| Hotline: 0983.970.780

Chuyện buồn A Lưới: Hôn nhân cận huyết

Thứ Sáu 31/10/2014 , 08:15 (GMT+7)

Sợ thách cưới, tránh của cải bị thất thoát ra ngoài dòng họ là một trong những nguyên nhân khiến hàng chục gia đình ở huyện miền núi A Lưới (TT- Huế) chọn hôn nhân cận huyết như một cứu cánh./ Thách cưới cả trăm triệu đồng

Nó “đặt bẫy” rồi thì lấy

Ngược lên vùng sâu A Đớt (huyện A Lưới), một “điểm nóng” về hôn nhân cận huyết mới thấy những hủ tục còn nặng nề, như một cơn mê đè nén bao thân phận của đồng bào nơi đây.

Ông Lê Hồng Bường, cán bộ tư pháp xã A Đớt, tâm sự: “Tuyên truyền, vận động mãi mà năm nào địa phương cũng có 1 đến 2 trường hợp hôn nhân cận huyết. Hôn nhân cận huyết chủ yếu là con cô, con cậu lấy nhau”.

Chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch nhưng Hồ Sỹ Tòng (SN 1990, thôn A Ting, xã A Đớt) vẫn ngồi bó gối ở nhà ôm đứa con chưa tròn hai tuổi. Hỏi ra mới biết, vợ Tòng lên rẫy gặt lúa, mấy hôm nay con Tòng ốm, anh phải ở nhà chăm sóc.

Tòng lấy vợ là Nguyễn Thị Trỗi (SN 1992), con gái ông Pi Riu Vấc (Vấc là em trai bà Pi Riu A Ve - mẹ Tòng). Biết là anh em nhưng trong dòng họ, thôn bản chẳng ai phản đối, bởi nói như ông Hồ Sỹ Năm - bố Tòng: “Nó đặt bẫy xong rồi thì phải lấy thôi".

Nhà Tòng và Trỗi vốn ở gần nhau, tuổi thơ của Tòng là những ngày sống cùng nương rẫy với những buổi theo bố mẹ dầm mưa dãi nắng trên đồi nương. Cái tuổi hoa niên như búp măng non cao vút trong ánh nắng đại ngàn. Rồi tình yêu giữa họ nảy nở lúc nào không hay.

Cũng như bao trai thôn gái bản khác, Tòng dẫn Trỗi phiêu diêu trong những đêm tình đi sim khắp bản làng. Điều lỳ lạ là, Tòng và Trỗi ở gần nhau, cả hai gia đình đều biết mối quan hệ huyết thống, ấy vậy mà không ai ngăn cản. Đến khi “gạo đã nấu thành cơm” thì đành phải làm lễ cưới.

15-04-20_3
Ông Lê Hồng Bường giải thích việc hôn nhân cận huyết là vi phạm pháp luật

Theo lý giải của bà Pi Riu A Ve, mẹ Tòng, thì con cô con cậu lấy nhau nhằm “tránh” được tục thách cưới to của nhà gái, nhiều khi nhà trai không đủ lễ vật; anh em cô cậu lấy nhau nên của cải cứ “xoay vòng” trong dòng họ, chứ không bị thất thoát ra ngoài.

Pi Riu A Ve nói: “Từ xưa đến nay, tập tục đồng bào mình nó thế. Mình chỉ làm theo ông cha thì có gì sai? Hai gia đình ở gần nhau, vốn là anh em nên cả hai bên thông cảm cho nhau về các thủ tục thách cưới. Miềng cho thằng Tòng lấy con Trỗi, nhà gái có thách cưới đâu, đỡ phải vất vả tốn tiền".

Ngày Tòng ăn cơm, đặt đôi đũa ngay ngắn bên mép chén để thưa chuyện đã lỡ “đặt bẫy” với con nhà Pi Riu Vấc, tuy không ai phản đối nhưng cũng có người lời ra tiếng vào. Riêng ông Hồ Sỹ Năm thì nở nụ cười mãn nguyện.

Nụ cười ấy đến bây giờ vẫn thế, khi chúng tôi hỏi về Tòng, ông Năm cười tít mắt, nói như tự hào: “Khi mình biết thì gạo đã chín rồi, biết mần răng? Mà đối với người dân ở đây chuyện lấy nhau như thế là bình thường. Con dâu mình vừa là cháu thì càng thêm đoàn kết giữa hai gia đình chứ răng?”.

Hôn nhân cận huyết, có trường hợp cả hai gia đình đều biết, nhưng cũng có gia đình con đặt đâu bố mẹ phải “ngồi đấy” vì sự đã rồi. Đó là trường hợp của Hồ Xuân Nhái (SN 1989, thôn A Đớt, xã A Đớt) lấy vợ là Hồ Thị Nương (SN 1991, thôn A Chi, xã A Roàng).

