| Hotline: 0983.970.780

Chuyện dài hạt lúa 3.000 năm nảy mầm?

Thứ Sáu 28/05/2010 , 09:21 (GMT+7)

Ngày 12/5/2010, ông Nguyễn Vũ Tùng, thành viên đoàn khảo cổ trường Đại học KHXH và NV gọi điện cho tôi thông báo: khi khai quật di tích Thành Dền tại thôn Phú Mỹ, xã Tự Lập, Mê Linh, Hà Nội, đoàn đã phát hiện các hạt thóc tại độ sâu tầm 1,2 m có tuổi khoảng 3.000 năm. Điều đặc biệt là một số hạt thóc đã nảy mầm.

LGT: Ngày 12/5/2010, ông Nguyễn Vũ Tùng, thành viên đoàn khảo cổ trường Đại học KHXH và NV (0903225864) gọi điện cho tôi thông báo: khi khai quật di tích Thành Dền tại thôn Phú Mỹ, xã Tự Lập,  Mê Linh, Hà Nội, đoàn đã phát hiện các hạt thóc tại độ sâu khoảng 1,2 m, cùng với các di chỉ có tuổi khoảng 3.000 năm. Điều đặc biệt là một số hạt thóc đã nảy mầm. Tôi đã điện thoại yêu cầu ông Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp đến hiện trường để tiếp nhận các cây mạ của đoàn khảo cổ về trồng trong nhà lưới của Viện.

Khi tiếp nhận thông tin trên, tôi rất bất ngờ và nghi ngờ, vì với kiến thức của mình, tôi không thể nào hình dung ra hạt thóc với tư cách một thực thể sống có thể tồn tại hàng ngàn năm trong điều kiện tự nhiên mà vẫn bảo tồn được khả năng nảy mầm. Nhằm khẳng định thêm các thông tin, ngày 18/5/2010, tôi đã có buổi khảo sát thực địa và phỏng vấn những người liên quan, nêu lên những nghi ngờ và đặt ra các giả thuyết về khả năng “lẫn” của những hạt thóc. TS Lâm Thị Mỹ Dung, các cán bộ của đoàn khảo cổ, công nhân tham gia khai quật, vận chuyển, sàng lọc mẫu đều khẳng định mọi công đoạn đều tuân thủ qui định nên có thể khẳng định, những hạt thóc nảy mầm đều được tìm thấy dưới các hố khảo cổ. Những nghi ngờ của tôi về khả năng có “sơ hở” để những hạt thóc bên ngoài lọt vào chưa tìm được câu trả lời.

Với tư cách là một viện nghiên cứu sinh học, chúng tôi đang hợp tác với các nhà khảo cổ để trả lời các câu hỏi xung quanh tuổi của các “hạt thóc cổ” nảy mầm nêu trên. Rất tiếc là chúng tôi không được tiếp cận với các “hạt thóc cổ” ngay từ lúc phát hiện mà chỉ tiếp nhận khi chúng đã nảy mầm nên chỉ có các chứng cứ khoa học mới thuyết phục được công luận và ngay cả những nhà khoa học trong cuộc.

Hiện nay có quá ít thông tin liên quan đến những “hạt cổ” nảy mầm. Rất may, thông qua những người bạn, TS Trần Đăng Hồng, nhà khoa học về hạt giống, nhiều năm làm việc cho Đại học Reading (Anh quốc) đã gửi cho tôi bài viết kèm theo, có rất nhiều thông tin thú vị. Tuy những thông tin của bài viết chưa thể đưa ra câu trả lời cho hạt thóc “3000 năm tuổi” nảy mầm song cũng là những thông tin có cơ sở khoa học để mỗi người tự tìm ra câu trả lời của mình trước khi khoa học có câu trả lời chính xác. Được sự đồng ý của tác giả, tôi xin gửi đến quí bạn đọc bài viết của TS Trần Đăng Hồng.

(Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam)

CHUYỆN DÀI HẠT LÚA 3000 NĂM NẨY MẦM?

Ngày 18/5/2010, báo điện tử Vietnam Express loan tin “Giới Khoa học (VN) xôn xao vì hạt lúa 3000 năm nẩy mầm”.

