| Hotline: 0983.970.780

Chuyện buồn ở cụm, tuyến dân cư vượt lũ

Thứ Sáu 26/09/2014 , 10:35 (GMT+7)

Chương trình cụm, tuyến dân cư vượt lũ được tỉnh Long An triển khai từ năm 2000 với 189 cụm, tuyến dân cư, quy mô bố trí theo quy hoạch lên đến 32.786 hộ dân. 

Tuy nhiên đến thời điểm này, tiến độ đưa dân vào ở trên các cụm, tuyến dân cư chỉ đạt 16.515 hộ, đạt 49% theo kế hoạch. Một số cụm, tuyến dân cư đang trở nên hoang hóa, xuống cấp vì không có người vào ở, gây nên tình trạng lãng phí trong một thời gian dài…

NHIỀU NHÀ BỎ HOANG

Trên con đường rẽ vào huyện Mộc Hóa (Long An) đập ngay vào mắt chúng tôi là hình ảnh những ngôi nhà kiên cố, nằm san sát nhau trên một gò đất cao ở vị trí khá đắc địa, nhưng đang bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Hỏi ra mới biết, đây chính là tuyến dân cư Mương Khai, xã Tân Thành, một trong hai cụm tuyến dân cư trên địa bàn xã, nằm trong vùng quy hoạch xây nhà vượt lũ cho người dân.

Cụm tuyến dân cư Mương Khai được đầu tư xây dựng ngay trên trục đường chính dẫn vào trung tâm huyện Mộc Hóa. Cụm tuyến dân cư này từng được kì vọng sẽ đổi thay diện mạo mới cho quê hương Tân Thành. Thế nhưng, đã hơn 10 năm trôi qua, cả cụm tuyến này, lúc cao điểm nhất cũng không quá nửa nhà có người đến ở, rất nhiều nhà bỏ hoang, phía trước lẫn sau mặc cho nước đọng, cây cỏ um tùm.

Ông Võ Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: Cụm, tuyến dân cư Mương Khai được quy hoạch xây dựng theo chương trình xây nhà trên cụm tuyến dân cư vượt lũ cho người dân từ năm 2000, với quy mô bố trí vào ở cho 90 hộ dân.

Mặc dù các hộ dân được quy hoạch vào ở trong cụm dân cư đã nhận đất, xây nhà từ cách đây nhiều năm, tuy nhiên đến thời điểm này số hộ dân chuyển vào sống trong cụm dân cư đạt tỉ lệ rất thấp. Theo số liệu của phòng địa chính xã, hiện tại chỉ có 45/90 hộ dân là có người sinh sống trong cụm dân cư.

Có 27 hộ dân xây xong nhà hoặc còn dang dở thì bỏ hoang, quay về nơi cũ sinh sống hoặc bỏ đi khỏi địa phương. Đặc biệt có gần 20 hộ dân đã vay nợ để được cấp nền nhà ở, đồng thời vay vốn ngân ngân hàng chính sách huyện để cất nhà nhưng đến nay chưa thấy đả động gì.

Ông Trần Văn Dũng, Trưởng ấp Mương Khai, xã Tân Thành, có gần 20 năm làm ấp trưởng và là người hiểu rõ hơn ai hết vì sao người dân bỏ công cất nhà rồi phải bỏ đi, phân trần với chúng tôi: Để thành lập nên cụm dân cư này UBND xã đã tiến hành rà soát các đối tượng đang gặp khó khăn về nhà ở, sống ở những vùng sâu vùng xa thường xuyên chịu cảnh ngập sâu trong mùa lũ. Họ được quy hoạch từ 4 ấp khác nhau trong xã và đưa về cụm dân cư này.

Để cất được nhà, mỗi hộ dân phải kí giao kèo mua lại đất nền với giá đã được nhà nước hỗ trợ là 7 triệu đồng, trả trong 5 năm không tính lãi hoặc 10 triệu đồng tính lãi trong 10 năm. Sau đó, mỗi hộ dân còn được ngân hàng chính sách huyện ưu đãi cho vay thêm 9 triệu đồng nữa về mua vật tư, lo công cán cất nhà. Thế nhưng để hoàn thành một ngôi nhà theo mẫu chung thì mỗi ngôi nhà khi hoàn thành ở thời điểm năm 2008 có giá không dưới 40 triệu đồng. Đây là một con số rất lớn đối với người dân nghèo nơi đây.

Để cất được nhà họ phải vay mượn khắp nơi, cất nhà xong, mỗi hộ dân bắt đầu ôm đủ thứ nợ: nợ tiền nền đất, tiền vay vốn ngân hàng, tiền vay mượn anh em… Ngoài ra, ở nơi ở mới dù an tâm về nhà ở nhưng người nông dân lại loay hoay không biết làm gì để sống, bởi họ là dân nghèo, đất đai làm lúa rất ít, thậm chí có hộ không có đất nên đâm ra nhàn rỗi, chẳng biết làm gì!

XIN CHUYỂN ĐỔI CÔNG NĂNG

Do hiệu quả kém nên huyện Mộc Hóa đã xin chuyển đổi công năng 4/15 cụm tuyến dân cư vượt lũ của huyện. Hiện tỉ lệ xây dựng nhà trên cụm, tuyến ở địa phương chỉ đạt 28%, riêng số hộ dân vào ở chỉ 12%, thấp thứ hai toàn tỉnh. Đặc biệt trong thời gian qua, trên toàn tỉnh Long An đã có 250 trường hợp các hộ dân tự ý sang nhượng đất đai, nhà cửa trái phép trong cụm tuyến dân cư bằng giấy viết tay.

Gia đình anh Huỳnh Văn Hưởng, cụm dân cư Mương Khai đã chuyển lên đây xây nhà ở kiên cố từ năm 2006. Thế nhưng nhiều lần gia đình anh đã phải chuyển nhà qua lại giữa nơi ở cũ và mới vì công ăn việc làm.

Anh cho biết: “Vào những ngày mùa thì hai vợ chồng tôi cùng các con chuyển về nơi cũ để làm mùa vụ, ra đồng làm thuê cho người ta kiếm thu nhập. Hết mùa vụ hoặc mùa nước lên lại chuyển lên trên này ở cho an tâm. Những ngày mùa lũ tôi đi thả lưới, cắm câu kiếm cá bán, hoặc đi làm thợ hồ ngắn hạn cho các chủ thầu xây dựng, còn những thành viên khác trong gia đình thì hầu như suốt cả mùa lũ chẳng biết làm gì".

Ông Võ Văn Hiền - Chủ tịch UBND xã Tân Thành chia sẻ: Đa phần người nông dân ở vùng ĐBSCL đều có thói quen gắn chặt đời sống sinh hoạt với ruộng đồng, nên một khi chuyển về nơi ở mới sẽ gây không ít khó khăn trong việc sản xuất của họ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc người dân rời bỏ các cụm, tuyến dân cư vượt lũ để về lại nơi ở cũ.

Bà Nguyễn Thị Anh Phương - Trưởng phòng nhà ở và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Long An) cho biết: Chương trình cụm tuyến dân cư vượt lũ của tỉnh được triển khai chính thức với 189 cụm, tuyến. Sau khi tiến hành kiểm tra rà soát đã chuyển đổi công năng 24 cụm, tuyến xuống còn 165 cụm, tuyến với quy mô 32.786 lô, tổng nguồn kinh phí huy động vốn thực hiện chương trình hơn 901 tỷ đồng.

Sau giai đoạn thực hiện 2002 – 2010, đến nay chương trình đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các chỉ tiêu xây dựng cơ bản như đường giao thông, điện lưới quốc gia, hệ thống nước sạch đã được hoàn thành đạt tỉ lệ trên 85% cụm, tuyến dân cư. Trong đó, số cụm tuyến đảm bảo đủ các điều kiện về hạ tầng kĩ thuật là 102/165 cụm, tuyến, đạt tỉ lệ 62%.

Tuy nhiên, trong thời gian tới Sở Xây dựng Long An sẽ phải tiếp tục rà soát tại các cụm, tuyến dân cư. Nếu xét thấy cụm, tuyến dân cư không mang lại hiệu quả thì sẽ xin được chuyển đổi công năng phục vụ cho các dự án khác như: Cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dự án nhà ở xã hội hay xây dựng các công trình công cộng xã hội phục vụ nhu cầu dân sinh.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.