| Hotline: 0983.970.780

Chuyến biển kinh hoàng

Thứ Năm 12/06/2014 , 10:15 (GMT+7)

Sau 1 ngày 1 đêm đối mặt với tử thần do chiếc tàu bất ngờ bốc cháy khi đang tiến về ngư trường Hoàng Sa, 16 thuyền viên vẫn chưa hết kinh hoàng./ Một tàu cá của ngư dân Lý Sơn cháy trên biển

Cờ Tổ quốc cứu mạng

19 giờ tối ngày 10/6, 16 thuyền viên gặp nạn trên tàu cá QNg-96084 TS được tàu hải quân HQ 884 đưa về Lý Sơn an toàn. Nhìn những gương mặt bơ phờ, hốc hác nhưng không dấu được nét vui mừng khi được cứu sống, giờ được về với gia đình của 16 thuyền viên.

Thuyền trưởng Nguyễn Chí Thạnh (ở thôn Tây, xã An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi)) đã giúp tôi hình dung ra sự việc qua những câu chuyện kể rời rạc, vì dù đã về đến bờ nhưng anh vẫn chưa hoàn hồn khi vừa thoát chết trong gang tấc. Thạnh kể: Tàu QNg-96084 TS cùng 16 thuyền viên mở cửa biển vào 9 giờ ngày 9/6. Đang thẳng tiến ngư trường Hoàng Sa, khi tàu đi cách huyện đảo Lý Sơn khoảng 35 hải lý thì khoang máy bỗng bốc cháy dữ dội.

Khi ấy chỉ còn mỗi Thạnh thức cầm lái, 15 thuyền viên kia đang chìm trong giấc ngủ. Thạnh lập tức hô hoán anh em dậy, ngọn lửa bùng to khi 4 tấn nhiên liệu dự trữ gần khoang máy bắt lửa. Lửa cháy nhanh đến không kịp dùng máy Icom liên lạc kêu cứu.

Biết là không thể chữa cháy kịp nữa, cả 16 thuyền viên đồng loạt nhảy ùm xuống biển, vừa bơi vừa rơi nước mắt nhìn chiếc tàu như 1 ngọn đuốc lớn chìm dần phần đuôi. “Không kịp trở tay nên khi nhảy xuống biển trên người anh em chỉ có mỗi chiếc quần đùi”, Thạnh nói.

Ngọn lửa tấn công con tàu đúng 3 giờ đồng hồ, đến 12 giờ trưa hôm đó phần đuôi con tàu chìm hết xuống biển nên ngọn lửa được dập tắt. Lúc đó 16 thuyền viên mới lóp ngóp bơi về tàu, leo lên bám vào phần mui tàu còn nổi, chia nhau lặn xuống các hầm đá, vớt vát được khoảng 20 lít nước khoáng đóng chai và lục tìm lá cờ Tổ quốc để làm tín hiệu kêu cứu. May quá, lá cờ vẫn chưa bị cháy, ngư dân lập tức gắn vào chiếc cây và thay nhau quơ liên hồi lên không trung với cầu mong có tàu nhìn thấy.

“Lúc tàu chúng tôi bị cháy, rất gần chúng tôi có 1 chiếc tàu giã cào của Trung Quốc đang đánh bắt trái phép hàng mấy giờ đồng hồ, họ nhìn thấy tàu chúng tôi bốc cháy nhưng không đến cứu, đánh bắt xong bỏ đi, chúng tôi ai nấy đều hừng hực căm hận sự bất nhân này”, ngư dân Bùi Văn Chung bức xúc cho biết.

Lo sợ không tàu nào nhìn thấy tín hiệu kêu cứu của mình, 16 thuyền viên trên tàu anh Thạnh góp nhặt những tấm ván tàu đã bị cháy, dùng dây neo nhỏ buộc lại thành 2 chiếc bè chuẩn bị tinh thần lênh đênh dài ngày chờ gặp tàu cá bạn thuyền. Nước ngọt chỉ được uống khi không thể còn nhịn khát và chỉ 1 ngụm để cầm cự.

10-50-27_1
Gương mặt thất thần của thuyền trưởng tàu cá bị cháy Nguyễn Chí Thạnh khi mới vào bờ

“Dù chưa biết sống chết thế nào nhưng anh em động viên nhau bằng cách hát vang những bài hát về biển đảo”, ngư dân Bùi Văn Chung, nói. Trời còn thương, vào 9 giờ sáng ngày 10/6, chiếc tàu HQ 884 đang làm nhiệm vụ gần đó nhìn thấy qua ống nhòm tín hiệu kêu cứu từ lá cờ Tổ quốc, liền tiếp cận cứu hộ. Thế là 16 thuyền viên trên chiếc tàu bị cháy được cứu sống.

Tình quân dân

Sau khi đưa 16 ngư dân về tới đảo Lý Sơn, làm thủ tục bàn giao ngư dân cho ngành chức năng và địa phương tại tàu HQ 884, 20 giờ đêm 10/6 những thuyền viên được đưa vào bờ. 16 gương mặt bơ phờ, 16 thân thể rũ rượi đặt chân lên đất liền trong cảm giác mơ hồ chưa dám tin mình đã được cứu sống. Ra đón con, bà Trần Thị Tám (60 tuổi), mẹ của thuyền trưởng Thạnh nói trong tiếng khóc nức nở: “Còn sống hơn đống vàng, tui cám ơn mấy anh lính đã cứu con tui”.

