| Hotline: 0983.970.780

Chuyện cây ăn quả ở Hà Nội

Thứ Hai 18/07/2011 , 10:54 (GMT+7)

Năm 2010, diện tích cây ăn quả của Hà Nội là 13.535 ha, chiếm 79% tổng diện tích cây lâu năm và gần 10% diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Năm 2010, diện tích cây ăn quả của Hà Nội là 13.535 ha, chiếm 79% tổng diện tích cây lâu năm và gần 10% diện tích đất sản xuất nông nghiệp; chủ yếu ở Ba Vì (1.921 ha), Chương Mỹ (965 ha), Sóc Sơn (946 ha), Sơn Tây (867 ha), Mê Linh (854 ha)... Sản lượng 165.547 tấn, giá trị sản xuất đạt 1.500 tỷ đồng.

Phân tán, manh mún, nhỏ lẻ

Cơ cấu chủ yếu gồm cây bưởi diện tích 2.437 ha, cây chuối diện tích 2.155 ha, cây nhãn diện tích 2.077ha, cây vải diện tích 1.510 ha, cây cam quýt diện tích 758 ha... Hiện nay, diện tích cây ăn quả của Hà Nội phân tán, manh mún, nhỏ lẻ. Chất lượng sản phẩm không đồng đều về hình dạng, màu sắc và kích thước. Đa số nông dân chưa được tập huấn kỹ thuật về thu hoạch, sơ chế, bảo quản nên hình thức, chất lượng quả chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đa số người sản xuất không dành nhà kho riêng để lưu giữ phân bón, thuốc BVTV, không có sổ sách theo dõi chủng loại, lượng phân bón, thuốc BVTV, ngày sử dụng. Hiện tượng chăn thả gia súc, gia cầm ở giai đoạn thu hoạch quả vẫn phổ biến, làm tăng nguy cơ lây nhiễm vi sinh vật có hại.

Thời gian vừa qua Hà Nội đã quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất cây ăn quả. Năm 2006 đến năm 2008 có 20 dự án chuyển đổi từ ruộng lúa kém hiệu quả sang trồng cam Canh, bưởi Diễn, nhãn muộn với diện tích 756,06 ha, kinh phí hỗ trợ 6,8 tỷ đồng. Các dự án ở: Thanh Oai, Hoài Đức, Đan Phượng, Chương Mỹ cho thu nhập 300-500 triệu/ha.

 Tuy nhiên, cây ăn quả cần có thời gian kiến thiết cơ bản từ 3-4 năm mới cho thu hoạch nên đa số nông dân không dám đầu tư hoặc đầu tư thấp so với các cây trồng khác. Đa số nông dân chưa được hướng dẫn kỹ thuật, số lượng bảo quản ít, thời gian bảo quản ngắn, tổn thất trong quá trình thu hoạch và sau thu hoạch còn cao, chất lượng không đồng đều nên chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường, đây là khâu yếu kém nhất làm giảm hiệu quả kinh tế cây ăn quả.

Nhu cầu tiêu thụ quả của Hà Nội khoảng 960.000 tấn/năm. Sản xuất tại chỗ đạt 167.000 tấn, đáp ứng 21,4% nhu cầu tiêu dùng, nhập từ các tỉnh 60% và từ nước ngoài 20%. Sản xuất tại Hà Nội chủ yếu là quả tươi như: Chuối, đu đủ, nhãn, bưởi, cam, na, ổi, hồng xiêm, mít. Các loại quả đặc sản như: cam Canh, bưởi Diễn, bưởi Quế Dương, ổi Đông Dư, hồng xiêm Xuân Đỉnh... cũng được người tiêu dùng Hà Nội ưa chuộng, nhất là vào dịp Tết.

Hình thành vùng cây ăn quả

Nhìn chung sản xuất cây ăn quả có bước phát triển nhanh, diện tích tăng 4.600 ha trong 5 năm gần đây, tạo tăng trưởng khá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hiện thành phố đã hình thành một số vùng cây ăn quả như bưởi tại các huyện: Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoài Đức; nhãn tại các huyện: Mỹ Đức, Ba Vì, Quốc Oai; chuối phát triển tại các huyện: Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Phúc Thọ. Các giải pháp để phát triển cây ăn quả là:

- Quy hoạch phát triển cây ăn quả tập trung ở khu vực đồi gò, đất bãi ven sông, vùng trồng lúa khó khăn về nước tưới. Phấn đấu đến năm 2015, diện tích cây ăn quả đạt 16.400 ha, đến năm 2020 diện tích cây ăn quả đạt 20.000 ha. Hình thành các vùng cây ăn quả đặc sản tập trung qui mô xã, liên xã với diện tích mỗi vùng tối thiểu từ 50ha trở lên.

- Tập trung đào tạo cán bộ kỹ thuật, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản quả cho nông dân. Tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất và tiêu thụ cây ăn quả trong và ngoài nước.

- Tăng cường công tác quản lý, tổ chức sản xuất và cung ứng đủ giống cây ăn quả đạt tiêu chuẩn chất lượng cho nông dân. Tổ chức kiểm tra, thống kê, khảo sát các cơ sở sản xuất giống cây ăn quả. Lựa chọn khoảng 10 cơ sở sản xuất giống có đủ điều kiện để hỗ trợ các trang thiết bị, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, sản xuất 500.000- 600.000 cây giống chất lượng cao/năm.

Xây dựng “Trạm khảo nghiệm, nhân giống cây trồng chất lượng cao" để khảo nghiệm, tuyển chọn các giống cây ăn quả mới nhập nội trước khi đưa ra sản xuất đại trà; xây dựng vườn cây đầu dòng để sản xuất 150.000 cây giống chất lượng cao/năm; sản xuất giống cây ăn quả, hoa theo phương pháp nuôi cấy mô, trồng trình diễn một số giống cây ăn quả đặc sản, làm dịch vụ về bảo quản, đóng gói và xây dựng thương hiệu cây ăn quả. Hàng năm bình tuyển và duy trì bảo tồn khoảng 200 cây ăn quả đầu dòng làm nguồn vật liệu cung cấp cho các cơ sở nhân giống cây ăn quả.

- Xây dựng các vùng, các mô hình hộ, trang trại cây ăn quả năng suất cao làm nơi trình diễn, tham quan học tập cho nông dân. Xây dựng 6 vùng trồng và thâm canh bưởi Diễn, bưởi Quế Dương qui mô từ 150ha/vùng; 2 vùng trồng và thâm canh cam Canh qui mô từ 100ha/vùng; 3 vùng trồng và thâm canh nhãn chất lượng qui mô từ 50ha/vùng; 3 vùng trồng và thâm canh chuối tiêu hồng nuôi cấy mô qui mô từ 100ha/vùng; 2 điểm trồng thử nghiệm và thâm canh cây thanh long ruột đỏ qui mô 10ha/điểm; lựa chọn 35-40 hộ điểm có năng suất, chất lượng, lợi nhuận cao để tổ chức cho nông dân đến thực hành, học tập.

- Đầu tư xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu quả đặc sản Hà Nội, xây dựng liên kết sản xuất, sơ chế và kinh doanh quả, thành lập các HTX chuyên canh cây ăn quả. Tổ chức cho các hộ, các trang trại, các cơ sở sản xuất tham gia hội chợ, festival cây ăn quả. Tổ chức hội thảo chuyên đề phát triển cây ăn quả và giới thiệu sản phẩm. Xây dựng 1-2 nhãn hiệu/năm cho các vùng chuyên canh cây ăn quả. Xây dựng 1-2 HTX chuyên canh cây ăn quả/năm.

- Xây dựng và ban hành các chính sách của thành phố để hỗ trợ, khuyến khích trồng, thâm canh, sơ chế, bảo quản, chế biến quả như: Chính sách phát triển diện tích trồng mới, diện tích thâm canh cây ăn quả đặc sản; hỗ trợ xây dựng hạ tầng vùng sản xuất tập trung; các hộ là điểm trình diễn hỗ trợ thiết bị tưới nước tiết kiệm, thu hoạch, bảo quản, giảng dạy và thực hành; hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng, thiết bị cho các cơ sở sơ chế, bảo quản, đóng gói và chế biến quả; hỗ trợ nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm, hệ thống tưới phun sương, hệ thống phối trộn giá thể, hệ thống điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng cho các cơ sở sản xuất giống cây ăn quả quy mô lớn, đủ tiêu chuẩn và cho các điểm trình diễn cây ăn quả đặc sản có năng suất và thu nhập cao.

- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với sản xuất, chế biến, kinh doanh quả. Thường xuyên kiểm tra sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả, phân bón, thuốc BVTV. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở chế biến, bảo quản quả. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý của thành phố và các tỉnh. Xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ quả chất lượng cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Phấn đấu chứng nhận VietGAP cho 5-6% diện tích cây ăn quả/năm, kết hợp với xây dựng thương hiệu quả chất lượng cao.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm