| Hotline: 0983.970.780

5 năm ban hành Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT

Chuyển biến quá chậm

Thứ Sáu 04/04/2014 , 10:29 (GMT+7)

Ngày 29/3/2011, Bộ NN- PTNT ký ban hành Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở SX kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản...

* Tập trung nhân lực xử lí các cơ sở xếp hạng C

Ngày 29/3/2011, Bộ NN- PTNT ký ban hành Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở SX kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản, trong đó phân loại các cơ sở theo tiêu chí A (tốt), B (đạt), C (không đạt). Tuy nhiên, có một thực tế là các cơ sở bị hạng C sau thời gian dài bị xếp loại, khi kiểm tra lại vẫn giữ nguyên “bảng xếp hạng”.

VẪN BÁO ĐỘNG

Tại Hội nghị giao ban công tác quản lí chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN), ATVSTP tháng 3 và triển khai nhiệm vụ tháng 4 diễn ra tại Hà Nội chiều 3/4, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (QLCLNLTS) cho biết: Trong tháng 3/2014, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lí vi phạm trong lĩnh vực VTNN, ATVSTP được các đơn vị trong Bộ NN-PTNT tiến hành triển khai, thường xuyên, theo kế hoạch.

Trong đó, Thanh tra Bộ phối hợp với Cục Chăn nuôi thành lập đoàn thanh tra đột xuất về TĂCN tại tỉnh Hải Dương và Hưng Yên, qua đó phát hiện một số sai phạm về công bố quy chuẩn, hiện đang chờ kết quả phân tích chất cấm. Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ ban hành văn bản chỉ đạo Thanh tra Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, Chi cục QLCLNLTS TP.HCM thanh tra đột xuất đối với cơ sở SX chất xử lí và cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản có sản phẩm là hàng giả, hàng kém chất lượng, hiện đang chờ kết quả.

Cũng trong tháng 3/2014, Cục QLCLNLTS đã tổ chức kiểm tra điều kiện ATVSTP theo Thông tư 48 năm 2013 của Bộ NN-PTNT với 5 cơ sở SX thủy sản xuất khẩu thì có 4 cơ sở đạt yêu cầu (1 cơ sở xếp hạng 1, 1 cơ sở xếp hạng 2 và 2 cơ sở xếp hạng 3).

Kiểm tra định kỳ 104 cở SX thủy sản xuất khẩu đã có giấy chứng nhận ATVSTP, kết quả 28 cơ sở xếp loại 1, 50 cơ sở xếp hạng 2, 23 cơ sở xếp hạng 3 và cá biệt có 3 cơ sở xếp hạng 4. Trên cơ sở kết quả kiểm tra này, ông Tiệp cho biết Cục QLCLNLTS đã tiến hành xử lí theo quy định, đưa ra khỏi danh sách ưu tiên, kiểm tra tăng cường đối với các cơ sở xếp hạng 4 hoặc từ hạng 2 tụt xuống hạng 3.

Về tiến độ triển khai Thông tư số 14, theo báo cáo của Cục QLCLNLTS cho thấy, trong quý I/2014, đã có 21 tỉnh thành gửi báo cáo kết quả triển khai cho thấy sự chậm chạp trong chuyển biến với các cơ sở hạng C.

Đối với các cơ sở SX kinh doanh thủy sản tỉ lệ xếp loại A, B là 65%, giảm so với năm 2013 khi con số này là 80%. Báo động hơn, khi tổ chức tái kiểm tra với các cơ sở đã bị xếp hạng C thì số lượng vẫn còn tới 94,6%, qua đó cho thấy gần như không có sự chuyển biến nào với những cơ sở không đạt yêu cầu này.

Với các cơ sở chế biến sản phẩm có nguồn gốc động, thực vật, tỉ lệ các cơ sở xếp hạng A, B cũng đều giảm so với năm 2013. Các cơ sở loại C ở những lĩnh vực này trong quá trình tái kiểm hầu hết vẫn nguyên như cũ.

Cá biệt, đối với các cơ sở chế biến sản phẩm có nguồn gốc thực vật, mặt hàng tiềm tàng nguy cơ cao về mất ATVSTP thì 100% cơ sở đã bị xếp loại C khi kiểm tra lại vẫn “đâu đóng đấy”. Tại khu vực giết mổ gia súc gia cầm và SXKD VTNN, khi tiến hành kiểm tra tình trạng không có gì cải thiện khi các cơ sở loại A, B ngày một giảm và loại C đều ở con số trên 80%.

KHÔNG LÀM ĐƯỢC SẼ KỶ LUẬT!

Trước sự chuyển biến quá chậm chạp tại các cơ sở bị xếp hạng C theo Thông tư 14, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chủ trì buổi làm việc rất bức xúc, nóng ruột trước sự thờ ơ của các cơ sở chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản…

Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT phải bắt tay vào xử lí bằng được các cơ sở hạng C này, nếu đơn vị nào không hoàn thành đúng kế hoạch đã hứa với Bộ, chắc chắn sẽ phải nhận hình thức kỷ luật.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, việc cho ra đời các thông tư, tiêu chuẩn, quy chuẩn cuối cùng chỉ là hướng đến mục tiêu làm sao để rau ít thuốc BVTV hơn, thịt không còn chất cấm, không còn vi sinh vật rồi thực phẩm ít chất phụ gia, bảo quản hơn… nên trong năm 2014 các đơn vị được giao trọng trách phải tập trung nguồn lực cao nhất, trước tiên là hoàn thành các văn bản còn nợ đúng thời hạn.

Tiếp theo cần phải tìm hiểu cho rõ ngọn ngành vì sao các cơ sở bị xếp hạng C, sau bao nhiêu năm kiểm tra lại vẫn dậm chân tại chỗ.

+ “Cái thiếu nhất của Cục Thú y hiện nay là thực tiễn. Đề án quản lí các cơ sở giết mổ khất không biết bao nhiêu lần rồi. Tôi khẳng định lần này mà không xong chắc chắn sẽ có người bị cách chức”, Bộ trưởng Cao Đức Phát cảnh báo Cục Thú y về sự chậm chễ ban hành Đề án quản lí các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.

+ Ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục BVTV cho biết: "Theo chỉ đạo của Bộ, hiện đơn vị đã hoàn thành và chuẩn bị trình Bộ đề án danh mục các loại thuốc BVTV dùng trên rau, dự kiến ban hành vào cuối tháng 4/2014 góp phần giải quyết bức xúc những vấn đề liên quan đến tồn dư thuốc BVTV trong rau hiện nay. Bên cạnh đó, Cục đang xây dựng khung phát triển rau an toàn cho các đô thị lớn".

“Chúng ta phân loại A,B,C theo Thông tư 14 không phải là chỉ vạch ra rồi để đấy. Bởi nguy cơ vi phạm phần lớn từ các cơ sở loại C này mà ra. Chúng ta có công cụ, phương tiện trong tay rồi tại sao lại không thể xử lí các cơ sở loại C? Do Thông tư của chúng ta chưa rõ, chưa có chế tài, do tham ô, hối lộ hay năng lực cán bộ thực thi kém? Cái này tôi yêu cầu các đơn vị chuyên môn phải làm rõ chứ không thể để tình trạng cơ sở loại C còn nhiều như vậy được”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Giải thích việc các cơ quan chức năng, cơ quan quản lí nhà nước có vẻ bất lực với những cơ sở bị xếp hạng C, ông Nguyễn Như Tiệp cho biết, hiện nay trong Thông tư 14 có quy định rất rõ đối với các cơ sở loại C, nếu trong thời gian nhất định không tiến hành cải tiến, sửa chữa để lên loại B, loại A, khi tái kiểm vẫn phát hiện vi phạm có thể tước giấy phép kinh doanh.

Tuy nhiên, theo ông Tiệp cái khó hiện nay là khâu cấp và thu hồi giấy phép thuộc quyền của Sở KH-ĐT các địa phương, một số nơi là Phòng Kinh tế các huyện.

“Thực tế các địa phương họ rất ái ngại khi xử lí vi phạm vì sợ làm sai sẽ bị các DN kiện lại. Một phần nguyên nhân của vướng mắc này phải thừa nhận là năng lực của một bộ phận cán bộ chuyên môn được giao thực thi nhiệm vụ chưa thật sự chắc tay.

Hiện nay, ngoài việc xử phạt và rút giấy phép còn một cách xử lí nữa là công bố công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin, đại chúng. Tuy nhiên, vừa qua Bộ NN-PTNT tiến hành đào tạo và cấp một loạt thẻ thanh tra viên nên chắc chắn thời gian sắp tới khâu xử phạt các cơ sở vi phạm sẽ được thực hiện chắc chắn và tự tin hơn”, ông Tiệp lí giải.

Đồng tình với quan điểm này, Cục trưởng Cục Chế biến thương mai nông lâm thủy sản và Nghề muối Nguyễn Trọng Thừa khẳng định, chúng ta hoàn toàn có khả năng xử lí các cơ sở loại C, vấn đề ở đây là có dám làm hay không mà thôi. Nhưng ông Thừa lưu ý, nếu bây giờ tiến hành đóng cửa các cơ sở loại C thì số lượng sẽ rất nhiều.

Đứng trước bài toán này, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu Cục QLCLNLTS làm đầu mối thành lập đoàn công tác gọn nhẹ đi các địa phương tìm hiểu lí do tại sao không xử lí được các cơ sở loại C. Từ đó, tìm cách tháo gỡ để hỗ trợ hoặc buộc các cơ sở đó phải cải tiến để đạt loại B, loại A theo lộ trình nhất định.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất