| Hotline: 0983.970.780

Chuyện cây lúa, vẫn chưa yên

Thứ Tư 24/09/2014 , 10:25 (GMT+7)

Việc thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt chuyển biến còn chậm, chưa tạo được đột phá rõ rệt. 

Trong khi đó, chính sách cho cây lúa và câu chuyện chuyển đổi đất lúa ra sao vẫn đang là bài toán mà nhiều địa phương băn khoăn.

Những lo lắng xung quanh việc thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt, đặc biệt là cây lúa đã tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu tại Hội nghị toàn quốc tái cơ cấu ngành trồng trọt, do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chủ trì diễn ra vào hôm qua (23/9). NNVN xin ghi lại một số ý kiến tâm huyết tại Hội nghị.

Ông Nguyễn Văn Đồng, GĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang:

"Đề án Tái cơ cấu ngành trồng trọt đặt mục tiêu đến năm 2020, thu nhập từ trồng lúa đạt tới 120 triệu đồng/ha/năm, tôi cho là không ổn. Hiện ở Hậu Giang, lúa có tốt hết đát, một năm 3 vụ cũng chỉ tới 80-90 triệu đồng/ha là cao lắm rồi, khó mà có thể tăng thêm được nữa.

Vậy nên chăng cần điều chỉnh lại mục tiêu này để có những chính sát sườn hơn cho cây lúa. Tuy nhiên, cũng phải nói dư địa để có thể tăng thêm thu nhập cho người trồng lúa không phải là không còn, nếu các giải pháp đồng bộ dành cho cây lúa được thực hiện.

Điều tra của Hậu Giang trước khi triển khai tái cơ cấu cây trồng cho thấy, nếu áp dụng được các giải pháp kỹ thuật như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm..., sẽ tiết kiệm được ít nhất hơn 10% giá thành; đưa được máy gặt đập liên hợp vào, sẽ tiết kiệm được 15% giá thành; quy hoạch và vận hành thủy lợi bài bản, sẽ tiết kiệm được 4% giá thành...

Nếu áp dụng tổng thể các giải pháp đó, giá thành SX lúa vẫn có thể giảm thêm 30% so với hiện tại.

Điều này cho thấy không hẳn làm lúa không có lời. Cái yếu nhất hiện nay, không chỉ đối với cây lúa mà đối với những loại cây trồng khác, đó là cơ giới hóa. Chúng ta đang tính chuyện chuyển đổi đất lúa, nhưng xin thưa, một hộ nông dân ở Hậu Giang làm 10 ha lúa thì dễ, nhưng làm 1 ha màu thôi thì chịu, bởi có cơ giới hóa đâu, lấy đâu ra người để làm?

Ngay như câu chuyện cây mía, có thể nói chưa bao giờ người trồng mía lại bi đát như bây giờ, khi mà thu nhập còn thua xa trồng lúa. Nguyên nhân khiến trồng mía không có lãi, chính là vì không có cơ giới. Chỉ tính riêng công đi thu hoạch mía thôi, hiện đã chiếm tới 25% giá thành SX mía, hỏi làm sao có lời?

Một thời, chúng ta đã từng rất mạnh về chuyện cơ giới hóa, huyện nào cũng có đơn vị máy nông nghiệp, thế nhưng không hiểu sao bây giờ lại bị bỏ ngỏ".

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch- TGĐ Tổng Cty CP Giống cây trồng Thái Bình:

"Chủ trương của chúng ta trong tái cơ cấu ngành trồng trọt là nâng cao giá trị gia tăng thông qua việc SX hàng hóa tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm.

“Chính sách tích tụ ruộng đất, có thể nói đến nay vẫn chưa tìm ra lối tháo gỡ dứt điểm. Tổ chức ruộng đất vẫn manh mún, nông dân nhiều nơi bỏ ruộng, nhưng lại vẫn giữ đất... Điều này đang là cản trở rất lớn cho việc thực hiện đề án tái cơ cấu trong lĩnh vực trồng trọt. Bên cạnh đó, đề án tái cơ cấu đến nay đã có hàng loạt các chính sách đi kèm, nhưng những chính sách này có đang được thực hiện ở các địa phương hay không thì cần phải rà soát lại”, ông Nguyễn Trí Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt.

Thế nhưng ngay từ khâu quy hoạch vùng SX, nói đơn cử như cây lúa thôi, hiện nay chỉ thấy quy hoạch bằng con số trên văn bản, chứ chẳng chỉ ra cụ thể nơi nào trồng lúa gì. Người ta quy hoạch là phải quy hoạch trên bản đồ, nhìn vào bản đồ một cái là biết vùng nào phân bổ trồng cây gì, bao nhiêu ha...

Đã thế, mỗi tỉnh, mỗi địa phương quy hoạch một nẻo, tính liên kết vùng trong quy hoạch cây trồng không có, vì vậy lấy đâu ra sản phẩm hàng hóa, lấy đâu ra khu vực SX lớn để mà đưa cơ giới hóa, kỹ thuật đồng bộ để có hàng hóa lớn XK?

Ngay như Cty chúng tôi, hiện có đơn hàng đặt mỗi ngày chuyển ra Móng Cái (Quảng Ninh) mấy chục tấn gạo, bao nhiêu họ cũng mua hết, thế nhưng đi mua 10 tấn thôi cũng không mua nổi, bởi một vùng nhỏ đã có hàng chục giống lúa, hàng chục loại gạo khác nhau. Ở ĐBSCL cũng vậy, lúa Jasmine trồng lẫn IRRI 50404, lẫn lúa thơm, lẫn các giống OM..., mới chết chứ.

Lại nói về thị trường gạo, hiện nhiều giống lúa ngon trong nước bán tới 20, thậm chí 28 - 29 nghìn đồng/kg nhiều lúc không có bán, nhưng chúng ta lại đang vẫn đi đàm phán XK chỉ với giá chưa tới 500 USD/tấn, tức chưa nổi 6 nghìn đồng/kg.

Trong khi đó, hiện các DN thu mua lúa trong nước xay xát ra gạo để bán, vẫn đang bị đánh thuế VAT tới 10%. Nên chăng, cần phải kiến nghị Chính phủ bỏ thuế VAT đối với mặt hàng gạo để kích cầu tiêu dùng gạo chất lượng cao".

Bộ trưởng Cao Đức Phát:

"Nhìn chung, việc thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt nhiều địa phương đã có cố gắng, tuy nhiên đến nay tôi cho rằng chuyển biến còn chậm, chưa thấy tạo được sự đột phá nào rõ rệt. Nhiều chính sách phục vụ cho việc tái cơ cấu còn chưa được thực hiện.

Để tiếp tục có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, đề nghị các tỉnh phải tiếp tục bình tĩnh rà soát, lựa chọn những đối tượng cây trồng chủ lực, có thế mạnh, đồng thời phải có đề án và chương trình hành động cụ thể trình Tỉnh ủy và UBND các tỉnh để có sự thống nhất ở cấp cao nhất của các địa phương.

Về lúa, nhất định phải chọn các giống lúa bán được giá cao, được thị trường chấp nhận. Đồng thời, phải có các gói kỹ thuật đi kèm để nâng cao năng suất và chất lượng lúa gạo. Chúng ta đã có nhiều giống lúa tốt, nhưng cũng giống lúa ấy, có nơi trồng năng suất chỉ 5 tấn, có nơi lại 10 tấn là do gì?

Dư địa SX lúa vẫn còn, chúng ta vẫn còn có thể tiết giảm 30% phân bón, 50% thuốc BVTV, 50% nước tưới..., vấn đề là các giải phải đã được thực hiện đồng bộ hay chưa? Các địa phương cũng cần linh hoạt, chủ động trong việc chuyển đổi cây trồng, với chủ trương cây gì có giá trị cao hơn lúa thì hết sức khuyến khích người dân trồng".

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.