| Hotline: 0983.970.780

Chủ Nhật 29/04/2018 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 29/04/2018

Chuyện buồn nửa thế kỉ

Chuyện ở xã Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa (Thanh Hóa), người dân muốn chăn thả trâu bò ra đồng phải đóng một khoản phí gọi là phí đồng cỏ, tiền thế chấp đang làm nhiều người ngỡ ngàng.

Cụ thể, mức thu mà HTX đưa ra là 100.000 đồng phí đồng cỏ/con/năm, 300.000 đồng tiền thế chấp chăn thả gia súc, gia cầm. Tổng khoản phí phải nộp: hộ có 1 đến 3 con trâu, bò thu 300.000 đồng; từ 3 đến 5 con thu 500.000 đồng; từ 5 đến 10 con thu 1.000.000 đồng và hộ có từ 10 con trở lên thu 2.000.000 đồng…

Muốn chăn thả trâu bò ngoài đồng, người dân phải đóng phí dịch vụ

Thật ra thì chuyện này chả có gì lạ. Nó chỉ là những việc nhỏ, rất nhỏ xảy ra tại một địa phương hẹp để “hòa nhịp”, “hưởng ứng” phong trào “thuế phí” đang rầm rộ trên nhiều lĩnh vực như BOT hay dự kiến thuế nhà trên 700 triệu đồng mà Bộ Tài chính vừa mới đưa ra.

Song, câu chuyện nhỏ này làm người viết nhớ lại một kỉ niệm cách đây nửa thế kỉ.

Từ những năm bắt đầu học cấp II, tức là khoảng hơn 10 tuổi, mỗi khi nghỉ hè, người viết bài này thường được gia đình giao cho nuôi từ 10 đến 20 con vịt (tùy năm) để khi bước vào niên học mới, có tiền mua quần áo, sách vở.

Năm ấy, để bán được giá, tôi đem 10 con vịt lên chợ Phủ, cách nhà khoảng 5km bán.

Vừa ra khỏi địa phận xã, bỗng một đám người tay đeo băng đỏ từ đâu hùng hổ bước ra. Họ chặn xe của tôi lại và đòi tịch thu toàn bộ số vịt.

Tôi hỏi: “Vịt của tôi, sao các ông tịch thu?”. Một lão hất hàm: “Vịt mày có nuôi ở cánh đồng không?”. “Có”. Tôi đáp. “Mày có biết cánh đồng của ai không?”. Lão hỏi. “Của Hợp tác xã”. Tôi đáp.

Chỉ chờ có vậy, gã hất hàm rất lạnh: “Vịt của mày nhưng thả ở ruộng hợp tác xã thì là vịt của hợp tác xã. Tịch thu”.

Tôi đứng lặng, một dòng nước mắt ứa ra. Chiều đó tiếc của, tôi đi lang thang và chao ôi, lại một lần nữa đứng lặng khi ở trụ sở hợp tác xã, họ đang hò nhau vặt lông những con vịt tôi một nắng, hai sương vật vã trên cánh đồng suốt 3 tháng hè…

Chuyện của tôi đã xa rồi, tôi đã từng quên nhưng hôm nay, đọc những thông tin này, quá khứ lại hiển hiện. Song, cái kết giờ đây có hậu hơn bởi báo chí vào cuộc và toàn bộ số tiền thu của dân ở Thiệu Dương đã được yêu cầu trả lại cho dân trước ngày 30/4.

Bình luận mới nhất