Thượng úy Vũ Trọng Phú, thuyền trưởng tàu HQ 884, cho biết: “Lúc đó chúng tôi đang thực hiện nhiệm vụ cách tàu gặp nạn khoảng 3 hải lý. Quan sát qua ống nhòm, nhìn thấy tín hiệu kêu cứu từ lá cờ Tổ quốc, chúng tôi liền tiếp cận và tổ chức cứu hộ 16 ngư dân lên tàu trong tình trạng sức khỏe đã suy yếu sau 1 ngày 1 đêm vật vã trên biển. Sau khi được sơ cứu, ăn uống, 16 ngư dân được chúng tôi cấp quần áo và nghỉ ngơi, hiện đã dần phục hồi sức khỏe”.

Tại cuộc gặp gỡ ngắn giữa các chiến sĩ trên tàu HQ 884 cùng chính quyền địa phương và thân nhân của 16 ngư dân tại Đồn Biên phòng Lý Sơn, ông Nguyễn Thanh, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn, cảm động nói: “Trong khí thế hừng hực bám biển của ngư dân Lý Sơn nhằm khẳng định chủ quyền tại ngư trường Hoàng Sa hiện nay, được sự trợ giúp kịp thời của lực lượng tàu chấp pháp trên biển như trong vụ cháy tàu này đã khiến ngư dân yên tâm bám biển hơn”.

Tại cuộc gặp mặt, các chiến sĩ tàu HQ 884 tặng ngư dân 4 triệu đồng để bồi dưỡng sức khỏe. Sáng 11/6, UBND huyện Lý Sơn tổ chức đến thăm những ngư dân gặp nạn và tiếp tục hỗ trợ.

Họa vô đơn chí

Nghe nói về những thiệt hại trên biển trong 5 năm gần đây của thuyền trưởng Nguyễn Chí Thạnh tôi không khỏi giật mình và càng cảm phục tinh thần thép của anh. Dù đã trải qua rất nhiều gian truân trong thời gian ngắn nhưng Thạnh và các thuyền viên vẫn kiên cường bám biển.

10-50-27_3
Ngư dân trên chiếc tàu cháy được đưa vào bờ

Thạnh kể: Cuối năm 2008, sau khi mua tàu QNg-6517 TS, 2 chuyến biển đầu tiên không thu nhập bao nhiêu. Sang tháng 7 năm 2009, đi chuyến thứ 3 thì bị Trung Quốc bắt. Chiếc tàu bị thu, người thì bị giam giữ, gia đình không kiếm đâu ra 180 triệu để chuộc người nên Thạnh phải ở tù 2 tháng.

Tôi hỏi, nếu được hỗ trợ đóng tàu mới, Thạnh có còn dám theo nghề biển nữa không? Thạnh đáp ngay: Sao lại không dám, ở giữa biển mà không làm nghề biển thì biết làm gì, vừa bám biển làm ăn vừa giữ ngư trường truyền thống của mình để khỏi bị Trung Quốc xâm lấn chớ.

Cũng may lúc ấy Nhà nước can thiệp kịp thời nên Thạnh được thả về. Xót của, nhưng không nản lòng, Thạnh tiếp tục đi bạn lặn cho tàu khác kiếm thêm vốn mới. Năm 2012, dành dụm được ít vốn, vay mượn thêm, cộng với khoản Nhà nước hỗ trợ Thạnh hùn với anh em mua chiếc tàu to hơn (155CV) mang số hiệu QNg-96084 TS với số tiền 850 triệu đồng.

Hành nghề cùng chiếc tàu mới mua được hơn 1 năm, chưa kịp trả tiền vay mua tàu thì vào ngày 25/4/2013, trong khi đang neo đậu tại bến An Hải, chiếc tàu mang số hiệu QNg-96572 TS của ông Đinh Văn Giàu neo đậu bên cạnh chập điện bốc cháy, cháy lan sang ca-bin tàu anh Thạnh gây thiệt hại 165 triệu đồng.

Tàu cháy, Thạnh lập tức vay tiền sửa chữa để nhanh chóng bám biển làm ăn. Sau 2 chuyến biển, vừa kiếm đủ khoản tiền trả nợ vay để sửa tàu trước đó, đến chuyến biển thứ 3 lại bị tàu kiểm ngư Trung Quốc tấn công, phá hoại, tịch thu hết thiết bị máy móc và toàn bộ nhiên liệu, sản phẩm vào ngày 20/7/2013.

“Khi ấy, anh em chúng tôi đã đánh bắt được 5 tấn cá chàm, 200 kg hải sâm, toàn bộ sản phẩm nói trên đều bị ngư dân Trung Quốc lấy hết, cả 3.500 lít dầu cũng bị hút gần cạn, chỉ chừa lại một ít đủ chạy tàu về đến Lý Sơn. Tổng thiệt hại lên đến gần 496 triệu đồng”, Thạnh cho biết.

Chưa đến 1 năm, bây giờ tàu của Thạnh lại bị cháy, mất gần như hoàn toàn tài sản. “Trước khi ra khơi chuyến biển này tàu của tôi được tu sửa mất hơn 70 triệu và sắm tổn mất 150 triệu nữa. Nợ cũ, nợ mới chồng chất, không biết rồi đây sẽ sống ra sao”, Thạnh thở dài nói.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm