| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 19/11/2016 , 07:20 (GMT+7)

07:20 - 19/11/2016

Chuyện Chủ tịch huyện xin lỗi bác xe ôm

Chả biết tự bao giờ, như đã thành cái thành lệ, quan luôn luôn đúng còn dân chỉ có sai nên chuyện lãnh đạo xin lỗi nhân viên, cán bộ xin lỗi dân là hiếm, rất hiếm.

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)
 

Thế nhưng gần đây, chuyện đó hình như đang bị phá lệ. Không ít lần cán bộ phải xin lỗi dân, nhất là từ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cán bộ phải biết “4 xin”: Xin chào, xin phép, xin lỗi và xin cám ơn thì việc xin lỗi dân một cách thành khẩn không còn xa lạ.

Vừa qua, ông Đinh Khoa Toàn - Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc đã phải xin lỗi ông tài xe ôm Nguyễn Văn Thương và gia đình vì một chuyện xảy ra cách đây đã nhiều năm.

Hơn 4 năm trước, ngày 28/2/2012, UBND huyện Phú Quốc ban hành Công văn số 165/VP-NCPC truyền đạt ý kiến chỉ đạo của ông Đinh Khoa Toàn, khi đó là Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện, giao công an huyện kiểm tra, nắm lại tình hình người dân Phú Quốc, có ai hợp đồng hoặc mướn ông Thương tư vấn viết bài cho báo chí, hoặc tư vấn pháp luật thì có biện pháp giáo dục dân biết việc đó là sai trái, lừa gạt.

Công văn yêu cầu xử lý ông Nguyễn Văn Thương theo pháp luật nếu có việc ông này thu tiền của dân; thông báo công khai để ngăn chặn hành vi lừa gạt, đồng thời giao UBND thị trấn Dương Đông phối hợp với công an huyện tổ chức phổ biến nội dung văn bản trên tại tổ 9, khu phố 7 (nơi ông Thương cư trú); khu phố cần tăng cường giáo dục công dân thực hiện sống đúng pháp luật, không có hành vi gian dối, lừa gạt tương tự...

Thế nhưng gần đây, ông Thương mới biết chuyện có cái Công văn này và đã kiến nghị lên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang.

Tại buổi làm việc với ông Thương ngày 8/11 vừa qua, ông Đinh Khoa Toàn (hiện là Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc) cho biết, nội dung văn bản số 165 là căn cứ theo sự chỉ đạo của ông Văn Hà Phong (nguyên Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc). Tuy nhiên, ông Đinh Khoa Toàn đã đồng ý với đề nghị rút lại văn bản đối với ông Thương và xin lỗi ông Thương cùng gia đình.

Phải nói đây là lỗi không nhỏ bởi theo Luật hình sự, nội dung Công văn trên giống như một hành vi bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác. Song, thái độ cầu thị, sai thì sửa, có lỗi thì xin lỗi của ông Toàn đã được không chỉ ông Thương và gia đình ông chấp nhận mà còn nhận được sự hoan nghênh của dư luận.

Với một vụ việc, có thể “từ bé xé ra to” nhưng cũng có thể từ “to co lại cho bé”. Vấn đề là ở cách hành xử trước những sai lầm đó.

Vụ Quán café Xin chào sẽ là sự việc “bé như móng tay” nếu như các bên liên quan, cụ thể ở đây là ông Trưởng Công an huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Quý có cách hành xử có lý, có tình, biết tôn trọng người dân.

Thế nhưng tiếc thay, ông Quý đã không hành xử như vậy và hậu quả là sau khi bị cách chức Trưởng Công an huyện thì mới đây nhất, ông Quý còn bị cách tất cả mọi chức vụ trong Đảng.

Thời quan lớn như “đèn giời soi xét” đang báo hiệu đã qua, nhất là từ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết xây dựng một Chính phủ liêm chính và đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho tinh thần dân chủ.

Mong rằng tinh thần “4 xin” của Thủ tướng sẽ lan tỏa đến từng cán bộ, công chức mọi lúc, mọi nơi và chỉ khi đó, mọi người mới thực sự bình đẳng trước pháp luật, phải không các bạn?

Bình luận mới nhất