15-04-20_5
Vợ chồng Hồ Văn Nhái, Hồ Thị Nương (thôn A Đớt, xã A Đớt) cũng là hai anh em

“Do kết hôn cận huyết nên đa số bà con ngại đến ủy ban xã để đăng ký kết hôn. Mà nếu có đến mình cũng không biết giải quyết thế nào nữa. Khi địa phương phát hiện thì sự việc đã rồi nên đành chịu", ông Lê Hồng Bường cho hay.

Hôm chúng tôi đến, hai vợ chồng đã đèo nhau sang A Roàng thăm nhà ngoại. Nhái là con bà Phạm Thị Dinh, trong khi đó Hồ Thị Nương lại con của ông Hồ Văn Đỗ, em trai bà Dinh.

Bà Dinh với ông Đỗ tuy chị em ruột cùng cha cùng mẹ nhưng khác họ nhau là do tập quán của đồng bào nơi đây, lúc nhỏ “thích” lấy họ gì thì lấy nên mới có cơ sự đó.

Ngồi trầm ngâm, ông Hồ Xuân Cái, bố của Nhái, đến bây giờ vẫn còn nhớ như in cái cảm giác thinh thích ngày anh Nhái thông báo lấy vợ là cô em họ. Ông Cái kể: “Nó đi “đặt bẫy” chỗ mô ai mà biết. Thấy nó đi A Roàng chơi, ai dè mang vợ về là người bà con. Thấy nó ưng, vả lại điều này truyền thống của mình không ai cấm kỵ nên tui cũng không phản đối”.

Ngồi kể chuyện, ông Cái cười phô cả hàm răng thuốc lá vàng quạch: “Khi nó có bầu rồi mình không cưới cũng không được. Bên nhà gái buộc phải lấy thì lấy thôi. Nói là anh em chứ nó sinh được đứa con gái đẹp lắm. Đặt tên là Hát nữa đó”…

Những gia đình “3 không”

“Việc kết hôn cận huyết không chỉ gây ra hậu quả làm suy kiệt giống nòi mà còn ảnh hưởng đến con trẻ trong những gia đình đó", bà Phạm Thanh Tâm.

Hôn nhân cận huyết đã để lại những hậu quả khôn lường không chỉ về sức khỏe giống nòi mà còn di hại đến những đứa trẻ ra đời trong tình máu mủ.

Đứa con gái của Hồ Sỹ Tòng đã gần 2 tuổi. Cháu được đặt với một cái tên khá Tây: Hồ Mai Na Ry. Từ ngày sinh ra đến nay, Na Ry thường đau ốm liên miên, hai vợ chồng Tòng  phải thay nhau ở nhà chăm sóc con.

Ngồi ôm con, Tòng bảo: “Gần hai tuổi rồi mà trông nó nhỏ hơn mấy đứa trẻ trong xóm vì cháu hay đau ốm quá. Mang con đi bệnh viện thì tốn tiền vì mình chưa đăng kết hôn nên lên xã họ bảo chưa làm được giấy khai sinh, bảo hiểm cho cháu".

Những gia đình có kết hôn cận huyết rơi vào hoàn cảnh như Tòng không phải hiếm. Những đứa trẻ được sinh ra trong một mái ấm mà ở đó, các cháu "không có giấy khai sinh, không được đến trường, bố mẹ sống không hôn thú".

15-04-20_1
Vợ lên rẫy, Hồ Sỹ Tòng ngồi ôm đứa con ốm yếu ở nhà

Nói đến cái khái niệm lên xã đăng ký kết hôn, làm giấy khai sinh cho cháu, ông Hồ Xuân Cái xem chừng như còn xa lạ lắm. Ông Cái nói thật: “Thì chúng nó không kết hôn, làm giấy khai sinh vẫn sống tốt đó thôi. Lên xã mình ngượng lắm. Bà con lấy nhau còn lên đăng ký làm gì”. “Thế mai này làm sao cháu đi học được?”, tôi hỏi. “Đến đó hẵng hay”, ông Cái cười hiền.

Bà Phạm Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Dân số Kế hoạch hóa gia đình huyện A Lưới, cho biết: “Thông qua các chương trình, trong thời gian qua, chúng tôi đã thực hiện tuyên truyền, vận động không kết hôn cận huyết, vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình, hiệu qủa các chương trình cũng thấy rõ. Tuy nhiên, do đây là quan niệm có từ lâu đời, ăn sâu trong nếp nghĩ của đồng bào nên không dễ thay đổi một sớm một chiều". (Hết)

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.