| Hotline: 0983.970.780

Chuyện cũ kể lại

Thứ Sáu 23/02/2018 , 08:50 (GMT+7)

Thời vua Lê Hiển Tông triều Lê Trung Hưng, ở kinh thành Thăng Long có nhà đại phú họ Trần quê ở Sơn Tây. Một hôm, bà vợ nhà đại phú về thăm quê.

Vì định ở chơi lâu, nên bà sai một cô hầu mang một cái tay nải, trong đựng mấy bộ quần áo bằng gấm vóc và rất nhiều đồ trang sức và đồ dùng quý giá bằng vàng ngọc. Bà chủ ngồi kiệu bốn người khiêng, còn cô hầu đi bộ theo sau.

Minh họa: Trọng Toàn

Dọc đường, mải hái hoa bắt bướm, cô hầu để rơi mất cái tay nải. Lúc nhận ra trên vai mình không còn bọc đồ, mặt cô cắt không còn giọt máu, tay chân run lẩy bẩy, mồ hôi toát ra ướt đẫm lưng còn miệng thì ú ớ nói không nên lời, vì cô hiểu bọc đồ đó có giá trị rất lớn. Vô cùng hốt hoảng, cô vội ba chân bốn cẳng quay lại con đường vừa đi, với một tia hy vọng hết sức mong manh.

Được một đoạn, cô thấy một người đàn ông ăn mặc rách rưới đang ngồi bên vệ đường, cạnh anh ta là một cái nón mê, một cái bị cói rách và một cái gậy vứt lăn lóc, rõ ràng anh ta là một kẻ ăn mày. Thời đó, xã hội nhiễu nhương, hết vỡ đê lại hạn hán, mùa màng thất bát, dân tình đói khổ, ăn mày ăn xin đầy đường. Lúc đầu, cô hầu không để ý. Nhưng rồi cô chợt giật mình khi thấy trên tay anh ta là... cái tay nải mà cô đã đánh rơi. Đứng chết trân một lát, rồi cô cất giọng run run hỏi:

- Thưa người, người bắt được bọc đồ ấy ở đâu?

- Tôi mới bắt được chưa lâu, đang ngồi đây để đợi người đánh mất. Có phải cô đã đánh rơi bọc đồ này không?

- Thưa người. Đúng vậy ạ.

- Vậy thì cô cho biết, trong bọc có những thứ gì?

- Thưa người, trong tay nải có...

Rồi cô lần lượt kể từng thứ trong bọc đồ. Mở bọc kiểm tra, thấy đúng như lời nói, anh ăn mày trao lại bọc đồ cho cô. Nhận lại tài sản, cô hầu như người chết đi bỗng được sống lại, cô mở bọc, lấy ra một cái vòng vàng trao cho anh ăn mày để tỏ lòng cám ơn. Nhưng anh cười:

- Cả một bọc vàng tôi còn không lấy, thì lấy cái vòng này của cô làm gì. Với lại, những thứ này là của chủ cô chứ đâu phải của cô. Thôi cô hãy đi mau cho kịp, để còn hầu hạ bà chủ.

- Thưa người. Nếu để mất bọc đồ này, thì tôi chỉ còn con đường chết. Nay người trả lại cho tôi, tức là người vừa cho tôi của, lại sinh ra tôi lần thứ hai. Tuy người không màng chuyện trả ơn. Nhưng tôi không thể không báo đáp. Nhà chủ tôi ở ngay sau cổng thành phía bắc. Ngoài tường, về phía đông nam có một bụi trúc quân tử. Cứ trưa, khi mặt trời đứng bóng hàng ngày xin người đến đó, rung cây trúc làm hiệu. Tôi sẽ mang phần cơm của mình ra, chia sẻ cùng người.

Anh ăn mày từ chối. Nhưng thấy cô hầu nài nỷ mãi, biết cô là người tốt bụng, chân thành, anh nhận lời. Và hàng ngày, cứ khi mặt trời đứng bóng, thấy bụi trúc rung, cô hầu lại ra, hai người san xẻ suất ăn của cô.

Thấy hiện tượng lạ, cứ mỗi khi cây trúc phía sau tường rung thì cô hầu lại lẻn ra đó, nhà đại phú họ Trần rắp tâm theo dõi, và một hôm, ông bắt được quả tang hai người đang ăn chung một bát cơm. Ông bắt cả hai vào nhà, tra hỏi.

Biết không thể giấu được, cô hầu kể cho ông chủ nghe chuyện mình đánh rơi bọc đồ hôm theo bà chủ về quê, được anh ăn mày nhặt được và trả lại. Nghe cô hầu kể xong, nhà đại phú cảm động:

- Một người thì liêm khiết, ngay thẳng, tuy thân phận nghèo hèn nhưng lòng dạ thanh cao, thấy của không phải của mình thì không tham, quả là ngọc vùi trong đá. Còn người kia kia thì trọng tình trọng nghĩa hiếm có. Thật là một cặp trời sinh.

Nói xong, ông gọi vợ ra, kể lại đầu đuôi câu chuyện cho bà nghe, và quyết định gả cô hầu cho anh ăn mày, cho vợ chồng họ số tài sản đúng bằng số vàng bạc mà cô hầu đã đánh rơi. Bà chủ cũng hết sức tán thành việc làm của chồng. Sau khi trao số tài sản đó cho họ, nhà đại phú họ Trần cầm tay họ, dặn dò:

- Hai con hãy về quê, dùng số tài sản này làm vốn để gây dựng cơ nghiệp. Người tốt như các con, rồi nhất định ông trời ông ấy sẽ thương đến.

Hai vợ chồng lạy tạ ân nhân, đưa nhau đi.

Mấy năm sau, có một đôi vợ chồng bồng theo một đứa con chừng ba, bốn tuổi, tìm đến nhà vị đại phú họ Trần nọ. Thì ra, đó chính là vợ chồng anh ăn mày. Nhờ số tài sản mà ân nhân đã tặng cho, vợ chồng họ về quê ở trấn Sơn Nam, mua được vài mẫu ruộng. Nhờ chăm chỉ làm ăn, nay họ đã có của ăn của để. Nhớ đến ân nhân, họ tìm về thăm.

Gặp vợ chồng nhà đại phú, cả hai lạy phục xuống, xin được nhận ông bà làm bố mẹ nuôi. Nghe vậy, vợ chồng nhà đại phú vui vẻ nhận lời.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?