Sự việc bắt đầu khi Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lâm Thị Mỹ Dung - Chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học trường Đại học Quốc gia Hà Nội - tiến hành khai quật địa điểm khảo cổ Thành Dền đã tìm thấy những hạt thóc và gạo cháy xém tại 4 hố rác bếp. Khi đem các hạt thóc và gạo này ngâm trong nước để bảo quản thì khoảng 2 ngày sau có tới 10 hạt thóc đã nẩy mầm, đâm lá. TS Dung khẳng định "những hạt lúa này được lấy ra từ các hố rác bếp thuộc Văn hóa Đồng Đậu, tiền Đông Sơn, cách ngày nay 3.000 - 3.500 năm". Trong hình chụp thấy có 9 hạt, 2 hạt không nẩy mầm (hay vừa nhú, không thấy rõ) và 7 hạt nẩy mầm trong đó có 2 cây con khá lớn. 

Những hạt thóc nảy mầm được khai quật từ tầng đất có niên đại 3.000 năm

Trước thông tin này, nhiều nhà khoa học Việt Nam, như ông Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Lê Huy Hàm, hay Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Văn Bộ, vừa nghi ngờ nhưng cũng vừa thích thú. Ông Lê Huy Hàm phát biểu: "Nếu đúng là lúa cổ thì đây là một phát hiện chưa từng ghi nhận từ trước đến nay. Nó sẽ có ý nghĩa cực kỳ to lớn về mặt lịch sử cũng như về mặt di truyền học".

Giáo sư Đào Thế Tuấn, vị giáo sư hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam, nhận định là các hạt lúa này có hình dạng ngắn, bề ngang rộng chứ không thon dài như lúa nhiệt đới. Đây cũng là hình dạng của các loại lúa cổ xưa nhất ở Việt Nam như lúa nương, lúa nếp. Ông giả thuyết: "Theo tôi, nếu đúng là hạt thóc 3.000 năm nảy mầm thì có lẽ ở đây có một điều kiện đặc biệt nào đấy, tạo cho khu vực lưu trữ hạt thóc ở di chỉ Thành Dền chân không tốt nhất, giữ được sức sống cho chúng. Tôi giả định rằng trong khu vực lưu giữ các hạt thóc có lẫn lộn rất nhiều tro, hạt gạo cháy... Có thể chính môi trường này đã tạo điều kiện yếm khí tuyệt đối". Đồng quan điểm với giáo sư Đào Thế Tuấn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Văn Bộ cho biết “không loại trừ khả năng những hạt thóc này được bao bọc bởi một môi trường đặc biệt, có thể là yếm khí hoàn toàn mà con người chưa biết đến”.

Tuy nhiên, cũng có chuyên viên nghi ngờ: "43 năm làm khảo cổ nhưng tôi chưa bao giờ nghe, hoặc chứng kiến chuyện này. Tôi cũng đã đọc rất nhiều tài liệu nhưng chưa thấy đề cập đến chuyện nào tương tự. Tôi rất sợ đó là những hạt thóc do chuột đào hang và tha xuống", Phó GS Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường nói.

Hiện tại, 10 cây lúa (lần đầu 8 cây, 2 ngày sau thêm 2 cây) này được trồng, bảo vệ và theo dõi tại Viện Di truyền nông nghiệp để sau này với các phương pháp hiện đại có thể đối chiếu với trình tự gen của giống lúa đang trồng phổ biến nhằm kết luận đó có phải là lúa cổ hay không.

NHỮNG CÂU CHUYỆN HẠT CỔ ĐẠI “MUMMY SEEDS”

Chuyện hạt cổ “mummy seeds” (trong các mồ chôn vua chúa Ai Cập cách đây vài ngàn năm), hay hạt đào từ các địa điểm khảo cổ nẩy mầm sau vài trăm năm đến vài ngàn năm tồn trữ trong hầm, mộ không phải là hiếm.

