một lý do khác khiến anh Liêm bỏ nghề săn mập là loài cá này ngày càng ít đi. Muốn săn được chúng, phải đi rất xa, tàu phải lớn đầu tư nhiều, mà chưa chắc đã săn được, trong khi phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn. Nhiều khi phải qua hải phận nước bạn như Thái Lan, Indonexia…Và có thể trắng tay khi bị bắt giữ, bị tịch thu toàn bộ ngư cụ, ghe.

Cảnh vật lộn với “cọp biển” dưới nước. Và khi bị thu phục, người yếu bóng vía cũng không dám nhìn hàm răng sắc như lưỡi cưa của nó (Ảnh: Minh Tuấn):

14-19-16_nh_4
 
14-19-16_nh_6
 
14-19-16_nh_7
 
“Tôi quyết định bỏ săn mập cách đây 12 năm. Đó là năm 2005, lần đó chúng tôi bất ngờ bị một cơn nổi giận lôi đình của thiên nhiên giáng xuống, vì quá xa nên không tránh kịp, đành phó mặc số phận. Sau khi chiếc tàu bị quật nát, 12 ngư dân trên tàu ôm chặt phao, mặc cho sóng vùi dập. Khi đó, tôi nghĩ phen này về chầu Diêm Vương là cái chắc. Nhưng may mắn thay, cơn giông lốc chỉ đến trong một đêm rồi đi, sáng ra, trời yên biển lặng. Nhưng, chỉ có tôi và 3 thuyền viên khác được tàu bạn cứu sống. Số còn lại đã trở thành “bóng chim tăm cá”. Sau lần đó, tôi định đổi nghề, nhưng rồi, biển như thấm vào máu thịt, không bỏ được. Tôi lại ra khơi, nhưng không săn mập nữa”, anh Liêm tâm sự.

 

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.