Vào thế kỷ 19, vô số chuyện đăng trên báo chí danh tiếng, kể cả các tạp chí khoa học, về “mummy seeds” nẩy mầm sau vài ngàn năm tồn trữ trong hầm mộ kim tự tháp. Chẳng hạn, trên tạp chí khoa học nổi danh thế giới NATURE, ngày 31/3/1887, giáo sư danh tiếng Judd thời đó khẳng định trong một bài báo rằng các hạt lúa mạch (barley) tìm thấy trong các ngôi mộ chôn các vua Ai Cập cách đây trên 3.000 năm – gọi chung là “Mummy seeds” - nẩy mầm và cho ra cây bình thường, và trong phần tài liệu tham khảo, ông liệt kê một số tác giả đã làm nẩy mầm hạt “mummy” này, mà tất cả các tác giả này không phải khoa học gia mà chỉ là các nhà vườn và du khách “tài tử - amateur”. Chỉ nội 3 tuần sau, cũng trên tạp chí Nature, ngày 21/4/1887 (số 35, trang 582-582), GS George Murray cho biết sự thật sau khi điều tra, kiểm chứng và khám phá các hạt lúa mạch gọi là “Mummy seeds” là giả mạo bởi các tay buôn Ả Rập. Họ giả mạo hạt “Mummy seeds” bằng các hạt lúa mạch đương thời trồng chung quanh vùng các kim tự tháp đó, và bán cho các du khách. Du khách tưởng bở là thật tuyên bố vung vít trên báo chí.

Năm 1897, ông E. A. Wallis Budge, Giám đốc Viện Bảo Tàng Anh Quốc về Ai Cập Cổ Đại gửi đến Vườn Bách Thảo Hoàng Gia Kew rất nhiều hạt “Mummy seeds” có niên đại 3.000 năm để thử nẩy mầm trong phòng thí nghiệm có thiết bị tối tân, kết quả không một hạt nào nẩy mầm.

Sau bài báo của GS Murray, và tường trình của Vườn Bách Thảo Hoàng Gia Kew, các phòng khoa học khắp nơi trên thế giới tiết lộ thêm là tất cả chuyện hạt cổ đại “Mummy seeds” nẩy mầm đều giả mạo với các hạt giống đương thời, hay các giống (cultivars), loài (species) mà vào thời kỳ 3.000 năm trước Ai Cập chưa có các loài hay giống cây trồng đó. Các hạt thật sự “Mummy seeds” đều chết. Ngày nay, với kỹ thuật DNA, thật dễ dàng để khám phá các giả mạo. Chẳng hạn, năm 1922, một hạt đậu pea (Pisum sativum) tìm thấy trong lăng mộ vua Tutankhamen (chết năm 1334 trước Thiên chúa) nẩy mầm, nhưng sau đó khám phá ra rằng hạt đậu này là một giống địa phương bán ngoài chợ.

Năm 1967, trên tạp chí khoa học danh tiếng thế giới Science (số 158, trang 113-114) Porsild & cộng sự tuyên bố hạt Lupinus arcticus (họ Đậu Leguminosae) có số tuổi trên 10.000 năm, khai quật từ một hầm băng tuyết thời Pleistocene, vẫn nẩy mầm. Trong suốt 4 thập niên, các nhà khoa học đều tin tưởng là hạt Lupin này có tuổi thọ kỷ lục 10 ngàn năm, khí tồn trữ trong điều kiện băng tuyết trường kỳ (permafrost). Phải 42 năm sau, năm 2009, trên tạp chí khoa học New Scientists (số 182, trang 788-792), Zazula & cọng sự chứng minh là giống Lupinus arcticus nói trên chỉ là một giống thương mại ngày nay, không phải được tồn trữ từ thời Pleistocene cách đây 10.000 năm. Có lẽ tầng băng giá Pleistocene bị nhiễm các hạt giống ngày nay do các loài gặm nhấm (như chuột, sóc) đào hang mang hạt vào để tồn trữ dành ăn.

Về chuyện giả mạo hạt “mummy” đều được đề cập hầu hết trong các sách giáo khoa bậc đại học ở phương tây (như Black, 1967; Prestley, 1986; Roos et al., 1996; Baskin & Baskin, 2001, v.v.).

Gần đây, tháng 12/2009, một tờ báo (lá cải) ở Turkey tường trình hạt giống lentil cổ đại 4.000 năm nẩy mầm. Cho tới nay các báo khoa học (thật sự) và các khoa học gia của Turkey không đả động gì tới chuyện này (Còn nữa).

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm